Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giá tour giảm, chất lượng dịch vụ có đồng hành?

Cùng với việc giảm giá tour, để kích cầu du lịch, các hãng lữ hành cần cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất.
 

Giảm giá tour tại thời điểm này là quyết định rất đúng đắn của ngành du lịch - Ảnh: Đức Thanh

 

Ông Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, giảm giá tour du lịch tại thời điểm này là quyết định rất đúng đắn của ngành du lịch. Tuy nhiên, quyết định này hơi muộn (lẽ ra phải được thực hiện ngay từ khi lượng khách quốc tế bắt đầu có dấu hiệu suy giảm), nên các công ty lữ hành gặp nhiều khó khăn trong việc ký kết các hợp đồng với khách.

“Khi Thái Lan bất ổn về chính trị, ngay lập tức nước này tung ra khẩu hiệu Thái Lan xin lỗi, cùng với chính sách một giá cho tất cả các điểm đến. Còn ở ta, việc hạ giá được quyết định sau khá nhiều tranh cãi”, ông Lương nói.

Một bài học từ Thái Lan qua việc giảm giá sản phẩm là, các hãng du lịch, khách sạn sẵn sàng chia sẻ khó khăn, chấp nhận mức giá thấp để thu hút khách lâu dài, chứ không làm du lịch theo kiểu “ăn xổi”. Trong khi đó ở Việt Nam, các công ty lữ hành nhìn khách sạn, khách sạn nhìn hàng không, chỉ đến khi hàng không giảm giá thì mọi việc mới “trôi chảy”. “Điều này cũng dễ hiểu, bởi lữ hành không quyết định được giá tour do chi phí vận chuyển và lưu trú chiếm tới 65% tổng giá thành tour du lịch”, ông Lương nhận định.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là giá tour rẻ liệu có đồng hành với chất lượng dịch vụ xuống thấp. Theo ông Lương, cùng với việc giảm giá tour, để kích cầu du lịch, các hãng lữ hành cần cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất, không chỉ ở khâu ăn nghỉ, mà cả các dịch vụ vận chuyển, vui chơi, mua sắm...

Cùng quan điểm trên, giám đốc một DN lữ hành cho rằng, không chỉ đơn thuần là hạ giá sản phẩm, mà các hãng lữ hành phải đồng thời đưa ra các sản phẩm mới hấp dẫn. Song tại thời điểm này, việc tung ra các sản phẩm mới là rất mạo hiểm. Mùa cao điểm năm 2008, Công ty Bay dịch vụ miền Bắc phối hợp với Công ty cổ phần quốc tế Hoàng Gia cho ra đời sản phẩm mới là dịch vụ taxi bay (trực thăng).

Tuy nhiên, do giá quá cao, không phù hợp với đối tượng khách trong nước, nên chỉ sau một thời gian ngắn, họ đã phải ngừng cung cấp dịch vụ. Hiện tại, việc đưa dịch vụ này hoạt động trở lại là rất khó, vì giá tour đã giảm tới 30% so với năm 2008.

Tương tự, Ban quản lý Vịnh Hạ Long có ý tưởng mở tour “du khách làm ngư dân” ở làng chài Cửa Vạn, tham quan Vịnh bằng tàu cao tốc, nhưng rồi đều không thực hiện được vì giá lưu trú không giảm, giá xăng dầu cũng ở mức cao.

Ông Lương cho rằng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch còn hạn chế là do các cơ quan chức năng, các hãng lữ hành chưa có sự phối hợp đồng bộ. Đơn cử như Dự án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian của ngư dân các làng chài trên Vịnh Hạ Long của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, với một trong các hoạt động là khôi phục lại “hát đám cưới” của ngư dân làng chài Cửa Vạn.

Điều này không hề đơn giản vì những người thuộc các bài bát xưa đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, lớp trẻ thì không mấy quan tâm. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm, sản phẩm này đã hoàn thiện, song đáng tiếc là sau đó lại không được đưa vào khai thác do các hãng lữ hành không mấy mặn mà.

 

 

( Theo báo Đầu tư )

  • Đà Nẵng: Các doanh nghiệp khai thác gì từ cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế?
  • Nha Trang nhộn nhịp tàu biển du lịch quốc tế
  • Hơn 1.600 du khách nước ngoài đến Vũng Tàu, TP.HCM
  • Vài nét về đề án Phố du lịch
  • Du lịch miền Trung tìm lối thoát cơn “bĩ cực”
  • Hàng không toàn cầu mất 8 tỷ USD trong năm 2008
  • Non nước hữu tình không ở đâu xa...
  • Vùng đất ngọt lành bên bờ sông Hậu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com