Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Hoa ký sự

Dẫu chỉ có 1 tuần đến với đất nước Trung Hoa và thăm một số nơi nhưng chuyến đi đã để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng, nhất là về việc đầu tư phát triển kinh tế, quản lý đô thị và những điểm đáng học hỏi trong kinh doanh phát triển du lịch.

Dấu ấn Bắc Kinh

Bắc Kinh đón chúng tôi vào một chiều thời tiết thật lý tưởng, cuối xuân nhưng hoa đào vẫn nở rộ dọc đường từ phi trường về đến trung tâm thành phố. Con đường cao tốc 6 làn xe được mở xen kẽ giữa những dải cây rừng trồng với liễu, tùng và hoa đào tạo nên cảm giác thật bình yên. Trong mắt du khách, Bắc Kinh vẫn luôn luôn giữ được vẻ đẹp hoành tráng và vì thế, ngày ngày hàng đoàn người khắp nơi trên thế giới vẫn lũ lượt dồn về đây.

Điều khá ấn tượng là giữa những di tích cổ kính của Cố cung, Vạn Lý Trường Thành là đi bất cứ nơi đâu bạn cũng có thể nhìn thấy khát vọng của người Trung Quốc muốn đóng một dấu son không thể quốc gia nào có được trong một kỳ Thế Vận hội 2008 sẽ diễn ra tại đất nước này. Chính vì thế, địa chỉ đầu tiên mà các đồng nghiệp ở Báo Thanh Niên Trung Quốc đưa đoàn chúng tôi tham quan là Khu Trung tâm triển lãm quy hoạch Bắc Kinh trong tương lai, mà kỳ thực là muốn tự hào giới thiệu về mức độ hoành tráng của một kỳ Olympic còn 3 năm nữa mới khai mạc. Quả thật, khi đến nơi này, chúng tôi mới hiểu vì sao cô Lý Lệ Bình - một nữ phóng viên chuyên viết về lĩnh vực khoa học, giáo dục lại có thể làm hướng dẫn viên thuần thục đến thế. Tôi thắc mắc vì điều đó thì được cô Bình giải thích: “Anh có hỏi một người dân có trình độ trung bình thì họ cũng có thể giới thiệu cho anh biết về Olympic 2008 không kém gì tôi”. Mới thấy rằng mức độ tuyên truyền, quảng bá và niềm tự hào của người Trung Quốc về một Thế vận hội đã được nắm bắt và ý thức rất rõ ràng đây là một “vận hội mới” để phát triển đất nước của họ.

alt

Tại Trung tâm triển lãm quy hoạch Bắc Kinh, hàng loạt hạng mục công trình phục vụ cho Olympic 2008 đã được dựng thành mô hình triển lãm thu nhỏ kèm con số minh hoạ với quy mô đồ sộ chưa từng thấy. Các sân vận động được xây dựng xen giữa những rừng cây, nhà thi đấu các bộ môn thể thao và Trung tâm báo chí... tất cả đang được ráo riết khẩn trương xây dựng. Đặc biệt ấn tượng là những bức tranh thu nhỏ thủ đô Bắc Kinh được “sa bàn hóa” với diện tích của mỗi sa bàn có thể đến 100 m2 bằng đồng ốp vào một bức tường lớn hoặc bằng các vật liệu được xây dựng trên một nền mi-ca dày dưới có lồng hàng chục bức không ảnh chụp Bắc Kinh từ trên cao. Điều không thể không nói đến là ngoài những hình ảnh “tĩnh”, trung tâm còn giới thiệu một Bắc Kinh sôi động bằng phim không gian 3 chiều cho du khách thưởng ngoạn, hình dung một Bắc Kinh ngày mai. Cách lồng ghép các công trình cao chọc trời, đường sá và hàng loạt công trình của Olympic được các nhà đạo diễn sử dụng kỹ xảo điện ảnh thực hiện trông thật hoành tráng và khiến cho hàng ngàn người ngồi trong một khán phòng rộng phải trầm trồ thán phục. Một đồng nghiệp trong đoàn phải thốt lên: “Phải 3 năm sau Olympic mới bắt đầu mà bây giờ họ đã tổ chức được như thế để bán vé, thu tiền. Thật đáng khâm phục sự nhạy bén của ngành du lịch Trung Quốc”. Cùng với các di sản độc đáo của quá khứ được khai thác, thu tiền cho ngân sách mà ai cũng biết, thì việc kinh doanh cả “sự kiện tương lai” theo kiểu này, người Trung Quốc cũng đã giỏi lắm rồi!

