Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xây dựng thành phố sinh thái Hội An

Sau những hoạt động có hiệu quả nhằm tuyên truyền toàn dân bảo vệ môi trường, giờ đây người Hội An lại có thêm một mục tiêu khác; đó là tập trung xây dựng thành phố sinh thái đầu tiên của cả nước.

alt
Hội An, điểm đến hấp dẫn của du khách Quảng Nam.

Theo ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, địa phương đang có những điều kiện hết sức thuận lợi làm tiền đề để xây dựng một thành phố sinh thái. Đầu tiên là tiềm năng đa dạng sinh học. Hệ sinh thái rừng dừa Cẩm Thanh hiện còn gần 30ha (trước đây hơn 90ha) đang dần phục hồi. Hệ sinh thái nhiệt đới điển hình này có tầm quan trọng trong vai trò điều hòa khí hậu, chống xói lở. Về phương diện sinh vật, các hệ sinh thái này có sự đa dạng sinh học rất cao, là nơi lưu trú, sinh sống của nhiều động vật có giá trị như tôm, cua và động vật thân mềm. Địa hình địa mạo Hội An rất đặc biệt: có dải cát dài Cẩm An, Cửa Đại; sông Đế Võng, hệ thống cồn bàu xen kẽ nhau như Bàu Tràm, Bàu Súng, Bàu Rêu, Bàu Sấu, Bàu Ốc….

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có gần 5.200ha mặt nước, trong đó có 165ha rạn san hô và 500ha thảm cỏ biển, có nhiều loài động thực vật quí hiếm. Cù Lao Chàm vừa được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới… Quy mô TP. Hội An thuộc loại trung bình và chưa trải qua thời kỳ công nghiệp hiện đại nên không làm biến đổi môi trường một cách nặng nề. Là một thành phố cửa sông  ven biển, không gian Hội An khá thoáng, diện tích vùng nông thôn còn lớn. Hệ thống thủy vực gồm các nhánh sông (sông Đế Võng, sông Đò, sông Hoài, sông Thu Bồn…) cùng hệ thống mương, lạch, đầm, hồ dày đặc chiếm 21% diện tích đất liền. 

Mô hình

Dự thảo Đề án xây dựng TP. Hội An - thành phố sinh thái, đặt ra nhiều tiêu chí như “thoáng - xanh - sạch - đẹp”, “thuận tiện - an toàn - văn minh”, “bền vững” để đạt mục tiêu là thành phố sinh thái đến năm 2030. Phương hướng đặc ra là xây dựng thành phố sinh thái phát triển bền vững dựa trên sự tổng hòa 3 yếu tố: kinh tế bền vững, môi trường bền vững, xã hội bền vững. Hạt nhân của sự tổng hòa ấy chính là con người. Xây dựng TP. Hội An là thành phố sinh thái xuất phát từ mong muốn đáp ứng cao nhất chất lượng sống của con người, làm cho con người tiện nghi hơn, đầy đủ hơn trong quá trình sống, làm việc, nghỉ ngơi….

alt
Rau Trà Quế.

Theo ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP. Hội An, không xây dựng đô thị sinh thái theo dạng các dự án biệt lập hoặc những mẫu hình riêng lẻ mà được xây dựng liên hoàn trong một chỉnh thể thống nhất của một thành phố sinh thái. Trước hết về phạm vi không gian, thành phố sinh thái Hội An trải rộng hết các diện tích tự nhiên hiện nay, xa hơn bao hàm cả Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời gắn liền với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Tại cuộc hội thảo khoa học về xây dựng TP. Hội An - thành phố sinh thái được tổ chức mới đây, các nhà khoa học đều cho rằng đô thị cổ Hội An đã tìm được con đường phát triển gắn kết bảo tồn với phát triển du lịch thành công. Trong đó phải khẳng định vai trò của hệ thống xã hội đã được tổ chức tốt. Hội An có đầy đủ tiềm năng để phát triển thành một đô thị sinh thái với mối quan hệ sinh thái nhân văn phát triển bền vững. 

