Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường lao động toàn cầu sẽ đi về đâu ?

Rất khó tìm được việc làm mới trong thời kỳ suy thoái.

Thế giới đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh nhất trong nhiều thập niên qua và cách mà các chính phủ đối phó với tình trạng này sẽ định hình thị trường lao động trong những năm tới.

 

Khủng hoảng việc làm

 

Tháng trước, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã lên tới 8,1%, mức cao nhất trong 1/4 thế kỷ. Với những người mới mất việc, cơ hội sớm tìm kiếm được một việc làm khác gần như là tệ nhất kể từ mức kỷ lục cách đây 50 năm. Tại Trung Quốc, 20 triệu lao động di cư (khoảng 3% lực lượng lao động) đã bị cho thôi việc.

 

Ngành dệt của Campuchia, nguồn xuất khẩu chính của nước này, đã cắt giảm nhiều công nhân, cứ 10 người lại giảm 1. Tại Tây Ban Nha, ngành xây dựng bị vỡ nợ đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên tới 14,8% vào tháng 1. Ở Nhật, hàng chục nghìn người ký hợp đồng tạm thời không chỉ mất việc mà còn mất luôn cả nơi ở mà các chủ lao động cấp cho họ.

 

Giai đoạn tiếp theo của suy thoái kinh tế toàn cầu đã định hình: Đó là khủng hoảng việc làm toàn cầu. Những đường nét của cuộc khủng hoảng chỉ vừa trở nên rõ ràng nhưng tính khốc liệt, bề rộng, chiều sâu của suy thoái, cùng với những thay đổi về cơ cấu của thị trường lao động ở cả những nền kinh tế giàu và mới nổi, đã cho thấy thế giới sắp phải trải qua mức tăng lớn nhất về thất nghiệp trong nhiều thập niên.

 

Trong vòng 3 tháng cuối năm 2008, GDP của Mỹ sụt giảm với tỷ lệ hàng năm là 6,2% và tình hình sẽ không khả quan hơn trong quý này. Sản lượng hàng hoá thậm chí còn sụt nhanh hơn ở những nước dựa vào xuất khẩu (như Đức, Nhật và vài nền kinh tế mới nổi ở châu Á) hoặc tài chính nước ngoài (đặc biệt là ở khu vực Trung và Đông Âu).

 

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tuần trước cho biết, lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, sản lượng hàng hoá toàn cầu có lẽ sẽ sụt giảm. Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán, hoạt động thương mại sẽ bị thu hẹp nhanh nhất kể từ thời Đại suy thoái (1930).

 

Sự suy sụp kinh tế ở mức độ này sẽ ảnh hưởng mạnh tới việc làm. Trong cuộc khảo sát hàng quý mới nhất, Manpower - một hãng dịch vụ việc làm - phát hiện, tại 23/33 quốc gia mà họ tiến hành khảo sát, số công ty có ý định thuê người thấp kỷ lục.

 

Do thăng giảm tỷ lệ thất nghiệp xảy ra chậm hơn những thay đổi về sản lượng, nên tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng thêm ngay cả khi các nền kinh tế ngừng thu hẹp. Nhưng có rất ít hy vọng về điều đó và một vài đặc trưng của cuộc suy thoái này có vẻ đặc biệt nguy hại.

 

Khủng hoảng tín dụng đã làm trầm trọng thêm tác động của giảm cầu, buộc các hãng kinh doanh đang thiếu tiền mặt phải cắt giảm chi phí mau hơn nữa. Khủng hoảng nhà đất và sự sụp đổ của hệ thống tài chính, vốn là nguyên nhân dẫn tới suy thoái, đồng nghĩa với việc sự hồi phục thực sự sẽ là quá yếu để tạo ra việc làm một cách nhanh chóng.

 

Khi nhu cầu hồi phục, cơ cấu việc làm sẽ thay đổi. Trong một thế giới hậu bong bóng, người tiêu dùng đang mắc nợ sẽ tiết kiệm nhiều hơn và những nền kinh tế dư thừa, từ Trung Quốc tới Đức, sẽ phải dựa nhiều hơn vào chi tiêu trong nước. Các ngành công nghiệp bùng nổ trong các năm gần đây, từ xây dựng tới tài chính, sẽ không hồi phục. Hàng triệu người, từ các chủ ngân hàng ở phố Wall cho tới những người di cư Trung Quốc sẽ cần tìm những việc làm khác nhau.

