KỲ 1: NHỮNG BẤT CẬP GIỮA CUNG VÀ CẦU
Những năm gần đây, ngành Du lịch (DL) Khánh Hòa phát triển rất mạnh, nhưng nguồn nhân lực có trình độ nghiệp vụ, có kỹ năng tay nghề phục vụ trong ngành lại không đáp ứng đủ so với nhu cầu.
° CẦU VƯỢT XA CUNG
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của Khánh Hòa, ngành dịch vụ sẽ chiếm khoảng 47% tổng sản phẩm xã hội (GDP) toàn tỉnh. Dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành DL sẽ ở mức 16%/năm. DL được xem là ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất tại Khánh Hòa. Đến năm 2020, theo kế hoạch, số lượng du khách đến Khánh Hòa phải đạt 3,4 triệu lượt khách.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành DL chịu một áp lực rất lớn là phải đáp ứng đủ nguồn nhân lực có kỹ năng cả về lượng lẫn về chất. Hiện nay, nguồn nhân lực phục vụ ngành DL vẫn đang thiếu. Hầu hết các khu DL cao cấp tại Nha Trang đều than phiền về tình trạng tuyển dụng nhân sự khó khăn. Rất nhiều nhân viên sẵn sàng bỏ việc để nhận những hợp đồng mới có mức lương cao hơn. Tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn khi các khách sạn xây mới ngày càng nhiều và lượng du khách đến Nha Trang ngày càng tăng. Theo ông Đống Lương Sơn - Tổng Giám đốc khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang, đó là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng Khánh Hòa.
Trong tương lai, Khánh Hòa sẽ hướng tới đối tượng phục vụ khách DL cao cấp. Các khu DL Bắc bán đảo Cam Ranh, Khu Kinh tế Vân Phong và Nha Trang đều tập trung phát triển các dự án DL cao cấp 4 - 5 sao để phát huy hết lợi thế về tài nguyên DL biển đảo của Khánh Hòa. Dự kiến đến năm 2010 sẽ cần khoảng 13.500 lao động trực tiếp trong ngành DL. Như vậy, so với số lượng khoảng 7.000 người lao động trực tiếp hiện có thì trong vòng 2 năm nữa, Khánh Hòa phải đào tạo thêm khoảng 6.500 lao động trực tiếp mới đủ nhân lực cho kế hoạch năm 2010. Trong đó, cán bộ quản lý chiếm khoảng 14%, nhân viên nghiệp vụ lễ tân khoảng 86%.
° BẤT CẬP GIỮA CUNG VÀ CẦU
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 trường đại học và 7 cơ sở giáo dục dạy nghiệp vụ DL. Đây là nguồn lực chính để thực hiện nhiệm vụ kế hoạch đào tạo mới nguồn nhân lực phục vụ cho ngành DL của tỉnh… với năng lực đào tạo khoảng 1.300 - 1.600 sinh viên (SV)/năm. Dù có khá nhiều cơ sở dạy nghề, việc tổ chức đào tạo kỹ năng về DL vẫn còn nhiều bất cập giữa cung và cầu. Những SV tốt nghiệp từ các trung tâm, trường dạy nghề DL tại địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp (DN) và khó xin việc làm dù các đơn vị kinh doanh DL rất thiếu nhân lực và tình trạng “mất” nhân sự giỏi vẫn thường xảy ra.
