Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tết bốn phương

Ngày cuối cùng của năm cũ qua đi. Đất trời, thiên nhiên, con người đều náo nức chào đón 1 năm mới với những hy vọng mới. Đó là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của các quốc gia, dân tộc. Và, Tết trên thế giới cũng muôn màu muôn vẻ với những phong tục riêng. Mỗi quốc gia cũng đều có quan niệm, cách nghĩ riêng về sự may mắn.

Tục xông nhà của người châu Âu

Ở châu Âu cũng có tục “xông nhà”. Tục lệ này cũng giống như xông nhà ở Việt Nam. Người ta cho rằng nó sẽ đem lại may mắn cho những người ở trong nhà. Người đầu tiên bước vào nhà phải là đàn ông. Người khách xông nhà này có thể đem theo nhiều thứ như tiền, bánh mì, hay một thỏi than - những biểu tượng của sự thịnh vượng, thay cho lời chúc may mắn tới gia đình chủ nhà. Vào đêm giao thừa, người ta thường đổ hết ra đường và gây những tiếng ồn bằng cách như thổi còi, huýt sáo, rung chuông, đánh trống… để xua đuổi mọi thế lực xấu xa.

Lợn sữa - con vật may mắn của người Áo

Tại Áo, đêm giao thừa được gọi là Sylvesterabend - Đêm của thánh Saint Sylvester. Người dân Áo thường pha rượu đỏ trộn với bạc hà và đường để dâng lễ thánh. Các quán xá và nhà hàng được trang trí với nhiều vòng hoa xanh ngắt lá. Hò hét, nhảy múa, bắn hoa giấy, sâm banh, những nụ hôn, lời chúc tụng, pháo hoa là những thứ không thể thiếu của đêm giao thừa. Món ăn truyền thống của người áo trong năm mới là món lợn sữa - con vật tượng trưng cho mọi điều tốt lành.

Nụ hôn - Điều  tốt lành của người Bỉ

Đêm giao thừa tại Bỉ được gọi là Sint Sylvester Vooranvond hay đêm Saint Sylvester. Người dân Bỉ tổ chức những bữa tiệc gia đình đêm giao thừa. Lúc nửa đêm, mọi người sẽ hôn nhau, trao cho nhau những tấm thiệp chúc may mắn, riêng trẻ con, chúng mua những tấm giấy đủ màu sắc để viết lời chúc mừng năm mới cho bố mẹ đẻ và bố mẹ đỡ đầu rồi đọc lên vào sáng mùng một Tết.

Bát đĩa vỡ mang lại may mắn cho người Đan Mạch

Còn với người Đan Mạch thì bát đĩa vỡ trước cửa nhà vào đầu năm mới sẽ là điều rất may mắn. Những chiếc đĩa cũ được giữ lại trong năm cũ sẽ được người Đan Mạch ném vào nhà những người bạn của họ vào đêm giao thừa. Càng nhiều bát đĩa vỡ chứng tỏ họ càng có nhiều bạn. Đêm giao thừa được đánh dấu bằng hai tin quan trọng trên radio và truyền hình, Hoàng gia Đan Mạch sẽ phát biểu chúc mừng toàn dân nhân dịp năm mới trên các phương tiện truyền thông vào 6h chiều và âm thanh của chiếc đồng hồ Tòa thị chính lúc nửa đêm tại Copenhagen.

Cây tầm gửi -  Điều may mắn của người Anh

Vào đêm giao thừa, người dân xứ sở sương mù thường tập trung tại quảng trường Trafalgar, rạp xiếc Piccadilly hay tụ tập ở những khu vực lân cận để lắng nghe tiếng chuông đồng hồ Big Ben báo hiệu năm mới đến. Đúng thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, tất cả mọi người nắm tay nhau và cùng hát vang bài Auld Lang Syne.

Đối với người dân Anh, phong tục “xông nhà” rất được coi trọng. Người đặt bước chân đầu tiên vào nhà phải là đàn ông, trẻ, khỏe mạnh và đẹp trai, tóc nâu. Cây tầm gửi được coi là cây lộc tốt nhất bởi nó sẽ mang đến nhiều niềm hạnh phúc và sự may mắn cho con người.

Đức: Rót chì vào nước lạnh đoán tương lai

Người Đức vào năm mới sẽ rót chì lỏng vào nước lạnh và dựa vào đó đoán tương lai từ miếng chì tạo thành. Một hình tròn hay trái tim đồng nghĩa với đám cưới, con thuyền sẽ nói về chuyến đi và hình dáng một chú lợn là một năm mới đầy đủ lương thực. Trong bữa tiệc giao thừa, mọi người đều để thừa một chút thức ăn trên đĩa cho tới nửa đêm, điều đó có ý nghĩa tủ thức ăn luôn có đồ dự trữ.

Nhật: Rung chuông 100 lần xua đi xui xẻo

Do ảnh hưởng văn hóa phương Tây nên người Nhật từ lâu đã không đón Tết Nguyên đán theo thời gian âm lịch như Việt Nam, Trung Quốc và một số nước châu á khác. Không khí Tết ở Nhật bắt đầu đến từ Lễ Noel (25-12 của năm cũ) và kéo dài cho đến hết Lễ Thành nhân (15-1 của năm mới).