 

Hiện giờ, những tổn hại hầu như mới hiện rõ tại Mỹ, nơi suy thoái bắt đầu sớm hơn bất kỳ đâu (tháng 12-2007, Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Mỹ cho biết). Nền kinh tế Mỹ bắt đầu mất đi việc làm vào tháng 1- 2008. Ban đầu, sự suy giảm là khá khiêm tốn và chỉ giới hạn ở ngành xây dựng và sản xuất.

 

Tuy nhiên, kể từ tháng 9-2008, sự suy giảm việc làm đã tăng nhanh và bị mở rộng. Trong số 4,4 triệu việc làm bị mất kể từ khi suy thoái bắt đầu, 3,3 triệu việc đã mất trong vòng 6 tháng qua. Gần như ngành nghề nào cũng đều bị tác động mạnh. Chỉ có giáo dục và chăm sóc sức khoẻ là tuyển thêm lao động vào tháng trước.

 

 Tỷ lệ thất nghiệp đang tăng mạnh

 

Tới lúc này, ở Mỹ, kiểu mất việc trong thời suy thoái hiện nay giống như những gì từng xảy ra trong suy thoái thời hậu chiến (bắt đầu vào năm 1948, 1953 và 1957). Là một phần đóng góp của lực lượng lao động, số việc làm bị mất trong thời kỳ suy thoái hiện nay nhiều hơn so với bất cứ thời gian nào kể từ năm 1957. Tốc độ thất nghiệp, được đo bằng phần đóng góp của lực lượng lao động bù vào thông báo mất việc hàng tuần, trong suy thoái hiện nay diễn ra nhanh hơn các năm 1990 và 2001.

 

Thị trường lao động ở châu Âu, lúc này, ít thê thảm hơn, một phần vì suy thoái tại đây bắt đầu muộn hơn, một phần vì tình trạng thất nghiệp ở đây thấp khác thường - theo tiêu chuẩn châu Âu và một phần vì thị trường lao động ít linh hoạt của châu Âu phản ứng chậm hơn Mỹ.

 

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng Euro là 8,2% vào tháng 1, tăng từ 7,2% một năm trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp ở toàn Liên minh châu Âu (EU) là 7,6%, tăng từ 6,8%. Lần đầu tiên trong nhiều năm, tỷ lệ thất nghiệp ở châu Âu và Mỹ gần như bằng nhau.

 

Trong nội khối EU cũng có thay đổi lớn. Ireland và Tây Ban Nha, nơi ngành xây dựng bùng nổ và sau đó lắng xuống đột ngột nhất, đã chứng kiến những tổn thất lớn về việc làm. Gần 30% tăng trưởng việc làm ở Ireland trong nửa đầu thập niên xuất phát từ ngành xây dựng nhưng năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng gần gấp đôi.

 

Tại Anh, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng đáng kể. Cuối năm ngoái, 6,3% công nhân không có việc làm, tăng từ 5,2% một năm trước đó. Các số liệu thống kê sẽ được công bố vào ngày 18/3 tới có thể cho thấy, lần đầu tiên trong hơn một thập niên, số người thất nghiệp sẽ vượt quá 2 triệu.

 

Ở những nền kinh tế lớn nhất châu Âu, mất việc do sản lượng thu hẹp chỉ mới trở nên hữu hình. Dù sản lượng ở Đức sụt giảm với tỷ lệ hàng năm 7% trong quý cuối cùng của năm 2008, thì lượng người thất nghiệp mới nhích một chút. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay ở Đức vẫn còn thấp hơn so với một năm trước đây. Tháng 1 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) dự báo, tỷ lệ thất nghiệp ở EU sẽ tăng lên mức 9,5% vào năm 2010. Ở Mỹ, theo dự đoán của các nhà kinh tế trong lĩnh vực tư nhân, tỷ lệ này sẽ là 10% hoặc hơn.

 

Những thay đổi về cơ cấu tại thị trường lao động châu Âu cho thấy, tình trạng mất việc sẽ diễn ra nhanh hơn thời kỳ suy thoái trước. Việc ký hợp đồng tạm thời diễn ra ở nhiều nước do việc sa thải các lao động thường trực sẽ tốn nhiều chi phí hơn và khó khăn hơn.