Trong cuộc hội thảo mới đây nhằm góp ý cho đề án xây dựng mô hình liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành DL do Sở Văn hóa - Thể thao và DL tổ chức, chị Huỳnh Thị Hằng - Trưởng nhóm tư vấn của đề án này cho biết: Qua tiếp xúc trực tiếp với các DN đã có kinh nghiệm tuyển dụng SV tốt nghiệp từ các trường dạy nghề tại Nha Trang, về khả năng làm việc của các em sau khi ra trường, các ý kiến đều cho rằng nhìn chung SV được đào tạo tốt về tri thức và đạo đức nhưng kỹ năng nghiệp vụ nghề còn có khoảng cách xa với thực tế. Các em được trang bị kiến thức rộng, đa ngành để có thể đảm nhiệm được nhiều vị trí khác nhau, nhưng khi tuyển dụng, DN chỉ bố trí vào một công việc cụ thể. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu công việc, các em phải được đào tạo thêm nghiệp vụ tại DN mới có thể làm việc được. Bên cạnh đó, khả năng giao tiếp của các em chưa tốt, phần lớn thường nhút nhát, thiếu tự tin, thậm chí những vấn đề cơ bản nhất như chào hỏi, tác phong làm viêc, văn hóa công ty… các em đều thiếu. Trình độ ngoại ngữ của các em khi ra trường cũng rất yếu, nhất là ở khối dạy nghề, tuy có bằng B, bằng C nhưng hầu như các em không thể giao tiếp. Chính vì vậy, các khách sạn thường tuyển SV tốt nghiệp đại học ngoại ngữ sau đó mới đào tạo thêm về nghiệp vụ.
Theo ông Nguyễn Văn Khiêm - Giám đốc khách sạn Nha Trang: Có lúc khách sạn nhận được 30 - 40 hồ sơ nhưng vẫn không tuyển được người nào vì các em chưa đáp ứng được yêu cầu về hình thức, trong khi yêu cầu đầu tiên của ngành DL là phải có hình thức. Đây là một vấn đề mà các trường nên chú trọng, không nên bỏ qua khi tuyển SV. Ông Nguyễn Từ Điển - Trưởng phòng Tổ chức Công ty Cổ phần DL - Thương mại Nha Trang cho biết: “Mỗi đợt tuyển người, Công ty chúng tôi nhận rất nhiều hồ sơ của SV từ các trường nghiệp vụ DL của tỉnh, nhưng chúng tôi tuyển được rất ít vì các em không đáp ứng được yêu cầu của DN cả về nghiệp vụ lẫn hình thức”.
Nhiều ý kiến cho rằng khoảng cách giữa nhà trường và DN hiện nay quá xa. Nhà trường đã không có điều kiện xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ cho việc thực tập của SV nhưng lại cũng ít trách nhiệm trong việc giới thiệu SV đi thực tập. Ông Khiêm cho biết thêm: Hiện nay, hầu hết các trường đều để SV tự liên hệ thực tập. Nhiều SV chỉ đến lấy số liệu cho có chứ không thực tập ngày nào. Nhiều em chưa ý thức nghiêm túc về kỳ thực tập, không thích làm công việc chân tay, vất vả như một nhân viên thực thụ. Chính vì thế, DN chỉ dám cho các em làm những công việc như lau chùi hoặc quét nhà chứ không dám cho các em làm việc gì khác vì sợ làm đổ vỡ đồ dùng đắt tiền hoặc mất khách do các em chưa có kinh nghiệm. Ông Khiêm thừa nhận: Thái độ của DN như thế là không tốt, nhưng nhà trường cũng phải xem lại trách nhiệm của mình.
Trong khi đó, những ý kiến ghi nhận từ SV cũng cho thấy hầu hết các em ra trường đều gặp khó khăn trong công việc do điều kiện thực tập tại trường rất sơ sài, thiếu bài tập tình huống. Hầu hết kiến thức học tại trường không sát với thực tế, giáo trình lan man, giáo viên không có kinh nghiệm thực tế, có sự chênh lệch giữa kiến thức đào tạo và nhu cầu của DN. Chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng nhân viên lễ tân gặp khó khăn trong ngoại ngữ và xử lý tình huống; nhân viên phục vụ bàn, buồng thì lúng túng trong giao tiếp và phục vụ khách, còn nhân viên lữ hành thì không thể dẫn khách đi tour được vì ngoại ngữ yếu, thiếu tự tin… Những khó khăn trên đã khiến ngành DL lâm vào tình trạng thiếu nhân lực trong khi SV ra trường lại không xin được việc làm.
(Theo Báo khánh Hoà)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com