Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đến Tô Châu, viếng Sư Tử Lâm

Sư Tử Lâm, một thắng cảnh nổi tiếng ở Tô Châu. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Để đến Tô Châu, chúng tôi mất khoảng 2 giờ bay từ Bắc Kinh đến Hàng Châu và sau một ngày tham quan Hàng Châu chúng tôi đi xe đến Tô Châu. Cả hai thành phố này nổi tiếng ở Trung Quốc với lời truyền tụng “Trên có thiên đường, dưới có Tô - Hàng”.

Người Trung Quốc cũng có câu ngạn ngữ: “Sống ở Tô Châu, cưới vợ ở Hàng Châu, ăn tại Quảng Châu và chết ở Liễu Châu”. Tô Châu là một thành phố có môi trường tuyệt vời với lượng cây xanh và diện tích mặt nước rải đều tạo ra sự cân bằng, hòa điệu giữa thiên nhiên và hạ tầng đô thị do con người xây dựng. Ở đây, hai loại cây được trồng nhiều nhất, rợp mát khắp các đường phố là cây ngô đồng và cây long não.

Đô thị cổ nhưng không "già"

Tô Châu tiếng Trung Quốc là Suzhou, tên cổ là Ngô, là một đô thị có lịch sử lâu đời thuộc tỉnh Giang Tô, nằm ở vùng châu thổ sông Dương Tử (hạ lưu Trường Giang) Trung Quốc. Cái tên Tô Châu có lẽ do ở phía tây nam thành phố này có núi Cô Tô, và vì vậy Tô Châu xưa được gọi là thành Cô Tô.

Tô Châu đặc biệt nổi tiếng vì những cây cầu xây bằng đá rất đẹp, chùa chiền và các hoa viên được thiết kế công phu tỉ mỉ, là những điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Đô thị cổ này hiện có 108 hoa viên, vốn là dinh, phủ của các quan lại xưa kia cáo lão về quê xây dựng nên mang đậm kiến trúc vườn của thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Một số vườn cây cảnh cổ ở Tô Châu đã được Unesco xếp loại là di sản thế giới.

Tô Châu được hình thành cách nay hơn 7.000 năm. Nhiều di tích văn hóa cổ thời kỳ đồ đá được tìm thấy trên núi Thảo Hài Sơn ở phía bờ Nam của hồ Dương Đăng; các nhà khảo cổ đã khai quật và phát hiện nhiều món đồ trang sức, dụng cụ sản xuất bằng gốm sứ, đá, xương, ngọc, đồ dùng sinh hoạt…

Những vết tích được phát hiện còn cho thấy Tô Châu là một trong những cái nôi bắt nguồn của ngành dệt Trung Quốc. Đây cũng đã từng là một trung tâm quan trọng của công nghiệp sản xuất tơ lụa Trung Hoa kể từ thời kỳ nhà Tống (960-1279) và tiếp tục giữ vai trò này đến ngày nay. "Con đường tơ lụa" thuở trước cũng được hình thành từ việc mua bán tơ lụa từ Tô Châu ra các nước trên thế giới qua con kênh đào là Kinh Hàng Đại Vận Hàng dẫn ra Thái Bình Dương.

Tô Châu có 232 cầu đá bắc qua hệ thống kênh rạch đan nhau như ô bàn cờ. Ảnh: TMB

Từ Hàng Châu đến Tô Châu mất khoảng 3 giờ ngồi xe (khoảng 165km), đoàn chúng tôi cũng nhìn thấy vẫn còn sót lại nhiều cổng thành cổ được xây dựng từ thời nhà Ngô. Thành phố Tô Châu ngày nay rất hiện đại nhưng hầu như không có nhà cao tầng, đường hẹp và có 232 cầu đá bắc qua hệ thống kênh rạch đan nhau như ô bàn cờ. Đặc biệt nhà ở nơi đây thường được xây dựng và thiết kế có mái nhà màu đen, tường nhà màu trắng theo thuyết âm dương.

Hệ thống giao thông thủy ở Tô Châu là hệ thống lâu đời nhất từ xa xưa còn lại. Tô Châu còn được du khách Âu Mỹ gọi là “Venice của phương Đông” vì nhà cửa được xây dựng san sát dọc hai bên bờ kênh rạch và rất nhiều cây cầu nối hai bờ để qua lại với nhau và hầu như tất cả các cầu qua lại hai bờ đều xây theo hình bán nguyệt.

Viếng Sư Tử Lâm khám phá mê cung

Sư Tử Lâm là một trong 4 khu vườn được tồn tại từ thời nhà Nguyên, nằm ở hướng đông bắc của Tô Châu, là khu vườn tuyệt đẹp với những kiến trúc sơn thủy trong khuôn viên hình chữ nhật có diện tích 1,1 héc ta; nhìn từ ngoài vào, khu vườn chạy dài từ đông sang tây và được bao quanh bởi những tường cao. Khu vườn có nhiều hành lang đan xen với vườn cây kiểng và ở giữa có một cái hồ. Ven hồ, những khối đá chồng lên nhau mang nhiều hình thù khác nhau, thoạt trông giống như những cái đầu sư tử bên cạnh nhiều tòa nhà, tháp, hoa kiểng, những cây cầu theo kiến trúc xưa bắc qua những hồ nhỏ.

Những khối đá chồng lên nhau mang nhiều hình thù khác nhau, thoạt trông giống như những cái đầu sư tử. Ảnh: Lâm Văn Sơn

Sư Tử Lâm tựa như một trận đồ bằng đá với 72 đường mòn quanh co, hang động, sảnh đường cao thấp khác nhau, nhiều khung cửa với nhiều kiến trúc cổ kính, mỗi khung cửa là một nét kiến trúc ngộ nghĩnh khác nhau, kích thích tính tò mò của khách tham quan. Nhiều người trong đoàn chúng tôi đã ghi được những bức ảnh lưu niệm rất đẹp ở các khung cửa này. Một đường mòn dài có mái che bao quanh khu vườn dẫn đến những nơi thật yên tĩnh.

Trong khuôn viên Sư Tử Lâm, chúng tôi đặc biệt có ấn tượng nhất là trận đồ bát quái được thu nhỏ, mô phỏng theo trận đồ nổi tiếng của Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc. Theo hướng dẫn viên địa phương cho biết, vua Càn Long rất thích hoa viên này và đã đến đây hai lần để phá trận và cũng đã xây dựng cho mình một mô hình lâm viên giống như Sư Tử Lâm này.

Du khách vào tham quan khu vườn cũng có dịp tự mình giải phá trận đồ này. Nhiều người trong đoàn chúng tôi đã phải luẩn quẩn mãi, vất vả lắm mới tìm được lối ra.

Năm 2.000 Sư Tử Lâm được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa thế giới và năm 2003, danh thắng này được liệt vào một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất ở Trung Quốc.

(Theo Lâm Văn Sơn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Hồ Inle, thiên đường của những cặp tình nhân
  • Sắc màu chân thật của Bắc Kinh
  • Đến Cologne “nếm” bảo tàng chocolate
  • Quế Lâm và những điều “nhất thế giới”
  • Đến Moscow, đi chợ đồ cũ, mua kỉ niệm
  • Lạc vào thế kỷ 19 ở Deventer
  • 10 điểm du lịch thú vị năm 2010
  • Đỏ tươi vụ mùa việt quất Canada
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com