Nếu như một câu nói của tiền nhân để lại: “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” cũng trở thành một phương tiện hái ra tiền cho ngành du lịch Trung Quốc thì việc phát triển kinh tế của Trung Quốc hiện tại cũng gây rất nhiều ấn tượng cho nhiều đoàn du khách đến với Trung Quốc. Bởi một lẽ đơn giản là những thành tựu về kinh tế của Trung Quốc trong những năm gần đây đã khiến cho cả thế giới chú ý. Một cường quốc rất biết mang cả ý thức tự hào về một nền văn hoá lâu đời vào trong công cuộc cải tổ kinh tế và dựa vào những giá trị ý chí, quyết tâm giàu mạnh thể hiện rõ trong từng lối kinh doanh làm ăn của các tập đoàn kinh tế tại Trung Hoa hiện nay. Chẳng hạn, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, người Trung Quốc có hàng chục tập đoàn mạnh được xếp vào cỡ hàng đầu thế giới. Một trong những tập đoàn đó là tập đoàn Hoa Vi (HuaWei) do tỉ phú Nhậm Chính Phi (một trong 5 người giàu nhất Trung Quốc) làm chủ. Hoa Vi có đến 22.000 chuyên viên giỏi về lĩnh vực công nghệ thông tin và sản phẩm tin học của tập đoàn này đã được tiêu thụ tại 90 quốc gia trên thế giới với doanh thu hàng năm lên đến 5,5 tỉ USD. Ngay tại Mỹ,

alt

Một đất nước dẫn đầu về công nghệ thông tin của thế giới, Hoa Vi cũng có 2 viện nghiên cứu với quy mô tầm cỡ chẳng kém gì các tập đoàn thông tin viễn thông của Nhật Bản và Hoa Kỳ. Kế đến là tập đoàn Bắc Đại Phương Chính thuộc Đại học Bắc Kinh. Người sáng lập tập đoàn này là giáo sư Vương Tuyển, nguyên là Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh, một người đã từng được giải thưởng cấp quốc gia về thành tích có nhiều cống hiến cho khoa học và giáo dục ở Trung Quốc những năm đầu cải cách. Ông Nhậm Vỹ Tuyền - Chủ tịch Hội đồng Quản trị của tập đoàn Bắc Đại Phương Chính cho biết: doanh số của tập đoàn năm 2004 là 22,1 tỉ nhân dân tệ (tương đương 2,5 tỉ USD), nhưng điều đặc biệt ở chỗ, sản phẩm phần mềm xuất khẩu của họ chiếm đến 80% bằng tiếng Hoa và được cộng đồng người Hoa khắp nơi trên thế giới ủng hộ, tiêu thụ. Mới biết, đây không chỉ là chiến lược kinh tế của một tập đoàn mà vấn đề ở chỗ sản phẩm của người Trung Quốc làm ra trên đất Trung Quốc còn là cầu nối rất hữu hiệu cho văn hoá, du lịch và phương tiện hội nhập của người Trung Hoa đại lục và Hoa kiều khắp nơi trên thế giới.

