Các quầy bán hàng lưu niệm trên đồi Vorobyery. Ảnh: Hải Lý. |
Tôi ngó sang bên phải, bên trái, đằng trước, phía sau, tất cả đều chật cứng, những chiếc xe đủ màu nằm yên không nhúc nhích lấy một cen ti mét. Đã ba mươi phút trôi qua.
Người bạn đi cùng bắt đầu bấm một số máy nào đó trên điện thoại di động. “Có lẽ chúng ta sẽ chết dí ở đây hàng tiếng. Tôi phải nói chuyện với ai đó, nếu không sẽ ngủ bên tay lái mất” - anh nói và mở cửa, bước ra khỏi xe. Mùi tuyết, mùi khói xăng đóng băng trong không khí ùa vào. Kẹt xe có ở khắp mọi nơi, nhưng chưa ở đâu khủng khiếp như ở Mátxcơva. Những đại lộ tám, thậm chí mười làn xe vẫn kẹt như thường.
Tầm sáu giờ chiều khi ngày làm việc kết thúc, người ta ùa đến các bãi xe, cố gắng vượt ra ngoại ô hoặc về nhà một cách sớm nhất để tránh “chôn” xe giữa các đại lộ trong tuyết lạnh. Đặc biệt chiều thứ Sáu, sự kẹt xe biến Mátxcơva thành đô thị độc nhất vô nhị với hai dòng chảy trái chiều: dòng xe chạy vào trung tâm vắng vẻ, dòng chảy ra ngoại ô hoặc các thành phố lân cận ùn tắc. Hơn 3,5 triệu chiếc xe với đủ mọi nhãn hiệu là con số thống kê được ở thủ đô nước Nga. Báo chí nói các mác xe nội như Lada, Zuguli vẫn chiếm 50% thị phần xe ở Nga, nhưng những lần kẹt xe, nhìn ra xung quanh, biển số Mátxcơva 177, 199, 97 chỉ thấy toàn xe ngoại. Năm ngoái lượng xe Mercedes bán được ở Nga gấp bốn lần số xe tiêu thụ toàn châu Âu cộng lại. Xe Volvo, Renault, BWM cũng được ưa chuộng, nhưng tìm phụ tùng thay thế khó, nên người Nga chuộng xe của Nhật hơn.
Với mật độ phương tiện cá nhân như thế, Mátxcơva hối hả xây đường. Đường vành đai số ba làm xong, vẫn kẹt, người ta đang xây đường vành đai số bốn. Cầu vượt tầng lớp nối đại lộ Bernadski với đại lộ Lênin, nhưng giờ cao điểm xe vẫn tắc. Trên đại lộ Hòa Bình, trước cửa khách sạn Kosmos, một trong những biểu tượng một thời về sự bề thế của Mátxcơva, người ta đặt một cầu vượt mới cao hơn mười mét, lên trên mặt đường đang sử dụng. Thế là khách sạn Kosmos bỗng nhiên thấp xuống và tượng tướng De Gaulle của Pháp phía trước trở nên bé xíu đến nỗi phải tới gần mới nhận ra được.
Nhiều người đã trốn kẹt xe bằng metro. Tất cả các tuyến tàu điện ngầm đều dài ra do được nối thêm ga mới. Gần hai mươi năm trước Mátxcơva đã có kế hoạch xây một tuyến đường metro vòng tròn thứ hai, nhưng đến giờ vẫn chưa xuất hiện. Một biển người chuyển động, các nhà ga chật ních, giống hệt làn sóng người tràn qua đường mỗi khi đèn đỏ và xe cộ dừng lại ở các phố trung tâm Tokyo. Các nhà ga vẫn đẹp thế, hoành tráng thế, sạch sẽ và ấm áp lạ kỳ dù bên trên đường phố âm mười mấy độ lạnh. Trên các thang cuốn, các chàng trai vẫn đứng dưới, cô gái đứng trên, ngước lên nhìn xuống tình tứ. Nhưng cái phương tiện công cộng phổ biến nhất này là thiết kế cho thời mấy chục năm về trước, với công suất chuyên chở tối đa 80.000 người/phút. Hiện nay nó đang oằn mình chở tới 120.000 người/phút. Thảo nào trong các toa, ngay cả vào lúc 20 giờ đêm, tìm một chỗ đứng cũng khó. Có lẽ vì thế mà bây giờ người Mátxcơva không còn đọc sách, báo trong metro nữa. Thỉnh thoảng mới thấy một cô gái ôm quyển sách đọc dở trong tay!
