Việc chọn địa điểm tham quan cho gần 5.000 em thiếu nhi đến TP Cần Thơ tham gia Liên hoan Búp Sen Hồng toàn quốc sẽ tổ chức vào tháng 7-2009 sắp tới đang làm đau đầu các nhà tổ chức. Nhìn đi nhìn lại, TP Cần Thơ không có công trình văn hóa lịch sử nào quy mô và thể hiện bề dày truyền thống của Tây Đô để giới thiệu với khách. Thực tế này có mâu thuẫn với số lượng 20 di tích và rất nhiều danh nhân văn hóa tầm vóc quốc gia mà Cần Thơ may mắn “sở hữu” không? Có phải nguồn vốn quý giá này chưa được nhìn nhận đúng với tầm quan trọng của nó?
“Căn cứ Vườn Mận” tiêu điều...
Bất cứ ai đến Khu di tích “Căn cứ Ban chỉ huy tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” (Căn cứ Vườn Mận) – hiện nay thuộc khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy – đều ngậm ngùi vì vẻ hoang sơ vắng lặng. Vài ngôi nhà tranh vách lá đơn sơ trong khu vườn tạp cỏ cây um tùm khiến người đến tham quan không thể hình dung đây là một khu di tích, từng là căn cứ các đội biệt động Cần Thơ (thành lập từ tháng 2-1965); là nơi nhiều cán bộ lãnh đạo từ Trung ương cục đến Khu ủy, Tỉnh ủy bám trụ để chỉ đạo phong trào cách mạng của quần chúng đô thị trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ; là điểm “tựa lưng” của lực lượng chủ lực quân khu và tỉnh Cần Thơ trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968; là nơi từng ghi dấu nhiều câu chuyện cảm động về sự chở che của người dân Vườn Mận với cách mạng, tiêu biểu nhất là chuyện Mẹ Việt Nam Anh hùng Tạ Thị Phi đã hy sinh trước họng súng quân thù để báo động về một cuộc càn quét của địch qua căn cứ. Điều may mắn duy nhất là còn rất nhiều nhân chứng lịch sử kể lại những câu chuyện về bà con làm hầm bí mật nuôi quân, chăm sóc thương binh, góp gạo nuôi bộ đội, dỡ nhà lấy gỗ để bộ đội ta làm công sự, hay những ngày rộn rịp gói đủ loại bánh mứt chuẩn bị cho Tổng tấn công mùa xuân 1968... cũng đang dần biến mất theo thời gian.
Đình Thần Thường Thạnh (quận Cái Răng) - di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố đang xuống cấp theo thời gian. Ảnh: TƯỜNG VI |
“Căn cứ Vườn Mận” được công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp thành phố từ tháng 11 năm 2004. Đây cũng là năm chia tách tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ. Ngay trong năm này, Quận ủy, UBND quận Bình Thủy đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế và nhiều cuộc họp bàn xây dựng “Căn cứ Vườn Mận” thành một điểm tham quan có ý nghĩa văn hóa, lịch sử và du lịch trên tuyến lộ Vòng Cung, gắn liền với tuyến du lịch sinh thái đi qua huyện Phong Điền và quận Bình Thủy, nối với hệ thống di tích lịch sử khá dày đặc tại hai địa phương này. Ý tưởng đẹp đó bắt đầu “nên vóc nên hình” vào năm 2005 với một dự án có tổng diện tích xây dựng hơn 7.300 m2, dự toán gần 5 tỉ đồng gồm các công trình chính như phục hồi các bia di tích, các căn nhà và hầm bí mật từng là căn cứ cách mạng, nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Tạ Thị Phi, nhà lưu niệm, nhà đa chức năng, hệ thống đường - vườn cây và cầu bắc ngang sông rạch trong vùng quy hoạch... Dù gặp nhiều nhiêu khê và những rắc rối trong thủ tục đầu tư, đến năm 2007, dự án này được các ngành chức năng duyệt và đưa vào thực hiện. Tuy nhiên, đến cuối tháng 4-2009, khi trở lại “Căn cứ Vườn Mận” tình hình vẫn như cũ: vẫn là sự vắng vẻ tiêu điều. Liên lạc với Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng quận Bình Thủy, các đồng chí ở đây cho biết: Đến nay công trình vẫn chưa thể triển khai vì không có đất tái định cư cho các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch. Nếu công tác giải phóng mặt bằng hoàn thành trong năm nay, thì công trình vẫn chưa thể triển khai ngay được, do dự toán ban đầu đã trở nên quá lạc hậu với thời giá.
