Chợ hoa Quảng An thuộc địa bàn quận Tây Hồ, nằm ngay sát chân đê và đến nay vẫn còn là chợ tạm. Bà Nguyễn Minh Hạnh, Phó ban quản lý chợ Tây Hồ kể lại rằng, chợ có nguồn gốc từ một cái chợ nhỏ họp tự phát khu vực ngã ba phường Nhật Tân, hình thành do nhu cầu tự sản tự tiêu hoa của bà con vùng Nhật Tân, Quảng An, Quảng Bá và Từ Liêm.
Mãi tới năm 1996, khi quận Tây Hồ được thành lập, người ta di chuyển chợ về Quảng An và nơi này trở thành điểm đến của những người mua bán hoa không chỉ trong vùng mà cả các tỉnh khác, thậm chí cả người từ Trung Quốc.
Anh Kim Anh, tổ trưởng tổ quản lý chợ hoa Quảng An cho biết rằng, nơi này còn là điểm tham quan của nhiều công ty lữ hành Hà Nội, tầm 4 giờ sáng nếu lên chợ hoa Quảng An sẽ gặp nhiều khách nước ngoài tới thăm chợ.
Chợ hoa Quảng An nhộn nhịp trong bóng tối nhưng lại có sự yên bình khác lạ, những trao đổi giữa người mua, người bán dường như không phải dựa vào những ánh đèn điện vàng vọt mà qua sự quen thuộc, thân thiện với nhau.
Người mua người bán trao đổi nhẹ nhàng với nhau, không cãi vã, lớn tiếng như những chợ khác. Có thể đó là vì chợ đêm thường trầm tĩnh như bản chất của màn đêm. Và cũng có thể, khi người ta gắn bó với hoa thường ngày thì cả người mua và người bán thường nhẹ nhàng hơn, có văn hóa hơn.
Chơi chợ hoa đêm vừa được hòa mình vào không gian chợ đêm, vừa được ngắm sắc màu của vô vàn loài hoa, lại tìm được khoảng lặng trong tâm hồn, đó là những giây phút hiếm hoi có được trong cuộc sống. Bởi vậy, không chỉ những người mua hoa buôn mà ngay có cả những khách mua lẻ dậy sớm, vừa chơi chợ vừa mua hoa về cắm.
Chợ chia thành hai khu rõ rệt, một khu sạp hàng dành cho những người kinh doanh cố định, thường bán phụ liệu và hoa từ các tỉnh, từ Trung Quốc về. Còn một khu họp ngoài sân rộng dành cho những người bán thời vụ thường mang hoa tự trồng được hoặc mua lại của dân trồng đem bán.
Xe đạp, xe máy chất đầy hoa còn ướt sương đêm chen vai thích cánh bên lối đi, những bó hoa còn ngơ ngác chưa nở hẳn dựng la liệt dưới đất. Hồng thì đủ loại, hồng Sa Pa, Mộc Châu, Đà Lạt bông to, cánh thắm, còn hồng trồng ở Mê Linh, Tây Tựu bông nhỏ hơn.
Vào dịp này, cúc vàng mùa thu đã bắt đầu lác đác. Đất Quảng An, Nhật Tân nổi tiếng với những cúc đại đóa bông to, sắc vàng đậm. Rồi đồng tiền, hồng môn, ly hồng, ly vàng…. mỗi loại một sắc vẻ.
Lang thang trong chợ, thỉnh thoảng khách còn bắt gặp những bó mẫu đơn giản dị, những cành bạch yến hay những bó sen muộn nằm khiêm tốn. Đâu đó vẫn có các chị, các cô đem bán những bẹ hoa cau, hương thơm ngào ngạt vương vất bước chân người chơi chợ.
Chị Vũ Nhị Thủy, kinh doanh sạp hàng ở chợ hoa đêm Quảng An đã gần 10 năm nay, đều đặn ngày nào cũng bán từ 23 giờ 30 đêm hôm trước đến khoảng 7 giờ sáng hôm sau. Khi được hỏi bán chợ đêm thấy vất vả không, chị cười rằng: “Đã là nghiệp rồi và mình cũng yêu hoa nên mới gắn bó như thế”.
Còn anh Nguyễn Duy Đạt, nhà ở xóm Ất Hạ, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội) cũng cho biết: “Tôi đã đi bán ở nhiều chợ tại Hà Nội nhưng chợ hoa Quảng An này là bán thoải mái, dễ chịu nhất”.
Nhà anh có 1,1 mẫu đất trồng hoa với các chủng loại chính là hồng, loa kèn, ly; các mùa vụ ít hoa anh còn mua thêm hoa các tỉnh đem bán. Anh cũng cho biết, đến mùa hoa rộ, khách Trung Quốc cũng sang đây đóng hàng mà chủ yếu là hoa hồng vì hoa ở đây giá rẻ mà chất lượng lại đẹp.
Trời gần sáng, những xe hoa lại lần lượt ào ra khỏi chợ, theo chân những tiểu thương bán lẻ len lỏi khắp phố phường Hà Nội tô đẹp thêm cuộc sống./.