|
Theo kết quả khảo sát về thị trường khách sạn Việt Nam do công ty CBRE thực hiện, sự giảm sút của ngành du lịch thể hiện rõ ở cả tỉ lệ đặt phòng lẫn giá cho thuê. Trong nửa đầu năm 2009, tỷ lệ đặt phòng giảm 30% và giá thuê phòng hạ từ 25-38%.
Tính chung 8 tháng năm 2009, theo số liệu của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam, ước đạt 2.479.939 lượt, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2008.
Doanh thu giảm mạnh
Tại Tp.HCM, nhóm khách sạn 4 sao trở xuống, trung bình giá cho thuê phòng chỉ còn mức 50 USD/phòng một đêm. Trong khi đó, vào tháng 1/2009 vẫn còn được giá 80 USD/phòng/một đêm. Nhóm khách sạn 5 sao giá cũng giảm mạnh từ 130 USD giảm xuống còn khoảng 80 USD/phòng một đêm.
Nhóm khách sạn hạng sang nếu thời điểm đầu năm nay có giá thuê 240 USD/phòng một đêm, đến tháng 6/2009 đã tụt xuống chỉ còn 180 USD. Như tính toán, giá thuê phòng tại Tp.HCM ở tất cả hạng khách sạn đã giảm trung bình từ 25-38% trong vòng 6 tháng qua.
Kết quả của cuộc khảo sát cũng cho thấy, năng suất khách sạn 4 sao và 5 sao vẫn đang trong tình trạng giảm nhanh. Rất nhiều khách sạn còn hoạt động với công suất trên 70% ở quý 2 năm ngoái thì năm nay công suất phòng chỉ còn khoảng 55%. Nhóm khách sạn nhỏ được đánh giá là có kết quả hoạt động tốt hơn.
Tại cuộc họp bàn về biện pháp thúc đẩy ngành du lịch diễn ra tại Tp.HCM giữa tháng 9 mới đây, ông Trần Hùng Việt, Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Sài Gòn đã nhận định rằng trong năm 2009, ngành du lịch có cố gắng lắm cũng chỉ đón lượng khách quốc tế đến Việt Nam ở mức khoảng 4 triệu lượt người, thấp hơn 500 lượt người so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm là 4,5 triệu lượt khách quốc tế.
Thời gian qua, lượng khách đến Việt Nam trên tất cả các tuyến đường hàng không, đường biển và đường bộ đều giảm 20% so với cùng kì 2008. Cách cuộc khảo sát của CBRE không lâu, tháng 6/2009 Grant Thornton cũng công bố cuộc khảo sát 50 khách sạn và khu nghỉ dưỡng từ 3 đến 5 sao tại Việt Nam. Giá phòng bình quân đã tăng 9,6% từ năm 2007 đến 2008. Ngược lại, công suất sử dụng phòng bình quân lại giảm 14,2% từ 2007 đến 2008. Trong thời gian ấy, lợi nhuận cũng giảm đi 10,4%. Lợi nhuận của nhóm khách sạn 5 sao cao hơn khách sạn 3 và 4 sao.
Cần có chiến lược cụ thể
Cũng theo cuộc khảo sát của Grant Thornton, số lượng khách du lịch đến Việt Nam để nghỉ dưỡng chiếm 56% trong tổng lượng khách, khách đi theo đoàn chiếm 29,7% và đi cá nhân là 25,6%. Trong 2 năm qua, lượng khách đến Việt Nam với mục đích kinh doanh giảm 0,7%. Các khoản chi phí đều gia tăng trong năm 2008 ngoại trừ chi phí quản lí và chi phí chung. Trong đó, chi phí phòng tăng 19,4%; chi phí nhà hàng tăng 13,7% tính trên doanh thu của nhà hàng.
Trước tình hình lượng khách sụt giảm như hiện tại, các khách sạn đều nghĩ đến giảm giá để thu hút khách. Thực tế, có một số khách sạn không giảm giá trực tiếp, nhưng tung ra những chương trình khuyến mại, đổi mới và cung cấp thêm dịch vụ. Do đó, không nhất thiết là phải giảm giá phòng mà tùy thuộc vào mục tiêu hoạt động của từng khách sạn. Như kết quả từ cuộc khảo sát của Grant Thornton, trung bình, mỗi khách sạn 5 sao có 16 dịch vụ chính, khách sạn 3 sao chỉ có 5 dịch vụ chính.
Ông Robert Mcintosh, Giám đốc điều hành CBRE Hotels khu vực châu á - Thái Bình Dương cho rằng nhà kinh doanh khách sạn cần có những chiến lược rõ ràng ngay từ ban đầu khi quyết định kinh doanh khách sạn. Mỗi nhà đầu tư và kinh doanh cần vạch cho mình một đối tượng khách phục vụ cụ thể, để có lối thiết kế phù hợp, như vậy mới đạt được sự tối ưu hóa lợi nhuận. Du khách đang có xu hướng chuyển từ loại sản phẩm giá cao sang giá rẻ. Đồng thời, cần có những dịch vụ dành riêng để phục vụ cho khách nội địa, vì đây là lượng khách tiềm năng rất lớn. Mỗi khách sạn cần phải quy hoạch loại hình dịch vụ phù hợp với từng đối tượng khách.
Giải thích cho việc lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm trong những năm qua, theo ông Mcintosh, thị trường khách sạn Việt Nam đang thiếu sự đa dạng về các thương hiệu, sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm có giá trung bình. Vì vậy, Việt Nam cần có sự đa dạng về thương hiệu khách sạn, phong cách, hướng đến phục vụ nhiều đối tượng khác nhau.
Ông Mcintosh cho rằng trong vòng 5 năm tới thị trường khách sạn Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi theo hướng đa dạng các phân khúc thị trường. Đến nay, một số tập đoàn quản lý khách sạn như Accor, Intercontinental, Marriot... đã vào Việt Nam, chính các tập đoàn này sẽ lần lượt đưa các thương hiệu của mình theo nhu cầu thực tế để khai thác tiềm năng của Việt Nam.
Mặc dù, thị trường đang có sụt giảm nhưng theo thống kê về các chỉ số khách sạn toàn cầu mà STR Global công bố, Việt Nam vẫn xếp thứ hai về doanh số bán phòng trên tỷ lệ phòng có sẵn, và là thị trường sôi động hơn so với các nước khác trong khu vực.
(Theo Ái Vân // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com