Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường ASEAN - tiềm năng của du lịch Việt Nam

 
Biểu diễn nghệ thuật dân tộc trong chương trình "Du lịch về cội nguồn", hợp tác giữa ba tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai năm 2009. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Trần Chiến Thắng cho biết: hiện nay, nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người dân các nước Đông Nam Á (ASEAN) là rất lớn. Đây sẽ là một trong những thị trường khai thác của du lịch Việt Nam, góp phần hoàn thành mục tiêu thu hút 4,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2009.

Theo ông Thắng, để đạt được điều này, du lịch Việt Nam phải kiện toàn nguồn nhân lực; nhanh chóng hoàn thiện, nâng cấp chất lượng dịch vụ, củng cố cơ sở vật chất của hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ; đồng thời đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào triển khai các dự án du lịch trọng điểm, triển khai chương trình xúc tiến du lịch quốc gia...

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới đã và đang làm giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhưng "dải đất hình chữ S" vẫn có những địa danh, nét ẩm thực nổi tiếng, tiềm ẩn nhiều thế mạnh để phát triển du lịch. Chương trình khuyến mại lớn mang tựa đề “Ấn tượng Việt Nam” (Impressive Vietnam) là động thái rõ nét của Tổng cục Du lịch để hiện thực hóa mục tiêu này.

Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng đầu năm 2009 tuy giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước nhưng khách du lịch đến từ một số nước khu vực Đông Nam Á vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao là Singapore (tăng 26,6%), Malaysia (tăng 23,2%).

Tại Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 gồm 14 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã quy định rõ về định hướng phát triển thị trường du lịch, sản phẩm dịch vụ, xúc tiến, quảng bá du lịch, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, các khu du lịch và các điểm du lịch quốc gia có vai trò động lực thúc đẩy phát triển du lịch vùng.

Mục tiêu tổng quát là góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và đóng góp của ngành du lịch vào sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo phát triển du lịch gắn với yêu cầu giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển du lịch bền vững.

Các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế gồm: Lạng Sơn-Hà Nội-các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; Cao Bằng-Bắc Kạn-Thái Nguyên-Hà Nội-các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; Hà Giang-Tuyên Quang-Phú Thọ-Hà Nội-các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; Tây Bắc-Hà Nội-các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; Côn Minh (Trung Quốc)-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; Hòa Bình-Sơn La-Điện Biên (Điện Biên Phủ)-Lai Châu-Lào Cai (Sa Pa)-Yên Bái-Hà Giang-Cao Bằng-Lạng Sơn; Hòa Bình-Sơn La-Điện Biên (Điện Biên Phủ)-Yên Bái (Yên Bình)-Bắc Kạn (Ba Bể)-Lạng Sơn (Đồng Mỏ); Thái Nguyên-Ba Bể-Cao Bằng (Bản Giốc)-Lạng Sơn; Bắc Giang-Lạng Sơn-Cao Bằng-Bắc Kạn-Thái Nguyên-Tuyên Quang-Hà Giang; Sơn La-Điện Biên (Điện Biên Phủ)-Lai Châu-Lào Cai (Sa Pa); Phú Thọ (Việt Trì)-Yên Bái-Lào Cai (Sa Pa); Phú Thọ (Việt Trì)-Sơn La-Điện Biên (Điện Biên Phủ)-Lào Cai (Sa Pa).

Đặc biệt, trong hai năm 2009, 2010, Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện du lịch lớn, hứa hẹn là điểm đến của bè bạn quốc tế gồm: festival hoa Đà Lạt; lễ hội cồng chiêng tại Gia Lai; lễ hội cà phê lần 2 tại Đắk Lắk; festival rượu trắng tại Đắk Nông; thi bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng; tuần lễ biển Nha Trang; những ngày văn hoá và du lịch Mêkông - Nhật Bản tại Cần Thơ; đại hội thể thao trong nhà châu Á lần thứ 3; lễ hội ẩm thực, hội chợ du lịch thành phố Hồ Chí Minh; đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội; festival Huế; cuộc thi Hoa hậu Thế giới tại Nha Trang; liên hoan phim quốc tế; liên hoan Xiếc và Múa rối quốc tế.

Trong diễn đàn du lịch ASEAN (ATF 2009) diễn ra tại Hà Nội vừa qua, Việt Nam đã nhận được sự cam kết của Thái Lan, Singapore, Malaysia nhằm tăng dòng khách du lịch trao đổi giữa các nước, qua đó xây dựng khu vực các nước Đông Nam Á (ASEAN) trở thành điểm đến của thiên niên kỷ mới.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Hiệp hội du lịch Châu Á Thái Bình Dương (PATA), ông Gregory Duffell nhận định, hiện nay, ngành du lịch ASEAN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sự khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế đang tác động tiêu cực đến dòng khách du lịch trong khu vực.

Nhưng ASEAN là một khu vực có mật độ dân cư đông, vẫn có tăng trưởng kinh tế. Các kênh trao đổi thương mại xuyên biên giới tiếp tục hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả, đi kèm với việc các nước đã dành ngân sách lớn hơn cho hoạt động quảng bá, phát triển du lịch, tăng cường liên kết các tuyến bay, chính sách bầu trời mở, sự mở rộng của con đường xuyên Á..., những yếu tố này là cơ sở góp phần vực dậy ngành du lịch của ASEAN.

Tổng Giám đốc điều hành Văn phòng điều phối du lịch Mekong (MTCO), ông Mason Florence nêu quan điểm: một trong những yếu tố căn bản là cần phải nhìn nhận các điểm đến du lịch không thể tồn tại độc lập mà cần đặt trong mối quan hệ tương hỗ. Chẳng hạn, nếu nhìn nhận Hà Nội là một thương hiệu lớn thì bên trong vẫn tồn tại những thương hiệu khác như Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An, Cố đô Huế, Mỹ Sơn.

Hà Nội cũng không thể chỉ tồn tại và phát triển đơn lẻ mà cần có sự liên kết với các địa phương khác như như Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng... để thu hút khách du lịch. Một thương hiệu được xây dựng thành công khi khách du lịch đến từ những vùng, miền khác nhau đều có chung nhận thức về điểm đến đó.

Theo ông Baron R. Ah Moo, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Indochina Hotels and Resorts, những nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển du lịch biển, đó là: Chính sách của Chính phủ, môi trường, nguồn nhân lực, các công ty, năng lực phục vụ, văn hóa, giải trí, kiến trúc và thiết kế, những tiện ích cơ bản, giao thông đi lại. Điều quan trọng là phải bảo đảm sự bền vững của hệ sinh thái, nhất là ở một số điểm đến có thế mạnh để phát triển du lịch biển như Hội An, Đà Nẵng (Việt Nam), Kota Kinabalu (Malaysia), Krabi (Thái Lan)./.

(Theo Vietnam+)

  • Tây Ban Nha quan tâm thị trường du lịch Việt Nam
  • 500 du khách Đức đến TP.HCM bằng tàu biển
  • Các điểm vui xuân ở Đồng Nai: Ít khách hơn năm trước
  • Ngành Du lịch Khánh Hòa: Đón 81.850 lượt khách trong dịp Tết
  • Tưng bừng đêm hội “Tưởng nhớ tiền nhân”
  • Hiệp hội Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức tour Famtrip
  • Gần 250.000 lượt khách đến Bà Rịa-Vũng Tàu
  • “Tây ăn Tết ta”- Saigontourist "gặt" sớm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com