Tại Khu công nghiệp Bắc Kinh, chúng tôi mới “mục sở thị” được một trong những tâm điểm phát triển kinh tế của Trung Hoa thời kỳ đổi mới. Một khu kinh tế mở – như người Bắc Kinh thường gọi - và là nơi góp phần quan trọng để sản sinh ra những công trình nổi tiếng trên thế giới như tàu đệm từ hoặc hàng trăm ngàn sản phẩm được sản xuất tại đây được giao dịch xuất khẩu với thế giới tại Hội chợ triển lãm quốc tế có quy mô hàng trăm ngàn hợp đồng có tổng giá trị 30 tỉ USD được ký chỉ trong vòng 15 ngày - thời gian diễn ra hội chợ.

Khu công nghiệp Bắc Kinh là một khu kinh tế mở cấp quốc gia được Chính phủ Trung Quốc phê duyệt quy hoạch vào năm 1994 và sau đó vào năm 2002 được mở rộng với diện tích lên đến 40km2 (khoảng 4.000 ha). Nắm cách Thiên An Môn 16 km, cách sân bay Bắc Kinh 25 km và đi cảng Thiên Tân 140 km, tại đây hiện có mặt 1.691 công ty đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tất cả các chủng loại hàng hoá với nguồn vốn đầu tư lên đến 9,31 tỉ USD. Điều đặc biệt đáng quan tâm là do chính sách mở được điều tiết bằng việc giảm thuế (nếu đầu tư ra bên ngoài thì mức thuế thu nhập phải đóng là 24% còn trong khu công nghiệp chỉ phải đóng 15%) khi tham gia đầu tư vào đây nên sức thu hút của khu công nghiệp này là rất lớn. Trong số các “đại gia” xây dựng nhà máy sản xuất tại đây chúng tôi thấy có mặt cả Coca cola, Nokia, AT & T, IBM, Nationnal, SMC và cả nhà sản xuất thức ăn nổi tiếng thế giới Mc Donald’s. Vị Phó ban Quản lý Khu công nghiệp Bắc Kinh họ Triệu giới thiệu rằng hiện có 45 công ty hàng đầu thế giới đầu tư vào đây và chỉ riêng các công ty điện tử viễn thông đã chiếm một số vốn là 1,2 tỉ USD. Điều đó cho thấy trong cơ cấu đầu tư, Trung Quốc rất coi trọng phát triển các ngành được xếp hạng vào loại công nghệ cao tại các khu công nghiệp của mình như thông tin điện tử, vi điện tử, kỹ thuật điện quang, các loại chế phẩm sinh học...

Một điều thú vị là trong chuyến tham quan tại khu công nghiệp Bắc Kinh, chúng tôi được giới thiệu đến thăm một nhà máy chuyên sản xuất các thiết bị siêu dẫn, trong đó có kỹ thuật siêu dẫn chịu được tác động của nhiệt độ cao đã được Trung Quốc đưa vào ứng dụng trong việc sản xuất và thử nghiệm loại tàu đệm từ – một loại phương tiện giao thông mặt đất có tốc độ cực cao là 431 km/h (gần bằng nửa tốc độ của máy bay phản lực) mới xuất hiện đầu tiên trên thế giới mà sau đó tại Thượng Hải, chúng tôi mới có dịp được đi từ trung tâm thành phố đến sân bay Thượng Hải với chiều dài 37 km chỉ mất trong vòng 7 phút !

Người Trung Quốc rất tự hào với sự phát triển kinh tế trong những năm gần đây và với tàu đệm từ, họ có một ý nghĩ so sánh rằng một nền kinh tế phát triển và được các chuyên gia kinh tế phương Tây đánh giá sẽ là “một hiện tượng của thế kỷ 21” cũng phải có một tốc độ tăng trưởng nhanh chóng như tốc độ của tàu đệm từ, vì vậy họ không khỏi tự hào khi tại một thành phố năng động và phát triển kinh tế như Thượng Hải lại xuất hiện một phương tiện giao thông có tốc độ chóng mặt như thế. Sự ví von ấy cũng dễ hiểu bởi nếu biết rằng chỉ trong vòng 10 năm, chỉ riêng khu công nghiệp Bắc Kinh - một trong 49 khu công nghiệp trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, tổng sản phẩm quốc nội đã tăng trưởng lên đến 62,33%, tăng trưởng công nghiệp 82,71% và doanh số bán ra tăng trưởng 95%...

