Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du lịch Thái Lan: "Mỗi làng một sản phẩm"

Du khách tham quan nơi sản xuất và mua hàng tại chỗ. - tinkinhte.com
Du khách tham quan nơi sản xuất và mua hàng tại chỗ.

Đoàn chúng tôi đến Bangkok vào một buổi chiều mưa nhẹ, vừa đủ cho khách du lịch cảm thấy thoải mái. Hôm sau chúng tôi được đưa đi tham quan khu trung tâm thành phố và mua sắm. Hướng dẫn viên giới thiệu về các cửa hàng có gắn biển “OTOP”, hỏi ra mới biết đó là từ viết tắt của “One Tambon One Product” tạm dịch là "mỗi làng một sản phẩm".

Nơi nào bán hàng thủ công địa phương, nơi đó được chính phủ giảm miễn thuế. Với chính sách này nghề thủ công gia truyền, nghề truyền thống của Thái Lan được bảo vệ duy trì từ việc mua sắm sản phẩm, đồ lưu niệm của khách du lịch. Chính sách OTOP đã giúp cho người dân Thái giải quyết được công ăn việc làm, giữ được giá trị nhân văn trong văn hóa lâu đời của họ.

Ăn theo kiểu Thái xưa

Chúng tôi được đưa đến một nhà hàng mang tên Old ChiangMai ở Bắc Thái Lan. Bữa ăn thật đơn sơ với những món trông như mì gói ở Việt Nam với nước súp rau củ, món thịt như thịt kho “rệu” ở Nam bộ, món rau củ luộc, đặc biệt có món da ngựa chiên phồng, món gà chiên, món chuối chiên bột.

Cùng trong một phòng ăn lớn, khách có thể chọn cách ngồi theo ý mình.

Trong nhà hàng này, thực khách có thể chọn một trong ba tư thế ngồi: ngồi xếp bằng dưới đất, ngồi trên sạp và ngồi ghế bàn ăn như các nơi khác. Chúng tôi chọn theo kiểu Nam bộ, ngồi xếp bằng dưới đất. Nói vậy, nhưng khách được ngồi trên thảm nhung, lưng có gối dựa rất êm.

Bữa ăn được bắt đầu cùng với các tiết mục múa hát rất dễ hiểu, dễ nghe và ngắn gọn của nhiều nhóm múa đại diện cho nhiều nhóm dân tộc thiểu số khác nhau của vùng bắc Thái. Xen vào giữa các tiết mục múa hát có một màn múa kiếm ngoạn mục.

Vũ điệu truyền thống mô tả đời sống, sản xuất của nông dân Thái Lan.

Sau phần biểu diến ca múa, các cô gái ăn mặc theo kiểu dân tộc thiểu số của Thái xuất hiện, mời khách cùng múa theo kiểu dân tộc Thái. Điệu múa vui nhộn này giúp du khách hòa đồng vào không gian văn hóa truyền thống của người Thái, một cách gây ấn tượng khó phai trong lòng du khách.

Sau bữa ăn tối có ca nhạc giúp vui, chúng tôi lại được mời sang khu vực gần đó để thưởng thức một chương trình nghệ thuật mang đậm truyền thống dân gian của các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa hơn ở vùng bắc Thái với các tiết múa có lửa, có thú...

Hàng bán đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ mang nét đặc trưng của từng địa phương trong chương trình OTOP của Thái Lan gợi cho du khách sự thích thú khi mua sắm.

Dọc đường đi từ khu nhà ăn đến khu múa hát, hầu như du khách không còn thời gian để cân nhắc về việc giữ chặt cái hầu bao trước sự hấp dẫn của các sạp hàng, xe đẩy bán đồ lưu niệm, đồ mỹ nghệ mà chính sách OTOP đã sản sinh ra vô vàn sản phẩm độc đáo.

Du lịch đóng góp

Đang thấm mệt với chuyến đi đường dài đến Udonthani, vùng đông bắc Thái Lan, xe đưa chúng tôi vào một nơi thoạt nhìn trông có vẻ như một cơ sở sản xuất, một vài thành viên trong đoàn chúng tôi không giấu vẻ bực mình vì nghĩ đến chuyện được đưa đến đây để “mua sắm”. Nhưng những điều tai nghe, mắt thấy tại đây đã khiến chúng tôi thật sự hào hứng, tò mò và thán phục.

Trong một hội trường khá rộng, tiếp chúng tôi là một vị sĩ quan quân đội Thái Lan. Ông cho biết, những năm trước đây, đời sống người dân vùng này rất cơ cực, họ không tìm được việc làm, thu nhập rất thấp, nhiều người phải đưa gia đình bỏ đi nơi khác kiếm sống.

Một xưởng sản xuất tập trung dành cho người dân Udonthani, vùng đông bắc Thái Lan.

Chính phủ giao cho một đơn vị quân đội thành lập khu sản xuất tập trung, đào tạo cho bà con các nghề thủ công và tổ chức sản xuất. Khu sản xuất tập trung này được chia ra làm nhiều nhóm, nhân công vừa học việc vừa tạo sản phẩm. Nhiều sản phẩm thủ công từ làm gốm, thêu, đồ gỗ, mây, tranh vẽ, tranh sơn dầu… được tạo ra và tiêu thụ khắp vùng đông bắc Thái và bán tại chỗ cho du khách.