 

Tỷ lệ thất nghiệp ở châu Âu hồi đầu thập niên này giảm bớt do sự phát triển nhanh chóng của những hợp đồng kiểu này. Hiện giờ, quá trình này chuẩn bị đảo chiều. Tại Pháp, số lao động ký hợp đồng tạm thời đã giảm 1/5, số việc làm thường trực cho tới thời điểm này vẫn chưa bị đụng chạm.

 

Dù những hợp đồng tạm thời đem tới sự linh hoạt lớn hơn nhưng nó lại chất gánh nặng điều chỉnh không tương xứng lên những lao động có tay nghề thấp, lao động trẻ và lao động nhập cư. Số lao động nhập cư trong lực lượng lao động châu Âu tăng khiến thống kê về tỷ lệ thất nghiệp gặp khó khăn.

 

Như Samuel Bentolila, một nhà kinh tế ở CEMFI Tây Ban Nha, chỉ ra rằng số việc làm bị mất tăng lên không hẳn vì có ít việc làm đi. Nhờ có người nhập cư, lực lượng lao động ở châu Âu vẫn tiếp tục tăng. Tại Anh, tình hình lại trái ngược, hàng trăm nghìn lao động di cư người Ba Lan đã trở về nhà.

 

Dù có ít lao động nhập cư, Nhật cũng gặp khó khăn với thị trường lao động kép. Thực vậy, lực lượng lao động ở xứ hoa anh đào bị phân chia rõ ràng hơn bất kỳ một nước công nghiệp nào khác. Các công nhân "chính quy" được bảo vệ chặt chẽ, trong khi những lao động tạm thời, hợp đồng và bán thời gian hầu như không được bảo vệ. Kể từ những năm 1990 - "thập niên bị mất", các công ty đã dựa nhiều vào những lao động không chính quy, mà lực lượng này hiện chiếm 1/3 tổng số công nhân Nhật, tăng từ mức 20% năm 1990.

 

Khi ngành công nghiệp Nhật sụp đổ, hầu hết những việc làm bị mất đều tập trung vào lực lượng lao động không chính quy, những người hầu như không nhận được trợ giúp thất nghiệp. Một quan chức Bộ Lao động Nhật ước tính, 1/3 trong số 160.000 người mất việc trong vài tháng gần đây cũng mất nhà, đôi khi họ chỉ được thông báo trước vài ngày.

 

Đầu năm nay, hàng trăm công nhân tạm thời bị mất nhà đã lập một ngôi làng toàn các túp lều ở công viên Hibiya, trung tâm Tokyo, nằm chéo với Bộ Lao động và cách Cung điện Hoàng gia vài toà nhà. Những điều tồi tệ vẫn ở phía trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật hiện là 4,1% và dự đoán tỷ lệ này sẽ vượt mức đỉnh điểm thời hậu chiến 5,8% chỉ trong năm nay. Tại Nhật, một số nhà kinh tế còn dự báo, thất nghiệp sẽ lên tới hai con số.

 

Tại những nền kinh tế đang nổi, quy mô của vấn đề là rất khó dự đoán. Bằng chứng về việc làm suy giảm, đặc biệt là ở ngành xây dựng, khai mỏ và sản xuất hướng xuất khẩu, rất nhiều. Tuy nhiên, số liệu chính thức về số việc làm bị mất và tỷ lệ thất nghiệp chỉ mang tính tương đối. Ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế ILO cho thấy, số người thất nghiệp tại các nền kinh tế đang nổi đã tăng thêm 8 triệu vào năm 2008, lên tới 158 triệu người, tổng tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 5,9%.

 

Trong báo cáo gần đây, ILO đã vẽ ra một vài viễn cảnh cho năm 2009. Theo đó, họ đưa ra những dự báo u ám như, các nền kinh tế đang nổi sẽ mất thêm 32 triệu việc làm trong năm nay. Hiện, ước tính này có vẻ rất đáng tin cậy. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thêm 53 triệu người sẽ bị đẩy vào tình trạng cực kỳ nghèo khó trong năm 2009.