Ký túc xá Bernadshi của trường Mgimo. Ảnh: Hải Lý. |
Đứng trước cửa phòng 823, tầng 8, ký túc xá số hai Bernadski của Đại học Quan hệ Quốc tế Mátxcơva (Mgimo), tôi bỗng thấy cay cay trong mắt và hai chân mỏi rã rời dù trước đó chỉ đi bộ mấy bước. Căn phòng suốt năm năm thời sinh viên và mười chín năm đã qua dường như đang bị thời gian xóa nhòa khoảng cách, gần gũi như thể hôm qua, tuần trước, tháng trước, năm trước vậy. Mở cửa là một cô gái chừng hai mươi, khuôn mặt tròn, mái tóc nâu màu hạt dẻ, tên Olga. Một cái tên rất Nga nhưng cô lại là người Ucraina, giống như cô bạn gái Lena cùng phòng của tôi ngày xưa đến từ Kiev. Vẫn hai giường, hai bàn học, hai chiếc ghế, hai giá sách trên tường. Chỉ khác là một tủ tường lớn đã thế chỗ bồn rửa mặt và trong phòng tắm có thêm máy giặt. Tôi nhìn qua cửa sổ, cây bạch dương mảnh khảnh bên dưới không còn nữa. Nhưng có một cây, hình như vài năm tuổi, đứng cách cửa sổ mươi mét. Bao nhiêu năm nay, mỗi khi nhớ về Mátxcơva, tôi thường nhớ đến ô cửa sổ này, nơi mà từ đó, có thể phóng mắt nhìn khắp khu phía Tây Nam thành phố. Olga học khoa Quan hệ Quốc tế năm thứ hai. Lúc ở lối vào, ông bảo vệ đã cho biết bây giờ sinh viên tất cả các khoa đều có thể ở đây, nơi trước kia chỉ dành cho sinh viên khoa Quan hệ kinh tế Quốc tế và Báo chí. Mgimo giờ có tới bốn khu ký túc xá, ba khu cũ và một khu mới. Ở ký túc xá Bernadski hiện có mười sinh viên Việt Nam.
Khu giảng đường Mgimo hầu như không thay đổi, chỉ có tòa nhà gần nhà ăn được xây thêm cao hơn, với khung vòm tròn, khá bắt mắt. Phía sau khu nhà thể thao, nơi tuyết phủ đầy, dễ dàng nhận ra một sân tennis dành cho mùa hè. Những bức phù điêu trên bề mặt ở cổng chính còn đó như đã từng tồn tại từ ngày đầu tiên. Tuy nhiên, trường hiện nay có thêm nhiều khoa mới, mà hai trong số đó là Chính trị năng lượng & Ngoại giao và Quản trị Quốc tế. Thời của năng lượng mà! Nước Nga vẫn là một cường quốc dầu mỏ, than đá, khí đốt. So với các nước Tây Âu, giá xăng ở Mátxcơva rẻ hơn nhiều, chỉ khoảng 22-24 rúp/lít bán lẻ (30 rúp bằng 1 đô la Mỹ). Và hệ thống lò sưởi chạy khí của Mátxcơva vẫn xứng đáng là một “kỳ quan thế giới”. Trong nhà riêng và các nơi công cộng có mái che, người ta có thể mặc áo sơ mi dù ngoài trời đang có bão tuyết âm 25 độ. Trên dưới 5.000 là ước lượng con số sinh viên Việt Nam ở tất cả các trường đại học tại Nga hiện nay. Khoảng 1.500-1.800 trong số đó được nhận học bổng nhà nước, còn lại là du học tự túc. Ở những trường lớn của Mátxcơva như Tổng hợp Lômônôxốp, Mgimo, Baumanski, Năng lượng... học phí khá mắc, nghe nói 5.000-6.000 đô la Mỹ/năm. Ký túc xá cũng không còn miễn phí như thuở nào. Quy định chung là sinh viên đóng tối thiểu 80 đô la Mỹ/người/tháng cho phòng ở hai người, nhưng nhiều ký túc xá thu 100-150 đô la Mỹ/người/tháng. So với giá thuê nhà ở Mátxcơva, tiền ký túc xá còn rẻ chán, nhưng với sinh viên đó cũng là gánh nặng. Bù lại, các ký túc xá được quản lý, giữ gìn sạch sẽ, tu sửa thường xuyên. Trong ký túc xá Bernadski, phòng bếp ở các tầng sáng bóng, sàn nhà được