Cơn lốc suy thoái diễn ra trên toàn cầu tiếp tục cuốn thêm những “nạn nhân” mới và ngành du lịch Thái Lan, cũng không thể thoát khỏi nanh vuốt của cuộc khủng hoảng này, đang trải qua thời kỳ đen tối nhất trong nhiều thập kỷ.Từ những khu tắm nắng ở các khách sạn xa hoa cho tới những quán rượu sang trọng ở Thái Lan, đập vào mắt không gì khác ngoài cảnh tượng hiu hắt. Các con phố không còn vẻ sầm uất như trước đây, trong khi các khu danh lam thắng cảnh cũng trong cảnh đìu hiu khi cuộc chính biến trong nước đang khiến nhiều du khách nước ngoài e ngại đến với Thái Lan, đất nước tự xưng là “Vùng đất của những nụ cười”.
Tình cảnh "làm ăn" buồn chán
Jodie, 24 tuổi, diễn viên múa ở khu phố Nana luôn đỏ đèn của thủ đô Bangkok, tâm sự: “Công việc làm ăn hiện nay rất buồn chán. Có đêm chỉ có một khách xem”. Tình hình này cũng đang diễn ra trong toàn bộ ngành du lịch Thái Lan, vốn chiếm 6% trong nền kinh tế và cũng trực tiếp tạo công ăn việc làm cho một tỷ lệ tương tự trong lực lượng lao động nước này, tương đương 1,8 triệu người.
Bà Phornsiri Manoharn, đứng đầu Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT), ước tính việc sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok bị những người biểu tình chống chính phủ phong toả trong 8 ngày hồi tháng 11/2008 sẽ khiến 1 triệu du khách nước ngoài hủy tour du lịch hoặc lựa chọn đi tới những địa điểm khác.
Bà Manoharn cho biết “đây là thời kỳ khó khăn nhất mà chúng tôi từng gặp phải trong suốt 48 năm làm công tác xúc tiến du lịch tới Thái Lan”, đồng thời nhận định việc sân bay Suvarnabhumi bị đóng cửa có tác động lớn hơn cả thảm họa sóng thần hồi tháng 12/2004, dịch cúm gia cầm hay đại dịch SARS. Với lượng du khách đến Thái Lan trong tháng lễ tết 12/2008 ước tính 500.000 người, chỉ bằng 1/3 so với dự đoán, tham vọng của TAT trong việc thu hút 15,5 triệu du khách trong cả năm 2008 và 16 triệu năm 2009 là khó có thể đạt được.
Thông thường trong các tháng 12, tỷ lệ phòng khách sạn được sử dụng là 70%, thì hiện nay con số này tại các khách sạn hàng đầu ở Bangkok chỉ là 25%, khiến ban lãnh đạo phải đóng cửa nhiều tầng khách sạn, và buộc một số nhân viên nghỉ không lương. Thậm chí vào thời điểm cao trào khi sân bay Suvarnabhumi bị phong toả, nghe đồn một khách sạn xa hoa chỉ có 1 phòng có khách trọ. Wayne Buckingham, Giám đốc điều hành khách sạn Royal Orchid Sheraton, gồm 740 phòng, tọa lạc ở bờ sông Chao Phraya ở Bangkok, nói: “Phải nói rằng đây là tháng có tỷ lệ khách thuê phòng thấp nhất trong lịch sử ngành kinh doanh khách sạn”.
Tuy nhiên, ông Buckingham nói: “Người dân châu Á trước đây đã từng phải trải qua những thời điểm khó khăn, nhưng cuối cùng họ cũng đã vượt qua, và chúng tôi cũng sẽ như vậy. Chỉ có điều lần này sẽ mất nhiều thời gian hơn”. Ông cho rằng sẽ phải mất từ 12-18 tháng trước khi mọi việc trở lại bình thường.
Nan giải việc vực dậy ngành công nghiệp không khói xứ sở Chùa Vàng
Trong bối cảnh nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Thái Lan đang phải chịu tác động của việc kinh tế toàn cầu đi xuống, nhiều nhà phân tích tin rằng các cuộc biểu tình ở sân bay Suvarnabhumi do đảng Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) tiến hành có thể là nhân tố quyết định đẩy Thái Lan vào hố sâu suy thoái.
Ngay cả khi ngành du lịch tránh được làn sóng cắt giảm việc làm quy mô lớn, vốn đã xảy ra trong ngành chế tạo, việc phục hồi lại ngành công nghiệp không khói sẽ là một bài toán đau đầu khác đối với vị thủ tướng mới của Thái Lan là ông Abhisit Vejjajiva.
Nếu nhà kinh tế đã tốt nghiệp trường đại học danh tiếng Oxford này chuyển các khoản tiền hỗ trợ cho ngành du lịch của Bangkok hay miền Nam, nơi có những bãi biển đẹp nhất cũng như sự ủng hộ lớn nhất dành cho chính đảng của ông, ông Abhisit có nguy cơ sẽ tiếp tục xa rời những cử tri ở miền Bắc và Đông Bắc, nơi mà lòng trung thành đối với nhà lãnh đạo vừa bị phế truất Thaksin Shinawatra ngày càng lớn.
Tuy nhiên, áp lực chính trị và kinh tế buộc ông Abhisit phải can thiệp để thay đổi tình hình sẽ là rất lớn, do lượng khách du lịch đến với Thái Lan không nhiều sẽ ảnh hưởng đến đời sống của những nhân viên phục vụ ở khách sạn, các hướng dẫn viên du lịch, những người lái tacxi, người mua bán đồ cổ, đá quý và hàng nghìn lao động trong ngành dịch vụ./.