alt

Một trong những đầu mối xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc ra thế giới được thể hiện khá đầy đủ tại diện mạo của Trung tâm triển lãm hội chợ mùa xuân tại thành phố Quảng Châu được tổ chức hàng năm vào ngày 15 –30/4. Điều chúng tôi thấy hơi lạ là mặc dù có tên gọi như thế nhưng tại hội chợ hoàn toàn không có doanh nghiệp nào bán hàng như ở Việt Nam. Các doanh nghiệp chỉ đến đây đăng ký trưng bày hàng mẫu và... ngồi chờ các doanh nhân nước ngoài đến ký hợp đồng mua hàng của họ. Khung cảnh hội chợ thật là hoành tráng với diện tích trưng bày lên đến 550.000 m2 và 6 tầng lầu được chất đầy hàng hoá Trung Quốc. Theo Ban Chủ nhiệm của Trung tâm thì tại kỳ hội chợ lần thứ 97 này, có đến 120.000 doanh nghiệp tham gia với tất cả các mặt hàng từ sản phẩm công nghiệp, y tế, dệt may, điện gia dụng, xe hơi và các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày... Ban Chủ nhiệm cũng cung cấp cho chúng tôi một số liệu khá gây bất ngờ, đó là chỉ riêng với hai kỳ hội chợ hàng năm được tổ chức tại Quảng Châu (mùa xuân từ 15 –30/4, mùa đông từ 15 –30/10), đã chiếm 1/4 kim ngạch xuất khẩu toàn Trung Quốc và có đến 60% số tỉnh thành tại Trung Quốc muốn xuất khẩu hàng hoá ra thế giới là dựa vào 2 kỳ hội chợ này. Điều này cho thấy vì sao chỉ trong vòng 15 ngày diễn ra hội chợ, tổng giá trị hợp đồng giao dịch xuất khẩu hàng Trung Quốc đã lên đến con số 30 tỉ USD và hàng hoá Trung Quốc trong kỳ hội chợ này đã vượt biên giới đi đến 109 quốc gia trên thế giới, trong đó có 1.322 doanh nghiệp Việt Nam đến tham gia hội chợ với tư cách là khách giao dịch nhập khẩu hàng Trung Quốc.

Phát triển đô thị từ chính sách tài chính bất động sản


Có thể nói, dù nhiều miền nông thôn ở Trung Quốc với chế độ hương trấn (một hình thái kiểu làng xã của Việt Nam) còn nhiều điều đáng phải bàn về sự phát triển thì chính sách quản lý xây dựng đô thị của Trung Quốc là một mô hình rất hiệu quả. Đó là một chính sách quản lý, sử dụng đất tối ưu và một chính sách tài chính bất động sản “mở” để cho nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản dưới nhiều hình thức đầu tư khác nhau.

