Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Năm 2008, ngành du lịch không hoàn thành mục tiêu

Còn chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc năm 2008 nhưng tính đến thời điểm này, ngành du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ không hoàn thành được mục tiêu đề ra trong việc thu hút du khách trong và ngoài nước. Cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ thế giới đã ảnh hưởng đến ngành du lịch của các nước, không ngoại trừ Việt Nam. Giải pháp nào để kích cầu và tăng trưởng cho ngành du lịch trong năm 2009 đã được các nhà quản lý, những người kinh doanh du lịch đặt ra từ lúc này.

Thời điểm này năm ngoái, Việt Nam đã chào đón du khách quốc tế thứ 4 triệu. Trước tình hình khả quan này, ngành du lịch đã đặt mục tiêu cho năm 2008 là thu hút 4,8 - 5 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, cả 11 tháng qua, Việt Nam chỉ đón hơn 3,8 triệu lượt. Càng về cuối năm, số khách quốc tế đến càng giảm, ví dụ như trong tháng 11, lượng khách giảm 5,7% so với tháng 10 và giảm tới 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang gặp khó khăn khiến người dân thắt chặt chi tiêu cho du lịch.

Ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ VH-TT và DL - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: "Mức độ suy giảm khách du lịch diễn ra trên toàn thế giới và các nước lân cận đều sụt giảm, có nước tăng trưởng âm. Đối với Việt Nam, tuy không sụt giảm mạnh nhưng sự tăng trưởng đã chậm lại đáng kể, dù sao vẫn còn tăng trưởng".

Năm 2009 được đánh giá là một năm khó khăn cho ngành du lịch. Theo dự báo của tổ chức du lịch thế giới trong năm tới, du lịch chỉ tăng trưởng từ 0 - 2% và chỉ tăng được vào cuối năm. Ngay từ bây giờ, nhiều địa phương và công ty du lịch đã khởi động cho một chuỗi chiến lược mới nhằm thu hút khách trong và ngoài nước. TP.HCM sẽ áp dụng khuyến mãi giảm giá, tập trung quảng bá một số thị trường trọng điểm, các nước gần và truyền thống. Thành phố cũng sẽ tổ chức bình chọn các điểm đến, dịch vụ, sản phẩm du lịch để khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch TP.HCM phát biểu: "Chúng tôi đã triển khai 1 chương trình mới. TP.HCM là trung tâm du lịch lớn, nếu kế hoạch không triển khai kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năm 2009". Còn theo bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Viettravel: "Tuy là thách thức nhưng là thời cơ đối với doanh nghiệp trong việc thu hút khách từ nơi này sang nơi khác. Thời cơ sẽ qua rất nhanh nếu không có biện pháp ngay lập tức thời cơ sẽ qua đi và điểm đến VN sẽ không còn hấp dẫn khi không có sự khác biệt về sự cạnh tranh, giá cả".

Chiều 10/12, Bộ VH-TT và DL đã tổ chức một hội nghị bàn về những giải pháp cấp bách để thu hút khách quốc tế với sự tham dự của nhiều nhà quản lý, các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ, lữ hành. Những biện pháp đáng chú ý là kích cầu trong nước, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm du lịch. Hàng không cũng đã góp tay bằng cách giảm giá vé - 1 trong những yếu tố khiến tăng giá tuor. Hiện nhiều nước đã khởi động hàng loạt chương trình để kích cầu kinh tế, khôi phục niềm tin từ nhà đầu tư và du khách. Ví như đất nước Chùa Vàng đang triển khai chiến dịch Thái Lan xin lỗi trị giá 1,9 tỷ bạt, tương đương hơn 900 tỷ đồng. Việt Nam sẽ mất cơ hội cạnh tranh, thu hút du khách nếu các biện pháp đề ra từ hội nghị này không được triển khai kịp thời.


(Theo vtv)

  • Giải pháp cấp bách cho du lịch Việt Nam: Kích cầu trong nước là ưu tiên số 1
  • Hàng không thế giới lỗ 5 tỷ USD năm 2008
  • Sôi động lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột
  • Ngành du lịch ưu tiên kích cầu trong nước
  • Campuchia giảm phí sân bay và đảm bảo an ninh để "giải cứu" ngành du lịch
  • Lượng khách qua lại cửa khẩu Việt Nam - Campuchia tăng mạnh
  • Lượng du khách tới Malaixia dự kiến giảm 9% trong năm 2009
  • Du lịch miền Trung: “Học thầy không tày học… láng giềng!”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com