Theo truyền thống thì thường vào ngày cuối năm những người phụ nữ Nhật sẽ dọn dẹp nhà cửa, trang trí trước cổng nhà bằng kadomatsu, và shimekazari trên cửa ra vào và bàn thờ. Kadomatsu được làm từ cành thông cùng tre và mai để mời các vị thần, linh hồn tổ tiên vào nhà; còn shimekazari là một đồ trang trí được bện bằng dây thừng, đính kèm một ít giấy màu trắng có ý nghĩa đuổi quỷ trừ tà. Bánh dày năm mới kagamimochi được bày trên tokonoma là góc trang trọng nhất trong nhà, được coi là chỗ ngồi của Thần.

Vào ngày 1-1 mọi người đều đến chùa để cầu chúc năm mới đầy ắp những điều tốt lành. Vào năm mới khi gặp nhau, người ta thường cười to với hy vọng sẽ vui vẻ quanh năm. Trong đêm giao thừa, người Nhật thường rung chuông 100 lần để xua tan mọi điều xui xẻo.

Sau ngày lễ thành nhân hay còn gọi là lễ trưởng thành (Seijinnohi) diễn ra vào ngày 15-1, là ngày lễ dành riêng cho các nam nữ thanh niên Nhật bước sang tuổi 20, mọi người mới thực sự hết Tết và trở lại cuộc sống công việc bận rộn thường ngày.


Châu Mỹ: nhảy múa suốt đêm giao thừa

Tại châu Mỹ trong đêm giao thừa, người ta thường đổ ra đường và nhảy múa suốt đêm để đón chào năm mới. Các đường phố chật người với tiếng cười đùa, còi sáo vang rộn và đủ màu sắc với ánh đèn và hoa giấy. Vào đúng Giao thừa, mọi người sẽ trao nhau nụ hôn thân ái hay huýt sáo, bóp còi ôtô để báo hiệu một năm mới tới.

Vào đêm giao thừa, ở khắp các thành phố trên toàn Brazil đều tổ chức tiệc mừng, đặc biệt là ở Rio de Janeiro, mọi người sẽ tới bờ biển để ngắm pháo hoa, sau lúc nửa đêm, mọi người thường đi nhảy sóng, thường là 7 ngọn sóng và ném hoa ra biển khi ước.

Ở Venezuela, mọi người thường mặc đồ lót màu vàng vào dịp năm mới, mọi người quan niệm những ai mặc như vậy sẽ được may mắn. Vào đêm giao thừa, hầu hết mọi người đều ăn 12 quả nho để cầu may mắn trong năm tới. Có một số người viết mong ước vào một bức thư và sau đó đem đốt. Ở các gia đình đều có bữa tiệc lớn với rượu champage.

Người dân Canada đón năm mới bằng cách xây tuyết xung quanh nhà, họ cho rằng núi tuyết có thể ngăn được ma quỷ và năm mới được bình yên.

Tại Nam Mỹ, vào dịp năm mới người ta thường tạo ra người nộm. Con bù nhìn này rất giống người và được đặt ở ngoài cửa nhà. Tới nửa đêm, người dân sẽ đốt hình nộm này, khi khói bắt đầu bốc lên, pháo hoa được châm ngòi để báo hiệu năm mới tới.

Quần áo sặc sỡ của người châu Phi trong năm mới

Ngày tết ở Ai Cập còn gọi là Scha mniel Nessim, có nghĩa là đón nhận bằng bầu không khí trong lành. Vào ngày đầu tiên của năm, người Ai Cập thường tập trung tại các nhà thờ lớn để cầu nguyện và sau đó về nhà để cùng ăn bữa tiệc năm mới. Mọi người không uống rượu trong năm mới vì bình thường họ cũng không dùng chất có cồn. Trong năm mới, họ được mặc quần áo đủ màu, mặc dù bình thường họ chỉ được mặc màu đen! Trẻ con được phát kẹo với nhiều hình thù ngộ nghĩnh.

Tại Nam Phi, chuông nhà thờ báo hiệu năm mới trong đêm giao thừa và thường có lễ bắn súng chào mừng. Mọi người ăn mặc sặc sỡ và nhảy múa đón chào một năm mới sắp đến. Người ta cũng đổ ra đường rất đông và cùng nhau cầu nguyện.

Người Úc đón tết bằng những cuộc đua thể thao:

Châu Úc, năm mới bắt đầu vào ngày 1-1. Vì Tết ở úc thời tiết thường ấm nóng nên người dân hay đi picnic hoặc ra biển. Trong đêm giao thừa, mọi người vui vẻ náo nức và làm huyên náo đường phố bằng đủ mọi loại âm thanh. Các hoạt động dã ngoại, đua thuyền, đua ngựa, đi săn, lướt ván.... rất được ưa thích trong dịp năm mới.

 

(Nguồn: vnmedia)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Lễ mừng Giáng sinh ở các nước
  • Đón Noel trên quê hương Mozart
  • Angkor!
  • Pháo hoa chào năm mới trên thế giới
  • Người Việt ở Mỹ tưng bừng đón tết
  • Rộn ràng Tết châu Á
  • Đi chùa đầu năm ở Trung Quốc
  • Trung Quốc nhộn nhịp chuẩn bị Tết
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com