lau chùi và lối vào có thêm hai máy ATM. Một buổi tối, Tiến sĩ Hoàng Kim Bổng, người từ nhiều năm nay giảng dạy tại khoa Hóa xúc tác, Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, “chiêu đãi” chúng tôi ở nhà hàng Mangal City với những món đặc trưng Nga như xúp củ cải đỏ và thịt cừu nướng. Nhà hàng nằm cạnh rạp chiếu phim Ngôi sao, cách không xa khu ký túc xá cũ của khoa Luật và khoa Ngôn ngữ MGU. Ông hiện là một trong những nhà khoa học hàng đầu của Nga, giảng dạy ở nhiều nước châu Âu, Canada nhưng không nhận giảng ở Mỹ dù được mời nhiều lần. Chính quyền Mátxcơva phân cho ông một căn hộ, ông nhận, nhưng đề nghị nhập quốc tịch Nga thì ông từ chối. “Mình ở đâu cũng là người Việt Nam”, ông bảo. Ông kể chuyện các nhà khoa học Nga, từ chuyện phòng thí nghiệm đến đời tư của họ, chuyện lò phản ứng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Iran và dặn tôi đừng uống nước trực tiếp từ vòi trong nhà tắm. Ở Mátxcơva giờ chỉ có nước của khu Soltsevo là uống được do hệ thống lọc nước đã được cải tiến theo kỹ thuật mới. “Trước đây nước được khử trùng bằng clo, nay là công nghệ điện hóa. Clo chỉ diệt khuẩn, không đủ sạch...” . Tôi nghe những ngôn từ đặc thù hóa lý, chẳng hiểu gì. Lần đầu tôi gặp Tiến sĩ Bổng là ở nhà hàng Nem’s của anh Nguyễn Đình Hoàng ở gần metro Yugo-Zapadnaya. Anh sống ở Nga đã 25 năm, từ thời sinh viên, rồi nghiên cứu sinh và bây giờ gần như là công dân Mátxcơva. Con anh sinh ra và lớn lên ở Nga, nói tiếng Nga giỏi hơn tiếng Việt. Anh chế những món ăn Việt Nam, nhưng thêm thắt gu Nga. Chẳng hạn chả giò thì làm như bình thường, sau đó tẩm bột chiên. Hôm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt lẵng hoa trước tượng đài Bác ở quảng trường Hồ Chí Minh, từ sáng anh dậy sớm quét tuyết và còn tự thuê một vài người Nga cùng làm. Nhà anh ở gần quảng trường và anh lặng lẽ làm công việc ấy từ nhiều năm nay. Mùa hè, hàng tuần anh dọn sạch những nơi chim bồ câu đậu, những cọng rác, vỏ đồ uống ai bỏ đấy. Mùa đông, hai tuần quét tuyết một lần. Anh giữ gìn quảng trường nơi Bác đứng giống như nhà mình, tự nguyện, không đòi hỏi, không bao giờ lên tiếng.
Không có thống kê chính thức nào về số lượng người Việt ở Mátxcơva. Tuy nhiên dễ nhận thấy thành phần cộng đồng người Việt ở đây khá phong phú, từ trí thức, người làm công ăn lương đến lao động tay chân không giấy tờ hợp pháp. Sau khi chợ Vòm bị đóng cửa hồi giữa năm, nhiều công nhân Việt đã về nước. Số còn lại tản ra các chợ bán lẻ. Chợ Asean nằm trong một phân xưởng cũ của Nhà máy sản xuất vòng bi số một, có 200 quầy, giá thuê từ 10.000-14.000 đô la Mỹ/quầy/tháng trên diện tích 9 mét vuông tùy mục đích sử dụng. Nếu không có dòng chữ “Chào đón quý khách” bằng tiếng Nga bên ngoài thì không thể hình dung đây là một khu buôn bán. Chợ không được đầu tư nhiều, mùa đông mà không lắp đặt lò sưởi. Người bạn đi cùng giải thích chủ chợ không thể đầu tư vì là địa điểm thuê: “Nếu đầu tư, những người cho thuê thấy làm ăn được có thể tăng giá thuê hàng tháng, thậm chí đòi lại cho người khác thuê”.
