Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Maison Centrale - Nhà tù Hoả Lò

Hoả Lò là một nhà tù được Thực dân Pháp xây dựng năm 1896 tại ngoại ô thành phố (nay là trung tâm thủ đô Hà Nội) để giam giữ tù phạm chính trị, những người ái quốc, cộng sản chống lại chính quyền thuộc địa Pháp. Khi Việt Nam giành quyền độc lập, Hoả Lòtrại giam của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và trong thời kỳ trận Điện Biên Mỹ trên không của chiến tranh Việt Nam, đây là nơi giam giữ phi công Mỹ nhảy dù cho đến sau Hiệp định Paris 1973. Các tù binh phi công Mỹ gọi Hoả Lò là“Khách sạn Hilton Hanoi”. Cựu chiến binh Mỹ - đương kim Thượng nghị sỹ John Mc.Cain cũng từng là tù binh tại đây.

Ngày nay, Hỏa Lò chỉ còn lại một góc nhỏ làm nơi tham quan cho du khách, khu vực còn lại là cao ốc thương mại Tháp Hà Nội. Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 (19/8) và Quốc Khánh (2/9) Travellive xin giới thiệu với du khách di tích lịch sử độc đáo này.

Cái tên “cúng cơm” của Hỏa Lò vàhệ thống giam cầm kiên cố nhất Đông Dương

… Ngày 17/10/1887, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập “Liên bang Đông Dương”, và 9 năm  sau, Nhà tù Hỏa Lò được khẩn trương xây dựng cùng với Tòa Đại hình (nay là Tòa án nhân dân tối cao) và Sở Mật thám (nay là Công an TP Hà Nội ở 87 Trần Hưng Đạo).

Trước kia, Nhà tùHỏa Lò có tên là Đề lao Trung ương (Maison Centrale), nhưng do được xây trên đất của làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương (cũ) là làng nghề chuyên sản xuất đồ gốm, chum, vại, ngày đêm rực lửa lò nung, vì thế cái tên “cúng cơm” bị quên lãng và người dân chỉ quen gọi là Nhà tù Hỏa Lò.

Được xây dựng năm 1896 trên khu đất rộng 12.908m2, Nhà tù Hỏa Lò là công trình kiên cố vào loại bậc nhất Đông Dương với lối kiến trúc đặc trưng cho sự tù đày: thâm nghiêm, vững chắc và lạnh lẽo. Bao quanh nhà tù là bức tường đá dày nửa mét có cốt thép, cao 4 mét, trên tường có cắm mảnh chai và chăng dây điện cao thế. Dưới chân tường ở phía trong có một con đường nhỏ rộng chừng 1,2 m, là đường cho lính tuần tra. Bốn góc nhà tù có 4 tháp canh có khả năng quan sát nhất cử nhất động toàn bộ khu trại giam. Riêng hệ thống cửa sắt, khóa được mang từ Pháp sang. Trại có 9 khu giam giữ và từng khu biệt lập với nhau bằng những cửa sắt bịt tôn. Ngoài ra là các khu làm việc cho lính canh, trại giam tù người Âu, trại giam tù nữ, khu nấu ăn... Khu xà lim giam tử tù đặt ở trong cùng và một hầm tối để giam những người “cứng đầu”...

Bên cạnh nhà tù Hỏa Lò là Toà Đại hình và Sở Mật thám tạo thành thế chân kiềng vững chắc theo nhận định của chính quyền thực dân Pháp lúc bấy giờ. Từ nhà tù Hỏa Lò có một đường hầm dẫn thẳng sang tầng hầm của Tòa Đại hình. Những phạm nhân nguy hiểm, khi đem ra xét xử đều đi theo con đường hầm này. Nghe nói từ tầng hầm của Tòa Đại hình còn có hai đường hầm nữa, một đường chạy sang Sở Mật thám, còn một đường được coi là lối thoát bí mật chạy qua khu chợ 19/12 hay còn gọi là “Chợ Âm Phủ”, nhưng lối lên ở đâu thì không ai biết.