Người dân tại các đô thị Trung Quốc trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây đã thực sự được hưởng thụ một chính sách về nhà ở rất thông thoáng dưới hình thức mua nhà trả chậm trong vòng 30 năm. Các công chức trẻ hoặc những người lao động phổ thông có ăn lương hoặc lao động tự do tại Bắc Kinh đều có thể dễ dàng mua một căn hộ chung cư với mức giá mỗi m2 từ 7 –10 ngàn nhân dân tệ (tương đương 14 –20 triệu đồng VND). Có thể nói do thu nhập bình quân hàng tháng khá cao với mức lương cộng với phụ cấp từ 5 –8 ngàn nhân dân tệ nên dù giá nhà ở tại Bắc Kinh khá đắt đỏ nhưng nhiều người vẫn có cơ hội sở hữu một căn hộ. Nhưng điều cơ bản mà một đồng nghiệp tại Báo Thanh Niên Trung Quốc cho biết là do các ngân hàng rất nhiệt tình “bơm”vốn vào các dự án nhà ở dưới hình thức hỗ trợ cho người dân vay tiền mua nhà dài hạn nên vấn đề nhà ở cũng không phải khó khăn lắm đối với người lao động tại các đô thị lớn. Trong những năm qua, do chính sách khuyến khích phát triển nhà cao tầng nên diện mạo đô thị tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải đã có thay đổi rất lớn. Chúng tôi đến Thượng Hải vào đúng dịp người dân ở thành phố lớn nhất Trung Quốc này vừa mới tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm phát triển khu phố Đông. Nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng hàng ngàn toà nhà chọc trời mới chỉ mọc lên trong chỉ ngần ấy thời gian. Trong khi đó, để một dự án nhà ở chỉ 130 ha tại quận 2 –TP.HCM từ khi lập dự án cho đến nay đã 12 năm nhưng vẫn chưa xong khâu đền bù, giải toả.

Tại Trung Quốc, qua tìm hiểu của chúng tôi, để tạo nên sức bật cho các đô thị, từ lâu chính phủ nước này đã ban hành chính sách đấu giá đất đai. Một cơ quan chuyên ngành về phát triển đô thị cho biết, việc bồi thường và tái định cư cho người dân được thoả thuận khá chóng vánh. Khi có một dự án, nhà nước sẽ trưng cầu kết quả khảo sát của một công ty tư vấn độc lập định ra giá đền bù cho người dân. Tất nhiên là giá đền bù này phải ở mức người dân có thể chấp nhận được. Sau đó, nhà nước sẽ tiến hành đền bù và kêu gọi các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp nước ngoài) tham gia đấu giá. Giá trị sử dụng đất, trong đó bao gồm giá đền bù sẽ được nhà nước thu lại để tiếp tục thực hiện các dự án khác. Chính bởi chính sách này mà Chính phủ Trung Quốc có thể huy động được một nguồn vốn khổng lồ để phát triển đô thị. Ngoài ra, để khuyến khích người dân nhanh chóng giao lại đất cho nhà nước, các khu tái định cư sẽ được quy hoạch, xây dựng sẵn để giúp cho người dân sớm ổn định chỗ ở. Ngay như tại Khu công nghiệp Bắc Kinh, khi triển khai giải toả, chính quyền và Ban quản lý khu công nghiệp cũng phải cam kết là sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là thanh niên trong khu vực giải toả.