Nỗi lo thường xuyên của người Việt trực tiếp bán hàng hoặc kinh doanh tại các chợ là vấn đề tạm cư. Năm 2008 hạn ngạch người nước ngoài được phép lao động ở Nga là 3,9 triệu người, nhưng năm nay đã giảm nhiều, chỉ còn 2,5 triệu. Năm 2010 còn thấp hơn, ước 1,8 triệu, trong đó Mátxcơva được phân bổ 250.000 người. Đó quả là con số ít ỏi đối với một thành phố có 15 triệu người đăng ký chính thức và cũng chừng đó người nhập cư. Lái xe của Ngân hàng VRB Mátxcơva, một người thủ đô gốc, nói dễ đã mười mấy năm, Mátxcơva không kiểm kê dân số. Thủ đô nước Nga hiện nay tràn ngập người Trung Á. Báo chí đưa tin có tới 3 triệu người Kirghizstan, 1 triệu người Kazakstan ở Mátxcơva và vùng ngoại ô. Họ đổ về đây sau khi chế độ đăng ký hộ khẩu bị bãi bỏ. Họ làm những công việc nặng nhọc như dọn vệ sinh, quét tuyết, những công việc mà không người Nga nào muốn làm với đồng lương không nhiều nhặn gì. Gương mặt lao công, đổ rác ở các siêu thị, nhà ga, trung tâm thương mại... thường là người Trung Á.
Đa số người Trung Á chăm chỉ, làm việc cần mẫn và họ có không ít thành công. Các khu chợ thương mại xung quanh ga tàu điện ngầm Yugo-Zapadnaya đều của người Trung Á. Khách sạn Ucraina nổi tiếng ở Mátxcơva, trung tâm thương mại châu Âu gần metro Kievskaya, nhà hàng danh tiếng Praha trên phố Arbat đã được các tỉ phú người Kazakstan bỏ vốn đầu tư hoặc mua lại.
Với hạn ngạch nhập cư quá ít, người Việt thật khó cạnh tranh với dân cư các nước khác để có thẻ tạm trú. Những người Việt có công ăn việc làm ổn định, thường là trí thức, được cấp thẻ định cư một năm (gần giống thẻ xanh ở Mỹ hay châu Âu), sau đó gia hạn mỗi lần 12 tháng. Chủ thẻ xanh không tham gia quân đội và không có quyền bầu cử, còn lại được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ như người Nga. Nhưng một khi hết hạn thẻ định cư mà không được gia hạn, chủ thẻ mất hết quyền lợi: không còn chủ quyền đối với nhà ở, chủ sở hữu xe, thậm chí bằng lái xe cũng tự động hết hiệu lực. Vì thế người Việt ở Mátxcơva phải cố hết sức để có thẻ tạm trú. Những người không có thẻ, không giấy tờ tùy thân chỉ dám ở trong nhà. Họ thường bị công an địa phương hỏi han. Thế nhưng không có nghĩa là bất kỳ người Việt nào ở Mátxcơva cũng đều bị hỏi giấy tờ. Trái với lời một số người vẫn nói, Mátxcơva thực sự bình yên như bất kỳ một thành phố châu Âu nào. Tôi đã đi lang thang một mình ở Mátxcơva, trong tàu điện ngầm, lên xe điện, xe buýt, xem phim vào buổi tối và nhận ra thành phố rất an ninh.