Những thế hệ bị giam cầm và cuộc vượt ngục nổi tiếng của tử tù Cộng sản

Nhà tù Hỏa Lò bắt đầu nhốt tù vào ngày 1/1/1899 mặc dù lúc này nhà tù vẫn chưa xây dựng xong. Theo thiết kế ban đầu, Hoả Lò chỉ đủ giam 500 tù nhân, nhưng vào những năm 1950 - 1953, Hỏa Lò giam cầm tới 2000 người. Nơi này còn lưu truyền một cuộc vượt ngục nổi tiếng của 16 tử tù Cộng sản vào đêm Giáng sinh năm 1951. Khi các tử tù được tổ chức cung cấp lưỡi cưa sắt, dũa, họ đã cưa khóa chân, cưa chấn song cửa sắt và thoát ra theo đường cống ngầm... Không may, khi ra đến đường thì bị lộ, chỉ có 5 người, sau khi trốn thoát lại tiếp tục hoạt động Cách mạng, số còn lại bị bắt, khi ra toà, ngoài án tử hình còn lĩnh thêm mỗi người... 5 năm tù giam.

Lịch sử kể rằng: Có 3 thế hệ những người yêu nước bị giam ở đây, đầu tiên là cụ Phan Bội Châu, cụ Lương Văn Can, cụ Dương Bá Trạc... Thế hệ thứ hai là các đảng viên Cộng sản như các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười... Còn thế hệ thứ ba từ năm 1947 cho đến ngày 10/10/1954 là những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, du kích, biệt động nội thành. Sau khi Việt Nam giành quyền độc lập, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh là một trong những cán bộ Công an đầu tiên tiếp quản Nhà tù Hoả Lò (tháng 10/1954).

… Hoả Lò, hôm nay...

Năm 1993, trên nền đất của Hỏa Lò cũ, một trung tâm thương mại - Tháp Hà Nội đã được xây dựng, phần còn lại với diện tích hơn 2000m2 trở thành di tích lịch sử Cách mạng đặc biệt của Thủ đô.

Khu di tích Hỏa Lò được tái hiện lại một phần những khu trại giam nam, khu trại giam nữ, khu trại giam nữ có con nhỏ và đặc biệt để lại ấn tượng trong lòng du khách tham quan là khu xà lim giam tù tử hình.

Bắt đầu bước chân qua cánh cổng sắt nặng nề, khắc nghiệt, du khách có cảm giác như bước vào câu chuyện lịch sử hào hùng, bi tráng trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam qua gần 20 phần tái hiện và trưng bày hiện vật lịch sử. Từ quang cảnh nhộn nhịp thanh bình bên lò nung của người dân làng Phụ Khánh chuyên nghề sản xuất chum, vại đến cảnh những tù cộng sản bị giam cầm trong xà lim ngục tối…. Từ chiếc cống ngầm ghi dấu chân những người tù cộng sản vượt ngục để về với Cách mạng, về với nhân dân đến cây bàng đã gần trăm tuổi, nơi các tù cộng sản trao đổi tin tức, tài liệu,…. Và còn từ một danh sách dài những thế hệ các chiến sĩ cộng sản đã từng bị tra tấn, giam cầm, hy sinh tại đây cùng rất nhiều những hiện vật, dù lớn, dù nhỏ đều như một bản hùng ca bi tráng. Tất cả dường như đang sống lại, vẹn nguyên, gan góc trải qua thăng trầm của năm tháng để trở thành những chứng tích trường tồn cùng lịch sử. Với tất cả những gì còn lại, ngày nay, Hoả Lò đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Thủ đô.

Thông tin thêm

- John Sidney McCain III sinh ngày 28 tháng 8 năm 1936, ông là Thượng nghị sỹ thâm niên của Hoa Kỳ. John Sidney McCain đã học tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ và tốt nghiệp vào năm 1958. Ông trở thành phi công hải quân lái máy bay cường kích từ hàng không mẫu hạm. Trong lúc tham chiến trong Chiến tranh Việt Nam, năm năm rưỡi ông bị bắt làm tù binh chiến tranh tại miền bắc Việt Nam. Sau Hiệp định Paris 1973 ông được trả tự do. Ông là một trong hai nhân vật năng nổ (người thứ hai là John Kerry) trong việc hối thúc và vận động chính phủ Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

 

(Theo vntravellive)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Tangier - Thành phố huyền thoại lột xác
  • Khám phá Crystal River
  • Độc đáo PHILIPPINES
  • Thổ Nhĩ Kỳ - điểm đến mới của năm 2010
  • Những hòn đảo nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới
  • Tìm bình yên ở Maui
  • Lễ hội băng đăng rực rỡ
  • Thành phố biển mộng mơ Rio de Janeiro
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com