Quảng bá hình ảnh về đất nước trên các kênh truyền hình quốc tế là một trong những phương án xúc tiến du lịch của ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành du lịch đang băn khoăn về hiệu quả của việc quảng bá này.
Doanh nghiệp phân vân
Từ cuối tháng 5-2009, kênh truyền hình BBC đã phát sóng đoạn phim quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trên toàn cầu, bao gồm tám tuần ở châu Á-Thái Bình Dương, sáu tuần ở châu Âu và sáu tuần ở Bắc Mỹ. Đoạn phim quảng cáo này có tổng phí hơn 200.000 đô la Mỹ, phát sóng trong các chương trình tin tức và “giờ vàng” của kênh này. Đây là lần thứ hai ngành du lịch Việt Nam thực hiện chương trình quảng bá trên các kênh truyền hình quốc tế sau lần đầu thực hiện trên kênh CNN kéo dài từ cuối năm 2007 đến đầu năm 2008.
Liệu có thể đo lường một cách chính xác tính hiệu quả của những chương trình quảng bá du lịch Việt Nam như vậy hay không?
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ và Du lịch Vòng Tròn Việt, cho rằng chương trình tiếp thị điểm đến là một điều tốt để nhiều người biết thông tin về Việt Nam. Tuy nhiên, ngành du lịch nên thực hiện chương trình này thường xuyên, với quy mô lớn hơn để tạo những ký ức sâu đậm đối với khách du lịch tiềm năng. “Tại sao chúng ta không tính đến việc mời những ngôi sao nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực giải trí và thể thao đến Việt Nam? Tôi nghĩ đây là cách hiệu quả để thu hút thêm du khách”, ông Huê nói.
Theo báo cáo hàng tháng của Tổng cục Du lịch, sáu tháng cuối năm 2007, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 2 triệu. Sáu tháng đầu năm 2008, con số này là 2,3 triệu, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2007 và 3,1% so với sáu tháng trước đó. Sáu tháng cuối năm 2008 và sáu tháng đầu năm 2009, các con số này lần lượt là gần 2 triệu và khoảng 1,8 triệu lượt khách đến Việt Nam. |
Ông Thân Hải Thanh, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành Tourist, cho biết đây hiển nhiên là một chương trình tốt cho quốc gia, nhưng trong tình cảnh hiện nay nó dường như hơi lãng phí.
Tình cảnh mà vị giám đốc từng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực lữ hành đề cập là thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đang đối mặt với những khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế và sự lan rộng của virus cúm A/H1N1. Khách du lịch cũng không háo hức nhiều trong việc chọn đi du lịch thời gian này. Ông đưa ra bằng chứng là trong thời gian này, công suất phòng của các khách sạn nhiều lúc chỉ đạt 20-30%.
Ông Thanh còn cho biết nếu so sánh với các nước xung quanh như Thái Lan hay Malaysia, chi phí và hình thức quảng cáo ở Việt Nam có quy mô nhỏ hơn nhiều. “Đồng hành với việc quảng bá du lịch, các nước còn mời các chuyên gia tư vấn cho chương trình, đồng thời đưa ra những chương trình mua sắm thật hấp dẫn”, ông nói.
Nói đến chương trình quảng bá du lịch, ông Phan Đình Huê còn đưa ra so sánh thực tiễn: “Chúng ta đang đi câu cá, đáng lẽ phải dùng cá ngon và to làm mồi câu thì đằng này chúng ta lại dùng tép để câu”.
Một vấn đề khác mà các doanh nghiệp đề cập đến là phải cải thiện dịch vụ, sản phẩm và cơ sở hạ tầng du lịch trước khi quảng bá trên các kênh truyền hình quốc tế.
Ông Thanh cho rằng khi phát động chương trình này, khách du lịch có thể sẽ đến Việt Nam nhiều hơn nhưng họ sẽ không quay lại vì các sản phẩm và dịch vụ không được chăm sóc kỹ và quảng cáo thì chưa thật chuyên nghiệp. “Chúng ta bán những cái mình có là những mặt hàng chất lượng kém trong khi ở các nước trong khu vực có sản phẩm tốt hơn và quảng cáo chuyên nghiệp hơn”, ông nói. Cụ thể hơn, bà Cao Phẩm Hằng, Giám đốc SPSC Tour, đề cập đến các khu du lịch và di tích lịch sử ở Việt Nam không được bảo tồn đúng mức, khiến du khách cảm thấy chán khi đến Việt Nam.