Lời kêu cứu từ hệ thống di tích lịch sử văn hóa
“Căn cứ Vườn Mận” là một điển hình trong số rất nhiều công trình văn hóa lịch sử rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Nhiều di tích lịch sử trên địa bàn TP Cần Thơ hoặc là “nằm trên giấy” năm này qua năm khác, hoặc là không có phương án trùng tu tôn tạo. Một thực tế là sau khi chia tách tỉnh Cần Thơ, hầu hết các di tích được đầu tư lớn trong khoảng thời gian 10 năm trước ngày tái lập TP Cần Thơ đều thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, như Khu di tích chiến thắng Tầm Vu, đền thờ Bác Hồ (xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ), Khu di tích chiến thắng 75 tiểu đoàn địch (Long Mỹ), Căn cứ tỉnh ủy Cần Thơ (Phụng Hiệp)... Các di tích còn lại của TP Cần Thơ đang xuống cấp hoặc gặp khó khăn trong đầu tư trùng tu, tôn tạo, mở rộng.
10 di tích lịch sử cấp quốc gia của TP Cần Thơ, chỉ có Khu Mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền) và Đình Bình Thủy là được trùng tu khá quy mô - nhưng phải nhấn mạnh là “quy mô” so với các công trình còn lại - chứ không dám nói là đầu tư lớn, tương xứng với tầm vóc của một thành phố trực thuộc Trung ương. Các di tích như Cơ quan Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy), Chùa Nam Nhã, Chùa Hội Linh (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy), Chùa Long Quang (phường Long Hòa, quận Bình Thủy), Khám Lớn Cần Thơ, Quảng Triệu Hội Quán (phường Tân An, quận Ninh Kiều)... chỉ được sửa chữa nhỏ lẻ và tiến hành chậm chạp - bởi kinh phí chủ yếu cho công tác này từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Hằng năm, chương trình này “rót” cho TP Cần Thơ khoảng 1,5 tỉ đồng cho việc trùng tu tôn tạo các di tích. Bảo tàng TP Cần Thơ cứ căn cứ vào đó mà lập thứ tự ưu tiên, mỗi năm một di tích được “ghi tên” và danh sách chờ vẫn còn khá dài phía trước do nguồn vốn này mới được triển khai trong vài năm gần đây. Nói gì đến một công trình trọng điểm từ vốn ngân sách TP Cần Thơ là Khu Tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) “giậm chân tại chỗ” suốt gần 10 năm qua do vướng mắc trong thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng. Từ một dự án có dự toán khoảng 17 tỉ đồng, công trình có diện tích 10.000 m2 tưởng niệm một trong những danh nhân văn hóa lớn nhất của TP Cần Thơ hiện phải điều chỉnh dự án lên gần 45 tỉ đồng - gần gấp ba lần. Đến nay, việc tái định cư cho 32 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch của dự án - vấn đề duy nhất gây ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng vẫn chưa được cụ thể hóa.
Bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Bảo tàng TP Cần Thơ, cho biết: “Các di tích cấp quốc gia dù ít dù nhiều cũng có nguồn vốn từ chương trình mục tiêu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Đáng báo động hiện nay là hệ thống di tích cấp thành phố đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng vì nguồn kinh phí ngân sách hạn hẹp, nên gặp rất nhiều khó khăn trong trùng tu tôn tạo”. Tham quan một vòng, có thể khẳng định, các di tích cấp thành phố hiện nay đều trong tình trạng “báo động”. Điển hình là hai di tích cấp thành phố Đình Thới An (quận Ô Môn) và Thường Thạnh (quận Cái Răng) giờ mái nhà xơ xác lủng lỗ chỗ, những hàng cột bị mối mọt gặm mục ruỗng và những chánh điện gần như không còn gì trước bom đạn thời chiến tranh và tiếp theo hơn ba mươi năm chịu tác động của nắng mưa. Giữa lòng TP Cần Thơ, “Đền thờ đức Y tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” (quận Ninh Kiều) như một nhà kho nhỏ bé lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc xô bồ, dù bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu ý kiến đề xuất, thậm chí tranh cãi đến nay vẫn chưa có phương án trùng tu cụ thể; “Chi bộ Cờ Đỏ” (nơi lập chi bộ Đảng đầu tiên của Cần Thơ) đến nay vẫn chỉ là tấm bia nhỏ bé trơ trọi giữa bãi đất trống; “Địa điểm chiến thắng của đội cảm tử quốc gia tự vệ cuộc tỉnh Cần Thơ năm 1945 (Trận Lê Bình)” (quận Cái Răng) nhiều năm qua cũng chỉ là tấm bia nhỏ giữa chợ Lê Bình, thường xuyên bị những người buôn bán nhỏ “vây chặt”, lấn chiếm – trong khi đó kế hoạch di dời chợ để “trả tự do” cho di tích này vẫn còn nằm trên giấy... May mắn nhất là khu di tích “Chiến thắng Ông Hào” (huyện Phong Điền) đang được UBND thành phố chỉ đạo sát sao việc lập dự án đầu tư xây dựng thành khu tưởng niệm có quy mô lớn, kết hợp tạo thành điểm sinh hoạt văn hóa và tham quan du lịch cho tuyến Lộ Vòng Cung. Tất cả các công trình còn lại đều được giao cho cấp quận, huyện chủ trì việc đầu tư trùng tu tôn tạo. Thế nhưng, ngoài “Căn cứ Vườn Mận” đã được quận Bình Thủy lập dự án, còn lại đều phải trông chờ vào... xã hội hóa vì các địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong kinh phí. Mà “xã hội hóa” như thế nào vẫn là câu chuyện trên giấy.
