Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyển hướng, hay mất thời cơ?

Thúc đẩy mạnh khách du lịch nội địa được các DN ngành du lịch xác định là trọng tâm của chiến dịch khuyến mãi giai đoạn 2.

 

“ấn tượng Việt Nam” chưa thực sự ấn tượng?

Chương trình khuyến mãi “ấn tượng Việt Nam” bắt đầu triển khai từ tháng 1/2009 với 99 tour thí điểm được chào bán và hiện đã lên đến 300 tour. Các DN lữ hành, khách sạn đăng ký tham gia cũng tăng đáng kể. Đến nay, đã có 118 khách sạn (1-5 sao), 85 DN lữ hành, 14 cửa hàng mua sắm, Vietnam Airlines và 2 DN vận chuyển...

Chính sách giảm giá vé tới 60% trên một số chặng bay nội địa của Vietnam Airlines và sự giảm giá của các điểm đến, khách sạn, nhà hàng... đã khiến lượng khách đi tour nội địa tăng 35-50% so với cùng kỳ năm 2008. Chỉ tính riêng 30 DN lữ hành tổ chức tour khuyến mãi bằng đường hàng không, đã có tới 4.250 khách tham gia.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) cho rằng, thành công lớn nhất của chương trình trên chính là sự tăng trưởng mạnh của khách du lịch nội địa. Quan trọng hơn, chương trình đã tạo mối liên kết giữa các DN trong cả nước. Trong khi đó, giám đốc một DN lữ hành (đề nghị không nêu tên) thì cho rằng, mục đích góp phần giảm thiểu sự suy giảm khách quốc tế vào Việt Nam qua chương trình “ấn tượng Việt Nam” chưa đem lại kết quả như mong muốn. Mục đích ban đầu được ngành xác định là thu hút khách quốc tế và khách nội địa (trong đó quan trọng là khách quốc tế).

Có thể thấy điều này được thể hiện rất rõ trên trang web www.impressivevietnam (do TDCL xây dựng). Theo vị giám đốc trên, khách mua tour biết thông tin khuyến mãi qua các phương tiện truyền thông và các hãng lữ hành, rất ít người biết từ nguồn của trang web nói trên, bởi đối tượng “dường như không dành cho khách trong nước”.

Chỉ có 4.500 khách ở thị trường gần đi tour khuyến mãi, khách châu Âu dừng lại ở con số... 500 khách. Trong 4 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đạt khoảng 1,3 triệu lượt, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2008. Mặc dù lượng khách suy giảm mạnh, song ông Cường vẫn khẳng định, đến thời điểm này, ngành chưa có chủ trương giảm chỉ tiêu đón khách, mà quyết tâm giữ mục tiêu đón 4,3 triệu lượt khách trong năm 2009.

Giám đốc một DN lữ hành cho biết, việc giảm giá tạo sức ép rất lớn đối với DN, không chỉ là hàng không, mà cả các hãng lữ hành, khách sạn. “Giá thực phẩm, điện, nước đều có xu hướng tăng. Năm 2008, bình quân tiền ăn một ngày/khách là 60.000 đồng, năm nay vào khoảng 75.000 đồng/người..., buộc các DN phải tính toán đủ đầu thu và đầu chi, đảm bảo trước hết là không lỗ, lợi nhuận ở mức thấp nhất để trụ được, nhưng nếu kéo dài, thì sẽ là quá sức”, vị giám đốc này nói và cho biết, trong 4 tháng đầu năm, bình quân lượng khách quốc tế của các DN giảm 20-25%, thậm chí có DN giảm tới 30%.

Một vấn đề khiến nhiều DN bức xúc, đó là, mặc dù đã cam kết giảm giá, nhưng thực tế dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, giá phòng nghỉ vẫn tăng 30-50% so với ngày thường. “Kiểm soát tăng giá rất khó, vì thực hiện cam kết không có nghĩa là khách sạn không được quyền nhận khách khác, không được quyền áp dụng giá cao với đối tượng khác, nên có khách chấp nhận mua đắt, họ vẫn bán phòng, đặt các DN lữ hành vào tình thế rất trớ trêu. Nếu chấp nhận giá cao thì lỗ, nên buộc DN phải tăng giá tour, mặc dù biết là vi phạm”, giám đốc một DN lữ hành than phiền.

Một điều rất dễ nhận thấy là, từ khi triển khai chương trình khuyến mãi giảm giá, gần như không thấy sự xuất hiện của Hiệp hội Du lịch Việt Nam (Vita).

Doanh nghiệp vẫn chờ
Theo kế hoạch, “ấn tượng Việt Nam” giai đoạn 2 (từ tháng 5 đến tháng 9/2009) sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động khuyến mãi tại các trọng điểm du lịch thông qua giá vé máy bay, giá dịch vụ lưu trú, vận chuyển, ăn uống, các hoạt động vui chơi giải trí... Cùng với đó, mở thêm nhiều tour với giá hấp dẫn. Vietnam Airlines đã cam kết tiếp tục giảm giá cho các đường bay quốc tế và nội địa như giai đoạn 1, đồng thời mở thêm các đường bay nội địa mới.

Để tăng cường thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, Chính phủ đã đồng ý thực hiện chủ trương miễn lệ phí visa đối với khách quốc tế tham gia các tour khuyến mãi (từ tháng 5 đến tháng 9/2009). Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) cũng tích cực hưởng ứng chiến dịch này bằng 2 gói sản phẩm khuyến mãi dành cho khách du lịch và hướng dẫn viên.

Ông Vũ Thế Bình, phụ trách Vụ Lữ hành (TCDL) cho biết, ngành sẽ tập trung khích lệ các DN du lịch, vận chuyển, các nhà cung cấp dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, điểm mua sắm, tham quan... tích cực tham gia chương trình, tạo sức mạnh toàn diện để thu hút khách. Trọng tâm của giai đoạn 2 là thúc đẩy du lịch nội địa, tập trung quảng bá thu hút khách tại các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Tây Âu, Australia, ASEAN...

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, giám đốc một DN lữ hành quốc tế cho rằng, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nước đều khuyến khích công dân hạn chế đi du lịch ra nước ngoài, nên việc thu hút khách thời gian tới sẽ cực kỳ khó khăn.

Trong khi đó, đến nay, kế hoạch quảng bá xúc tiến vẫn chưa được triển khai cụ thể. “Hồi đầu năm,Vụ Lữ hành và các DN đã xác định và thống nhất tập trung vào thị trường gần, chuyển khách cao cấp sang trung bình, đối tượng khách trẻ sang khách già..., nhưng đến nay, việc quảng bá ở các thị trường cụ thể này vẫn án binh bất động”, vị giám đốc trên nói.

Ông Bình cũng cho biết, đến thời điểm này, ngành vẫn chưa được cấp kinh phí, ngay cả chương trình khuyến mãi đã triển khai một nửa thời gian cũng chưa có tiền, mọi chi phí đều do ngành và các DN tự xoay xở. Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourist thẳng thắn: “Chúng tôi tự vận động xúc tiến ở quy mô DN, chứ chưa thể tham gia ở tầm quốc gia”. Bài học nhãn tiền của năm 2008 là ngành du lịch không giải ngân được 13 tỷ đồng kinh phí xúc tiến quảng bá và năm nay, nguy cơ lặp lại cũng rất rõ.

 

(Theo Việt Hùng // Báo đầu tư)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com