Ngành du lịch trấn an
Khi thực hiện chương trình quảng bá du lịch trên các kênh truyền hình quốc tế, khách du lịch có thể sẽ đến Việt Nam nhiều hơn nhưng họ sẽ không quay lại vì các sản phẩm và dịch vụ không được chăm sóc kỹ và quảng cáo thì chưa thật chuyên nghiệp. Các khu du lịch và di tích lịch sử ở Việt Nam không được bảo tồn đúng mức, khiến du khách cảm thấy chán khi đến Việt Nam. |
Trao đổi qua điện thoại với TBKTSG, ông Vũ Thế Bình, Vụ Lữ hành, thuộc Tổng cục Du lịch, thừa nhận quy mô và chi phí cho những đợt quảng cáo như thế này là nhỏ. “Chúng ta là con nhà nghèo. Vì vậy phải liệu cơm gắp mắm vì chương trình này là cần thiết để quảng bá du lịch Việt Nam”, ông nói.
Theo ông Bình, thật khó để phân tích tính hiệu quả của chương trình, nhưng ở khía cạnh nào đó, rõ ràng chương trình mang lại điều tích cực. “Chương trình quảng bá trên CNN từ cuối năm 2007 đến đầu năm 2008 đóng góp vào sự tăng trưởng của lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam những tháng đầu năm 2008”, ông cho biết. “Nhưng do khủng khoảng kinh tế và bây giờ là dịch cúm A/H1N1 nên lượng khách trong sáu tháng cuối năm 2008 và hai quí đầu năm 2009 có sự đi xuống”.
“Vì vậy, chúng tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để thực hiện nhiều chương trình quảng bá nhằm thu hút khách du lịch đến Việt Nam”, ông Bình nói và cho biết rằng chi phí cho quảng bá trên các kênh truyền hình quốc tế năm nay sẽ lớn hơn nhiều so với con số 300.000 đô la Mỹ của chương trình thực hiện năm 2007 và sẽ có quy mô rộng hơn với nhiều kênh quảng bá hơn như BBC, Star Sports, ESPN…
Trong một cuộc họp gần đây, ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác, thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết sở dĩ BBC được chọn vì kênh này phủ sóng toàn cầu, từ châu Mỹ đến châu Âu, châu Á. Hơn nữa, kênh truyền hình này đưa ra mức giá ưu đãi là 204.600 đô la Mỹ, thấp hơn 40% so với giá bình thường.
Ông Tình cũng cho biết cục đang làm việc với một số kênh truyền hình quốc tế khác để thực hiện chương trình quảng bá du lịch Việt Nam. Các kế hoạch cho việc quảng bá trên kênh thể thao nổi tiếng Star Sports đang được tiến hành. Cục cũng muốn quảng bá các sân golf ở Việt Nam trên kênh này. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đang tiếp tục làm việc với CNN để đưa đoạn quảng cáo thứ 2 lên kênh này với mong muốn có được mức giá thấp hơn lần trước. Kế hoạch mời một số vị khách từ các kênh quốc tế và các công ty du lịch đến Việt Nam cũng đang được tính đến. Một đoàn báo chí từ Nga, một công ty lữ hành từ Thụy Điển và đại diện kênh CCTV của Trung Quốc là một trong những kế hoạch đó bên cạnh chương trình “Ngày Việt Nam ở California” sẽ được thực hiện trong quí 4-2009.
Ông Vũ Thế Bình cho biết Tổng cục Du lịch đang tìm cách kết hợp chương trình quảng bá trên các kênh truyền hình quốc tế và các chương trình xúc tiến du lịch khác đang thực hiện, đặc biệt là giai đoạn 2 của chương trình “Ấn tượng Việt Nam”. Trong sáu tháng cuối năm nay, tổng cục sẽ có nhiều hỗ trợ hơn cho các khu nghỉ, vận chuyển và dịch vụ cho khách du lịch. “Chúng tôi đảm bảo rằng sẽ có nhiều khuyến mãi hơn trong giai đoạn này”, ông Bình nói.
Đại diện các công ty lữ hành cũng cho rằng ngoài chương trình quảng bá du lịch, các chương trình khác như tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức các đoàn hội nghị đến Việt Nam, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch cũng nên được tổ chức thường xuyên.
(Theo Trung Châu // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com