 

Lịch sử cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp cao không chỉ là một vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị. Thị trường lao động yếu có nguy cơ thổi bùng sự bài ngoại, đặc biệt là ở châu Âu, nơi chứng kiến suy thoái lần đầu tiên kể từ khi lượng người nhập cư tăng. Giới lãnh đạo Trung Quốc thì lo sợ trước viễn cảnh bất ổn xã hội bùng phát do tình trạng mất việc làm tăng, đặc biệt là trong nhóm thượng lưu đô thị.

 

Giải pháp nào?

 

Trước những đe doạ như vậy, các chính trị gia không thể ngồi yên. Cách bảo vệ quan trọng nhất là tăng nhu cầu. Toàn bộ các nền kinh tế giàu và những nền kinh tế nổi, lớn mạnh đã công bố những gói kích thích tài chính.

 

Do hầu hết các nền kinh tế đang lên thiếu hụt bảo hiểm thất nghiệp, cách chính để giúp những người thất nghiệp là trợ giúp họ thông qua các dự án cơ sở hạ tầng về lao động chuyên sâu của chính phủ, cũng như chuyển tiền mặt có điều kiện cho những người nghèo nhất. Tại Trung Quốc, việc tăng cường tài chính gồm cả đổ tiền cho cơ sở hạ tầng, còn Ấn Độ thì đẩy mạnh các dự án trị giá 0,7% GDP.

 

Tuy nhiên, một vài nền kinh tế mới nổi lại có những chương trình bảo hiểm thất nghiệp sáng tạo hơn bất kỳ một quốc gia giàu có nào. Tại ChileColombia, các công nhân trong ngành chính quy có tài khoản thất nghiệp cá nhân, họ có thể rút tiền từ đây nếu mất việc. Nhiều quốc gia cũng lập hệ thống lương hưu trước dựa trên tài khoản cá nhân. Robert Holzman thuộc WB cho rằng, mọi người nên được cho mượn tiền từ những tài khoản như vậy khi họ thất nghiệp. Một số quốc gia đang cân nhắc ý tưởng trên.

 

Tại các nước phát triển, những phản ứng trước đây của các chính phủ đối với tình trạng thất nghiệp tăng cao tạo ra những tác động lâu dài và đôi khi là có hại. Khi thất nghiệp tăng sau cú sốc dầu những năm 1970, trước sức ép của công đoàn, các chính phủ châu Âu đã duy trì thị trường lao động một cách cứng nhắc và cố gắng cắt giảm hàng dài những người nhận phát chẩn bằng cách khuyến khích về hưu sớm.

 

Kết hợp với trợ cấp xã hội hào phóng, các chính sách của chính phủ châu Âu đã dẫn tới những thập niên của thất nghiệp cơ cấu cao và số người không việc làm rất lớn. Tại Mỹ, nơi mạng lưới an sinh xã hội còn mỏng, lại có ít những quy định cứng nhắc và mọi người sẵn sàng chuyển dịch, nên các lao động có phản ứng linh hoạt hơn với những chuyển dịch cơ cấu. Chưa đầy 6 năm sau khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 10,8%, mức kỷ lục thời hậu chiến, tới năm 1982, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là gần 5%.

 

Gói kích thích gần đây của Mỹ đã củng cố mạng lưới an sinh. Trợ cấp thất nghiệp đã tăng nhẹ, thời gian tối đa được kéo dài và các bang nhận được tiền để mở rộng số đối tượng đủ tư cách nhận trợ cấp. Gói kích thích gồm cả trợ cấp tạm thời để giúp thanh toán phí chăm sóc sức khoẻ cho những lao động bị thôi việc. Dù vậy, tiền trợ cấp vẫn còm cõi.

 

Vấn đề nhà cửa là cản trở lớn đối với thay đổi việc làm. Gần 1/5 số hộ gia đình Mỹ có nợ thế chấp lớn hơn giá trị ngôi nhà của họ và hiện giá nhà còn có nguy cơ giảm nữa. "Tài sản âm" - giá trị tài sản xuống thấp hơn số tiền vay, có thể khoá chân các chủ hộ và khiến họ khó chuyển sang một việc làm mới. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, những người đang mắc nợ gia sản khó thay đổi nghề nghiệp hơn những người khác.