alt

Để làm được tất cả những điều này, Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã khởi động một chương trình lớn là “Tài chính bất động sản”. Chương trình này đã phát triển nhanh đến mức chỉ trong vòng 10 năm đã huy động một nguồn vốn khổng lồ lên đến hàng ngàn tỉ nhân dân tệ. Chương trình này đã được ông Liu Ting Huan – Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đánh giá tại Diễn đàn cấp cao Jiangxi lần thứ nhất về phát triển bất động sản và hỗ trợ tài chính, rằng: “Sự phát triển của tài chính bất động sản từ năm 1998 được không ngừng nhân rộng từ những nhóm vay để phát triển doanh nghiệp đơn lẻ trước đây cho đến đầu tư và bán nhà trả chậm. Chỉ riêng trong năm 2003, số dư nợ của từng khoản cho vay phát triển bất động sản lên đến 665,7 tỉ nhân dân tệ, gấp 3,2 lần (của 202 tỉ nhân dân tệ) trong năm 1998. Các khoản cho vay tiêu thụ nhà ở cá nhân cũng tăng lên nhanh chóng, đạt đến mức 1.135,3 tỉ nhân dân tệ hoặc gấp 26,6 lần của giai đoạn 1998 –2003”. Điều gây ấn tượng lớn nhất là Trung Quốc đã rất thành công trong việc kích thích được thị trường bất động sản, qua đó thị trường tài chính cũng được tác động mạnh theo chiều hướng tích cực. Trong tất cả những khoản vay thì vay để mua nhà ở của các hộ gia đình tăng hàng năm với mức bình quân là 44,3%, khoản vay này đã vượt hơn rất nhiều so với các khoản vay khác. Chính sự kích thích mạnh của thị trường tài chính đối với các giao dịch bất động sản đã khiến cho Trung Quốc hình thành một số các “đại gia" kếch xù trong lĩnh vực bất động sản. Chẳng hạn vào năm 1973, sau 20 năm đầu tư vào lĩnh vực này, Công ty Cheung Kong của “ông trùm” bất động sản Lee Ka Shing từ giá trị thực có là 100 triệu nhân dân tệ đã tăng lên đến 130 tỉ nhân dân tệ, khiến cho công ty này trở thành một thành viên của thị trường bất động sản quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc có một hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho việc kinh doanh bất động sản mà trong đó Luật bảo đảm được xem như là một “chiếc gậy” khuyến khích các nhà đầu tư có thực lực và tuân thủ luật pháp sử dụng “chiếc gậy” này tham gia vào thị trường cấp 1 (tức là thị trường của các doanh nghiệp lớn với những dự án lớn). Cũng chính vì có một hành lang pháp lý rõ ràng nên gần đây, theo các đồng nghiệp Trung Quốc, giới doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Đài Loan, Hồng Kông cũng đổ vốn vào đại lục để cùng cạnh tranh, để cùng góp phần phát triển.

Một chi tiết nhỏ nhưng có liên quan rất nhiều đến người dân Trung Quốc (cũng là vấn đề vốn gây nhiều rắc rối tại Việt Nam) mà chúng tôi cố gắng tìm hiểu là việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được quy định rất rõ ràng. Chẳng hạn với nhà ở, chính quyền chỉ cấp đồng loạt là có thời hạn sở hữu trong vòng 70 năm, các loại nhà hàng, khách sạn, tửu điếm thì được cấp cho phép sở hữu trong vòng 40 năm, thuê hoặc mua đất cho sản xuất công nghiệp là 50 năm. Theo một cơ quan quản lý đất đai thì việc cấp giấy sở hữu có thời hạn như vậy là để Nhà nước có thể chủ động trong việc thay đổi quy hoạch, đầu tư xây dựng. Trong thời gian ấy, nếu nhà nước không xây dựng dự án nào thì người dân có thể xin gia hạn bằng việc đổi giấy sở hữu mới hoặc nếu có giải toả để xây dựng các công trình, bất kỳ là tư nhân hoặc nhà nước, người dân đều được đền bù sòng phẳng và được lo cho chỗ ở mới.

Có thể nói, bằng vào nội lực cũng như biết huy động vốn từ nước ngoài, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Hoa kiều khắp nơi trên thế giới để phát triển đất nước, Trung Quốc trong mắt du khách ngày hôm nay thật đầy ấn tượng. Và những ghi chép nhỏ trong loạt bài này không thể nào nói hết, chỉ biết rằng có lắm điều bổ ích đang ở phía trước. Bạn hãy thử một lần đến và tìm hiểu xem sao !


(Theo Bài và ảnh: Trần Thanh Bình Việt Báo ThanhNien)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Đại dương kỳ ảo nhìn từ trên cao
  • Du lịch Thái Lan
  • Du lịch Hồng Kông
  • Du lịch Trung Quốc : Giới thiệu Tây An
  • Văn hóa Lào
  • Đảo Jeju xinh đẹp
  • Sydney nằm trong tốp 10 thành phố đáng sống nhất
  • Cảnh quan phim trường Universal tại Singapore
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com