Cơ hội và thách thức

Việc nghiên cứu xây dựng thành phố theo xu hướng đô thị sinh thái là cơ hội để tập hợp, phát huy sức mạnh của các tài nguyên tự nhiên và nhân văn hiện có. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường (Đại học Xây dựng) đề xuất các nguyên tắc để phát triển Hội An theo mô hình đô thị sinh thái là: Xác định các khu vực với đặc trưng về môi trường nhân tạo  tự nhiên - xã hội trong phạm vi thành phố để phân chia ra nhiều khu vực hợp lý nhằm triển khai nhiều mục tiêu khác nhau; Khu vực làng xã và vùng phụ cận là khu vực trọng tâm nghiên cứu phát triển trong giai đoạn tới; Duy trì sự cân bằng trong phát triển hiện nay ở khu vực phố cổ; Cần nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu đối với Hội An… Một số tham luận tại hội thảo còn khẳng định vai trò của hệ sông Thu Bồn đối với môi trường sinh thái Hội An, những nguy cơ về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội trong sự phát triển kinh tế hiện đại của phố cổ Hội An hiện nay…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ: Trong bối cảnh đô thị cổ Hội An đang đứng trước những thách thức về sự xấu đi của môi trường tự nhiên, môi trường xã hội trong quá trình phát triển thì việc chọn vấn đề đô thị sinh thái làm đối tượng nghiên cứu, quy hoạch và hướng tới mục tiêu xây dựng Hội An thành đô thị sinh thái là giải pháp phù hợp. Đây là vấn đề lớn, có tính lâu dài, có khả năng tác động và ảnh hưởng qua lại giữa Hội An với các đô thị vùng phụ cận không chỉ trong lĩnh vực môi trường sinh thái mà cả trong nhiều lĩnh vực khác… Vì vậy cần được quan tâm và có giải pháp để đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến quá trình phát triển tương lai…

Hội An cũng đang đối diện với rất nhiều vấn đề cần giải quyết như nước thải, chất thải không được xử lý từ các hoạt động du lịch thương mại và sản xuất tiểu thủ công nghiệp; tình trạng khai thác cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, thiên tai và nạn ngập lụt hàng năm đe dọa các giá trị văn hóa vật thể... “Giải quyết những vấn đề này không phải là giải quyết các hậu quả mà cần phải đặt ra ngay từ đầu cho bất kỳ mọi dự án phát triển nào!” - tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường nhấn mạnh. PGS Nguyễn Hoàng Trí, Giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường, cũng nhấn mạnh đến các thách thức mà Hội An đang đối mặt như thiên tai, nước biển dâng, biến đổi khí hậu, vấn đề qui hoạch không gian và đặc biệt là sức ỳ trong tư duy lẫn công tác quản lý đô thị thường gặp trong bối cảnh của một đất nước đang phát triển...

Dường như có sự gặp nhau thú vị trong suy nghĩ của các nhà khoa học, các nhà quản lý lẫn các nhà nghiên cứu văn hóa khi nhìn vào các thách thức trên con đường xây dựng Hội An thành đô thị sinh thái. Nhà văn Nguyên Ngọc nêu lên những lo lắng của ông bằng những chi tiết khá cụ thể. Về dân số, với mật độ trên 1.500 người/ km2 của Hội An hiện nay là cao gấp 7 lần mức bình quân của cả nước và gấp gần 40 lần so với mật độ chuẩn trên thế giới, đó là chưa kể mỗi ngày có khoảng từ 3.000 đến 4.000 du khách đến thăm viếng và lưu trú ở đô thị cổ này. Điều này tạo ra những áp lực về nhiều mặt đối với phát triển bền vững. Đặc biệt cần chú ý việc xây dựng “công dân sinh thái” cho một thành phố sinh thái trên hành trình phát triển “kinh tế sinh thái”.

(Theo Thanh Minh - Điện Thắng/QNO)

  • "Mốt" một mình dong thuyền vòng quanh thế giới
  • Chùm tour trăng mật 2009 của Saigontourist
  • Cơ hội du lịch rẻ nhất trong năm
  • Hàng không Nhật Bản lỗ kỷ lục
  • 14 hãng hàng không quốc tế sẽ đến Huế
  • Vietnam Airlines mở đường bay Hà Nội-Fukuoka
  • Khởi công xây dựng khách sạn 4 sao đầu tiên ở Thanh Hóa
  • TPHCM đẩy mạnh du lịch hội nghị
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com