|
Sự việc bắt đầu vào tháng 11/1994, khi Vietnam Airlines nhận được giấy triệu tập của Tòa Sơ thẩm Roma về việc ông Maurizio Liberati (nguyên đơn) yêu cầu tòa án buộc Công ty Falcomar và Vietnam Airlines (hai bị đơn) phải bồi thường ít nhất 531 triệu Lira (đơn vị tiền tệ của Italia thời kỳ đó) tiền công cho các công việc ông này đã thực hiện cho Falcomar và Vietnam Airlines. |
Ngày 2/4 tới, Tòa Sơ thẩm Roma (Italia) sẽ mở phiên cuối cùng xét đơn kháng án của Vietnam Airlines về vụ kiện 15 năm trước.Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, đây sẽ là cơ hội để hãng có thể hủy bản án Toà Sơ thẩm Roma tuyên từ năm 2000 và "đòi lại công lý".
Sự việc bắt đầu vào tháng 11/1994, khi Vietnam Airlines nhận được giấy triệu tập của Tòa Sơ thẩm Roma về việc ông Maurizio Liberati (nguyên đơn) yêu cầu tòa án buộc Công ty Falcomar và Vietnam Airlines (hai bị đơn) phải bồi thường ít nhất 531 triệu Lira (đơn vị tiền tệ của Italia thời kỳ đó) tiền công cho các công việc ông này đã thực hiện cho Falcomar và Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, Vietnam Airlines đã không đến dự phiên tòa được mở vào tháng 11/2005, với lý do Vietnam Airlines không thuê hoặc yêu cầu ông Liberati làm bất cứ công việc gì, giữa hai bên cũng không có bất cứ thỏa thuận, hợp đồng hoặc văn bản ủy quyền nào.
Đến tháng 5/2002, Vietnam Airlines đã nhận được thư đòi tiền của ông Liberati kèm theo một văn bản sao chụp bản án do Tòa Sơ thẩm Roma ban hành ngày 7/3/2000, trong đó yêu cầu Vietnam Airlines trả số tiền 4.370.584 Euro trong vòng 30 ngày để thi hành bản án nêu trên, và cảnh báo nếu không thanh toán sẽ có các hành động pháp lý khác.
Đến tháng 2/2004, Vietnam Airlines tiếp tục nhận được thông báo của Ủy ban Đòi nợ và Tịch biên Pháp thông báo phong tỏa số tiền 1,33 triệu Euro tại tài khoản BSP (tài khoản thu bán đại lý) của Vietnam Airlines tại Pháp để thi hành bản án ngày 07/3/2000 của Tòa Sơ thẩm Roma. Kèm theo thông báo là quyết định của Tòa án Paris (Pháp) xác nhận số tiền Vietnam Airlines phải trả là gần 5,2 triệu Euro.
Tuy nhiên, trong quá trình thu thập tài liệu thực hiện tố tụng, Vietnam Airlines cho biết hãng đã phát hiện ông Liberati và luật sư của Falcomar đã có sự dàn xếp nhằm trục lợi và gây hại cho Vietnam Airlines. Do vậy, hãng khẳng định phán quyết năm 2000 của Tòa Sơ thẩm Roma là không khách quan và thiếu căn cứ.
Trong tháng 4/2004, Vietnam Airlines đã liên tục gửi đơn kháng án lên Tòa Phúc thẩm Roma và Tòa Phúc thẩm Paris. Nhưng cả hai tòa án đều đã phán quyết không chấp nhận đơn kháng án của hãng hàng không này, với lý do đã quá thời hạn kháng án.
Ông Phạm Ngọc Minh cho biết, nếu kết quả phiên cuối cùng xem xét của Tòa Sơ thẩm Roma ngày 2/4 tới đây bất lợi cho Vietnam Airlines thì hãng sẽ xem xét khả năng khiếu nại tới một số cơ quan như tòa án quốc tế hay tài phán quốc tế, và sẽ tiếp tục theo kiện tới cùng.
Cũng theo ông Minh, nếu Tòa Sơ thẩm Roma không xem xét các khiếu nại liên quan đến hai bức thư thể hiện sự thông đồng của nguyên đơn, có thể Vietnam Airlines sẽ gửi đơn lên Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam, đề nghị xem xét trách nhiệm đối với nguyên giám đốc của Falcomar về hành vi gian dối, lừa đảo đối với Vietnam Airlines.
Ngày 16/3/2009, hãng hàng không này cũng đã gửi thư chính thức tới Viện trưởng Viện Công tố Ý, Chánh án Tòa án Tối cao Ý, Chánh án Tòa Sơ thẩm Roma, Chủ tịch Đoàn luật sư Roma và Chủ tịch Đoàn luật sư Paris đề nghị xem xét lại vụ việc một cách công bằng và khách quan.