Xưởng điêu khắc ở vùng Udonthani.

Chỉ sau hai năm triển khai chương trình hỗ trợ này, từ mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 400 đô la Mỹ (năm 2006), con số này đã tăng vọt lên 900 đô la vào năm 2008.

Xu hướng phát triển du lịch hiện đại trên thế giới hiện nay đang phổ biến khái niệm “du lịch có đóng góp”. Theo đó, du khách đi chơi kết hợp chi tiêu mua sắm hàng lưu niệm với mục đích đóng góp cho người dân các địa phương khó khăn có điều kiện cải thiện cuộc sống của họ. Việc đưa du khách đến mua sắm ở những nơi như thế có ý nghĩa xã hội, mang đậm chất nhân văn được du khách nhiều nước đến Thái Lan rất đồng tình ủng hộ.

Những người cổ cao

Từ Maesa Elephant Camp, chúng tôi chỉ đi 5 cây số là đến một làng của người ‘Long Neck’ - dân tộc cổ cao. Tình hình an ninh bất ổn ở khu vực Tam Giác Vàng trước đây khiến những gia đình thuộc bộ tộc Karen cổ cao từ Myanmar chạy sang, được chính phủ Thái cho phép và giúp đỡ họ sinh sống.

Người Karen đeo những vòng kiềng quanh cổ từ khi còn bé.Một thiếu nữ Karen ở làng 'Long Neck'.

Những người Karen đeo những vòng kiềng bằng kim loại quanh cổ từ khi còn bé và độn dần ngày càng tăng số lượng vòng khiến cổ càng cao lên. Làng khá vắng vẻ khi khách du lịch chưa đến. Lưa thưa vài túp nhà lá hai bên con đường dẫn dần lên dốc không cao lắm. Trước mỗi nhà, các cô gái ngồi dệt những tấm thổ cẩm đủ loại, với nhiều màu sắc khác nhau.

Thiếu nữ Karen dệt thổ cẩm.

Loanh quanh sau một vòng, tôi trở ra ngoài đầu làng, nơi chúng tôi sẽ dùng bữa ăn trưa trong một nhà ăn bên làng. Ruộng lúa ở vùng này xanh và mượt như tranh vẽ. Lối đi và khung cảnh của làng thật yên tĩnh, với vẻ đẹp mộc mạc, tự nhiên. Cảnh vật và không gian tĩnh lặng khiến lòng du khách cảm thấy nhẹ nhàng, khoái hoạt.

Làng 'Long Neck' của người Karen.

Ở đầu làng, trước khi ra khỏi cổng tôi bắt gặp một vài căn nhà lá nhỏ, bày bán các món đồ lưu niệm có tạc tượng người dân tộc ‘Long Neck’ bằng sắt hoặc bằng gỗ. Giá bán những món hàng mỹ nghệ ở đây đắt hơn so với túi tiền của tôi, nên tôi định bụng là khi về đến chợ Chiang Mai sẽ tìm mua. Chợ Chiang Mai là một trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất ở miền bắc Thái Lan, có bán đủ các loại hàng hóa. Nhưng sau đó, tôi biết mình đã sai lầm vì tìm mãi vẫn không thấy những món đồ lưu niệm rất độc đáo của người Karen ở ngôi làng tôi đã đến.

Hàng thủ công mỹ nghệ của người Karen tại làng của họ.

Từ chuyện này, tôi có được một bài học về sự tôn trọng sản phẩm địa phương của người Thái. Đó là việc tránh sự trùng lắp hàng hóa lưu niệm mang sắc thái riêng từng vùng và ngăn chặn việc nhái mẫu mã đối với những sản phẩm đặc thù của làng dân tộc cổ cao ‘Long Neck’. Cách làm này giúp người Karen ở làng ‘Long Neck’ có thu nhập từ việc sản xuất và bán hàng lưu niệm tại chỗ cho du khách.

Sau chuyến đi này, tôi nghĩ, phải chăng sản phẩm du lịch càng có nhiều tri thức và đậm chất nhân văn thì tính bền vững và hiệu quả của sản phẩm càng cao? Điều làm tôi tâm đắc nhất sau mỗi chuyến đi, đó là học được cách làm sao để hoạt động kinh doanh du lịch mang tính bền vững.

(Theo Lâm Văn Sơn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Ngành du lịch xa xỉ hồi phục nhờ tour "độc"
  • Thanh Hóa đón 2,5 triệu lượt khách trong năm 2009
  • Dịch vụ du lịch tự do: Xu hướng của tương lai
  • Hướng tới Festival Huế 2010 đậm sắc màu
  • “Kéo” khách bằng du lịch văn hóa
  • Nha Trang: Tháng 2.2010, có du lịch bằng khinh khí cầu
  • Nhãn lồng Phố Hiến
  • Ngày xuân, về Hưng Yên thưởng thức đặc sản cá mòi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com