Đừng để di tích thành “phế tích”
Có một thực tế là những công trình trùng tu, tôn tạo và mở rộng di tích trên địa bàn TP Cần Thơ thời gian qua được thực hiện và có tiến triển là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy và UBND thành phố. Hầu hết các công trình đều cần sự hợp lực của nhiều cấp - nhiều ngành để tiến hành công tác quy hoạch, xây dựng dự án, giải phóng mặt bằng, huy động vốn và “nhạc trưởng” không ai khác hơn là UNBD thành phố. Nhờ vậy, Khu mộ Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị mới hoàn thành sau gần 10 năm gặp khó khăn ách tắc, Đình Bình Thủy được trùng tu sau hàng chục năm xuống cấp trầm trọng... Ngay cả lúc có sự giúp sức của Thành ủy và UBND thành phố, những khó khăn trong công tác này vẫn chưa thể được tháo gỡ nhanh và rất cần một phương pháp hợp lý trong công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong đời sống, để các di tích không trở thành “phế tích”.
Có lẽ, điểm đầu tiên cần được giải quyết là cần có đánh giá khoa học, chính xác về hiện trạng các di tích hiện nay từ ngành quản lý – cụ thể là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, để xác định những công trình nào là cấp bách cần đầu tư trùng tu tôn tạo ngay và vạch ra lộ trình cho những công trình sau đó. Trên cơ sở này, sẽ có sự đánh giá và phân chia trách nhiệm giữa địa phương nơi có di tích tọa lạc trên địa bàn với các ngành các cấp liên quan: công trình nào địa phương đủ sức đầu tư, công trình nào phải có sự hỗ trợ từ Thành ủy và UBND thành phố... Cũng từ đây, các ngành các cấp liên quan sẽ có sự thống nhất để triển khai trùng tu tôn tạo các di tích một cách đồng bộ và phù hợp với khả năng tài chính của từng đơn vị, để đảm bảo ít ra mỗi năm cũng có một công trình bảo vệ di tích được hoàn thành, chứ không rơi vào tình trạng công trình nào cũng cấp bách, cũng cần làm ngay nhưng không có cái nào được thực hiện như hiện nay.
Một vấn đề khá quan trọng là việc phát huy giá trị các di tích sau khi được trùng tu tôn tạo. Các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP Cần Thơ có lợi thế lớn là gắn liền với đời sống tâm linh và là những điểm đến được đưa vào các tour du lịch – đặc biệt là các cơ sở tôn giáo đồng thời cũng là các di tích kiến trúc nghệ thuật – nên luôn thu hút đông đảo khách tham quan. Tuy nhiên, với một số công trình có tính chất lịch sử, thì việc thu hút khách tham quan gặp nhiều khó khăn hơn. Một Phó Giám đốc Bảo tàng TP Cần Thơ bức xúc: “Sự phát huy các di tích lịch sử không chỉ có các hiện vật hay những câu chuyện quá khứ, mà rất cần không gian để người đến tham quan có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các sinh hoạt tập thể”.
Thiết nghĩ, việc trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP Cần Thơ được quan tâm đúng mức và đầu tư tương xứng. Giải quyết nỗi ngại ngùng của người Cần Thơ khi không biết đưa khách phương xa tham quan ở đâu chỉ là chuyện nhỏ so với việc giáo dục thế hệ trẻ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc và lưu truyền tinh thần bất khuất kiên cường của cha anh mới là chuyện lớn vậy!
(Theo PHẠM TƯỜNG // Cần Thơ Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com