Bộ mặt của Mátxcơva đã và đang thay đổi, nhưng bên trong vẫn là cái đầu và trái tim Nga. Dưới con mắt của các kiến trúc sư, Mátxcơva là một công trường khổng lồ, các tòa nhà mọc lên khắp nơi. Xung quanh làng Olimpyskaya trước kia là đồng hoang, mùa đông đi qua đó gió thổi bay cả người, nay nhà mọc san sát. Trên đại lộ Novoarbat (tên gọi cũ là Kalenin) ở trung tâm, bên cạnh quả địa cầu và Nhà Sách (Dom Knigi) mọc lên sừng sững tòa nhà Lotte của một chủ đầu tư người Hàn Quốc. Đứng từ trên đồi Vorobyevy (đồi Lênin cũ), trước cửa trường Lômônôxốp có thể nhìn thấy Moscow City với năm tòa nhà màu xanh đang sắp hoàn thành. Chạy dọc bờ sông Mátxcơva, phía bên đối diện với tòa nhà Chính phủ (còn gọi là Russian White House - Nhà Trắng Nga), nhìn rất rõ ở khoảng cách một cây cầu bắc qua, một trong số những tòa nhà gồm bốn khối của Moscow City đang tự chuyển động xoay quanh mình nó. Đấy là tác phẩm của một kiến trúc sư người Anh. Kiến trúc Anh đang được ưa chuộng ở Nga. Moscow City trong nắng trưa của một ngày mùa đông quả thực lộng lẫy như nàng Bạch Tuyết xinh đẹp vừa bước ra khỏi lâu đài của bảy chú lùn sau giấc ngủ dài. Ấy thế nhưng kiến trúc của đại sứ quán Anh trên phố Smolenskaya Naberezhnaya thì người dễ tính nhất cũng không thể nhận xét là hấp dẫn bởi đó là bốn khối nhà hình hộp đứng liền kề như bốn khu chung cư!
Mátxcơva những ngày cận kề năm mới đã nhộn nhịp lắm. Cây thông năm mới, chứ không phải giáng sinh, được trang hoàng trước công sở và nhà hàng, cửa hiệu. Người Nga không đón Noel. Ngày lễ của đại chính thống giáo Nga là ngày 7-1, sau năm mới đúng một tuần. Trên đồi Vorobyevy, một cây thông to đùng được dựng lên cho khách du lịch đến chụp ảnh. Xung quanh đó, người ta bán đầy đồ lưu niệm Nga với đủ loại Petrushka. Trong cái lạnh cắt da cắt thịt, những đôi uyên ương thành hôn vẫn đến đây chụp ảnh, nhảy múa. Thương biết bao các cô dâu trong chiếc áo cưới trắng, chịu lạnh mà má vẫn ửng hồng! Phía dưới chân đồi, người ta đi trượt tuyết. Một cầu nhảy thứ hai đang được xây dựng, có lẽ sắp xong. Người Mátxcơva phàn nàn vài năm trở lại đây, mùa đông tuyết rơi ít hẳn. Không biết có phải vì hiệu ứng trái đất nóng lên?
Tôi mua một con Petrushka khắc thô không sơn phết giá 400 rúp (tương đương 260.000 đồng Việt Nam). Petrushka thời nay có đủ loại, đủ hình dạng và giá cả vô chừng. Trong một cửa hàng chuyên bán đồ lưu niệm trên đại lộ Lênin, đằng sau trường Đại học Địa chất mà phải lên mạng mới mò ra được, có con Petrushka giá 20.000 rúp, bằng một tháng lương của một công chức bình thường, bằng hai phần ba tháng lương của một giáo sư trường tổng hợp. Chợt nhớ đã nghe ở đâu đó văn hóa kinh doanh ở nước Nga thời hiện đại là văn hóa Petrushka. Bên trong con Petrushka có bao nhiêu con nhỏ lồng vào, thì khi làm ăn với người Nga, bạn đừng quên phải bắt tay với hết từng ấy đối tác. Mỗi con Petrushka nhỏ bên trong là một mắt xích không thể thiếu của cả quá trình. Chỉ bắt tay với con Petrushka bên ngoài cùng, lớn nhất thôi cũng không được. Người bán hàng chỉ ra cùng ở bên trong, nhưng mỗi con Petrushka nhỏ có khoảng cách nhất định với con lớn hơn nó. Điều đó rất đáng nhớ. Thật lạ lùng những nét ẩn sâu bên trong tâm hồn của người Nga hôm nay. Và tôi sợ sẽ yêu Mátxcơva thêm một lần nữa!
(Theo Hải Lý // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com