Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, 11 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,8 triệu lượt, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, tháng 11 là tháng có lượng khách giảm sút nhất, chỉ có 279.000 lượt, giảm 5,7% so với tháng 10 và giảm tới 22,1% so với cùng kỳ năm 2007. Từ nay đến cuối năm, lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa vẫn ổn định do khách đã đặt mua tour từ trước. Ước tính năm nay, Khánh Hòa đón khoảng 325.000 lượt khách quốc tế, tăng 15,25% so với năm 2007. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh du lịch, tình hình kinh doanh mùa du lịch năm sau có nhiều điều đáng lo.
Khách quốc tế sẽ giảm
Chỉ mới đây thôi, ngành Du lịch Khánh Hòa vẫn đang vui mừng vì không có mùa du lịch thấp điểm bởi mùa nào cũng có lượng khách liên tục tăng, thì giờ đây tình hình đã khác. Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara và khu Evason Hideway (Ninh Vân) - những địa chỉ luôn thu hút một lượng lớn khách du lịch quốc tế cao cấp nhưng tại thời điểm này, lượng khách đăng ký cho năm sau đang có xu hướng giảm rõ rệt. Tình trạng trên chưa từng xảy ra ở 2 khu nghỉ mát này sau nhiều năm hoạt động. Nhiều công ty lữ hành quốc tế lớn trong nước cũng lên tiếng báo động về việc các đối tác nước ngoài liên tục báo hủy tour các chương trình cuối năm do không gom đủ khách. Các hãng lữ hành nước ngoài cũng đã có thông báo về tình hình kinh doanh tour khó khăn và dự báo nguồn khách từ thị trường Tây Âu trong năm nay và cả năm tới có thể giảm từ 30-40%. Dự báo trên khiến các đơn vị kinh doanh du lịch “lo sốt vó” bởi hiện tượng này chưa từng xảy ra trong mùa cao điểm khách quốc tế.
Rõ ràng, ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng đã không thoát khỏi 2 “cơn bão” kinh tế lớn của thế giới (lạm phát đầu năm và khủng hoảng tài chính cuối năm). Tại châu Âu - thị trường du lịch chính của Việt Nam, mùa du lịch hè đã kết thúc không mấy khả quan vì người dân trong “cơn bão” giá buộc phải thắt chặt chi tiêu. Các thị trường du lịch lớn như Mỹ, Australia... cũng bị ảnh hưởng, thất thu. Theo thống kê, những năm trước, ngành Du lịch thế giới tăng trưởng đều đặn 5%/năm. Nhưng mức tăng trưởng của ngành đã giảm 2% trong năm 2008 và có thể sẽ trở về con số 0 trong năm 2009, theo dự báo của Tổ chức Du lịch Quốc tế (OMT).
Cũng có thông tin cho rằng khủng hoảng chính trị tại Thái Lan sẽ là cơ hội cho ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian tới; du khách có thể sẽ chuyển địa điểm nghỉ đông từ Thái Lan sang Việt Nam. Nhưng chị Đỗ Thu - Giám đốc kinh doanh của Khu nghỉ mát Evason Ana Mandara không cho là như vậy. Theo chị, du lịch Việt Nam sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là Khánh Hòa. Chị cho biết: có đến 80% khách quốc tế đến Việt Nam đều quá cảnh qua sân bay tại Bangkok (Thái Lan). Nếu đây là cơ hội thì họ sẽ đến Việt Nam bằng cách nào đây khi nước ta có rất ít đường bay thẳng. Khánh Hòa càng thiệt thòi hơn khi chưa có sân bay quốc tế. Lâu nay, khách quốc tế muốn đến Nha Trang phải đi từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) hoặc sân bay Nội Bài (Hà Nội); nghỉ lại đây một ngày trước khi đến Nha Trang. Thời gian gần đây, giá phòng khách sạn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vừa tăng cao vừa rất khó đặt phòng, tình trạng này đã khiến nhiều du khách chọn điểm đến gần các sân bay quốc tế như Hội An (Quảng Nam) hay Mũi Né (Bình Thuận). Đặc biệt, gần đây có rất nhiều đoàn khách Nga và Bắc Âu đã thuê riêng chuyến bay để đến thẳng sân bay Tân Sơn Nhất và đến Mũi Né ngay trong ngày. Ana Mandara đã làm việc với nhiều đối tác và họ cũng từng đặt vấn đề đến thẳng Nha Trang bằng những chuyến máy bay riêng nhưng đáng tiếc là không thể thực hiện được vì Khánh Hòa chưa có sân bay quốc tế.
Mặt khác, tình hình chính trị bất ổn tại Thái Lan sẽ khiến giá tour và giá phòng khách sạn tại đây giảm nhiều nếu so với giá tour và giá phòng tại Việt Nam, trong khi đó dịch vụ của họ lại có phần tốt hơn. Vì thế, nhiều du khách vẫn chọn Thái Lan là điểm đến, vì bất ổn chính trị chỉ diễn ra tại Bangkok, còn tại các điểm du lịch như: Phukek, Pattaya… tình hình vẫn ổn định và những nơi này đều có sân bay quốc tế dù rất nhỏ…
Sốt ruột chờ… sân bay quốc tế
So với cả nước, hệ thống khách sạn cao cấp và dịch vụ của Khánh Hòa chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Thế nhưng, lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa hàng năm không cao và tăng trưởng chậm so với một số địa phương khác trong khu vực như Hội An và Mũi Né, dù ngành Du lịch địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc quảng bá thu hút du khách đến Nha Trang. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do Khánh Hòa không có sân bay quốc tế để đón khách trực tiếp. Ông Bùi Xuân Lương - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Không phải đến thời điểm này, ngành Du lịch Khánh Hòa mới thấy được sự khó khăn trong quá trình hoạt động khi không có sân bay quốc tế, mà điều này đã được cảnh báo từ những năm 90, khi du lịch bắt đầu phát triển. Điều mà ngành Du lịch mong muốn nhất hiện nay là làm thế nào để thúc đẩy sớm sự ra đời của sân bay quốc tế tại Khánh Hòa hay ít nhất cũng phải có đường bay quốc tế. Có như thế, du lịch Khánh Hòa mới thật sự khởi sắc; nếu không ngành Du lịch cũng sẽ chỉ “an phận” với lượng khách quốc tế tăng trưởng chậm như hiện nay”.
(Theo Báo Khánh Hoà)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com