 

Các chính phủ châu Âu, ít nhất là tới thời điểm này, đã rất cố gắng để tránh những lỗi lầm của những năm 1970 và 1980. Như Stefano Scarpetta của OECD chỉ ra, các chính sách hiện nay được vạch ra để giữ mọi người làm việc thay vì khuyến khích họ rời bỏ lực lượng lao động. Một số quốc gia, từ Tây Ban Nha tới Thuỵ Điển, đã tạm thời cắt giảm khoản đóng góp bảo hiểm xã hội để giảm chi phí lao động.

 

Một nhóm lớn các quốc gia, gồm cả Áo, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hungary, Italia, Tây Ban Nha đã khuyến khích các công ty rút ngắn ngày làm trong tuần hơn là sa thải lao động bằng cách tăng lương cho những lao động làm việc ít giờ.

 

Anh lại áp dụng một cách thức khác. Thay vì can thiệp để giữ mọi người tiếp tục công việc hiện thời của họ, chính phủ nước này tập trung vào việc ngăn chặn tình trạng thất nghiệp dài hạn với một gói trợ cấp nhằm khuyến khích các chủ lao động thuê, đào tạo những người đã mất việc làm trong hơn 6 tháng.

 

Trong số các chính phủ của những nước giàu có, Nhật là nơi hành động mạnh nhất. Buộc phải đối phó với thực tế xấu về thị trường lao động, nước này cố gắng thử một chính sách pha trộn. Năm ngoái, Nhật khuyến khích thuế cho những công ty đưa nhân viên tạm thời thành nhân viên chính quy, một nỗ lực vô ích khi lợi nhuận hiếm và việc làm bị cắt giảm. Bộ Nông nghiệp Nhật đã đưa những người thất nghiệp vào sâu trong nội địa để làm ở các trang trại.

 

Gần đây, một chiến lược đầy tham vọng đã xuất hiện. Chính phủ Nhật đang cân nhắc rút ngắn thời gian làm việc tối thiểu với những người đủ tư cách nhận trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, lao động mới bị nghỉ việc sẽ được vay 6 tháng tiền nhà và chi phí sống.

 

Chính phủ cũng trả tiền cho các chủ doanh nghiệp nhỏ để những lao động bị sa thải có thể tiếp tục ở lại khu nhà của công ty, trả tiền cho các doanh nghiệp thuê lại những người bị sa thải và trợ cấp cho những ai muốn khởi động công việc kinh doanh mới.

 

Liệu những chính sách trên có đủ hay không thì còn phải phụ thuộc vào diễn biến của cuộc suy thoái. Nhìn chung, những chính sách đó liên quan tới nhau, được áp dụng với hy vọng suy thoái sẽ sớm qua và giai đoạn tái cơ cấu công nghiệp tiếp theo sẽ ở mức vừa phải. Các chính trị gia dường như hy vọng về viễn cảnh tươi sáng nhất sẽ diễn ra. Tuy nhiên, với tốc độ suy thoái hiện nay của các nền kinh tế, họ nên chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ nhất.

(Theo VNN)

  • Khủng hoảng toàn cầu: Tai họa bắt đầu tư đâu?
  • Eurozone: Tháng 2, 300.000 người mất việc làm
  • Khủng hoảng tài chính toàn cầu và vai trò của chính sách kích cầu
  • Làn sóng thứ hai của cuộc khủng hoảng tài chính
  • Dân châu Âu phẫn nộ vì suy thoái kinh tế
  • Hàn Quốc: Tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục từ 2005
  • EU cam kết chi hơn 100 tỷ USD cho Quỹ cứu trợ khủng hoảng kinh tế của IMF
  • Thị trường lao động toàn cầu sẽ đi về đâu ?
  • Thất nghiệp cao, Australia giảm lao động nhập cư
  • Nhu cầu trong nước giúp Việt Nam giảm ảnh hưởng xấu của khủng hoảng kinh tế
  • Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Năm 2010: Việt Nam sẽ phục hồi đà tăng trưởng
  • Khủng hoảng kinh tế và vai trò của đầu tư
  • Tình trạng thất nghiệp tại 15 nước
  • Hai cách nhìn về nguyên nhân khủng hoảng
  • IMF thừa nhận sai lầm trong cảnh báo khủng hoảng tài chính