Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kỹ năng thương lượng (12): Kiểm tra hiệu suất làm việc

 Sau khi đã thống nhất về mục tiêu cũng như đã lên kế hoạch để đạt được mục tiêu ấy, bạn cần đảm bảo rằng nhân viên của mình thực hiện theo đúng kế hoạch ấy để mọi việc không bị chệch hướng. Bất cứ điều gì bạn có thể làm để thúc đẩy nhân viên cũng sẽ mang lại những lợi ích rõ rệt.


Vào một thời điểm xác định, bạn và nhân viên cần ngồi lại cùng nhau để đánh giá mức độ thực hiện xét theo các mục tiêu đã định. Sau đó bạn sẽ nói về các mục tiêu mới. Đây là kết thúc tự nhiên của một chu kỳ quản lý hiệu suất làm việc và bắt đầu cho một chu kỳ mới. Tuy nhiên, giữa những điểm bắt đầu và kết thúc này, bạn có nhiều cơ hội để can thiệp tích cực thể hiện qua những lần kiểm tra định kỳ.


Trong thực tế, những lần kiểm tra tiến độ theo định kỳ có ý nghĩa quan trọng vì ba lý do: (1) nhắc nhở nhân viên về mục tiêu và tầm quan trọng của mục tiêu; (2) tạo cơ hội để bạn đưa ra ý kiến phản hồi tích cực về những phần việc mà nhân viên đã thực hiện xuất sắc; và (3) giúp bạn phát hiện những rắc rối nhỏ trước khi trở thành vấn đề nan giải. Những vấn đề này, dù lớn hay nhỏ, là thiếu sót về hiệu suất làm việc. Đó là sự chênh lệch giữa hiệu suất làm việc hiện tại với những gì được yêu cầu. Sau đây là một ví dụ:


Scott - một nhân viên phân tích chứng khoán của một hãng môi giới - làm việc khá hiệu quả trong vai trò của mình. Tuy nhiên, những người phải phụ thuộc vào dữ liệu và phân tích của Scott đã nhận thấy có một khoảng cách giữa hiệu suất làm việc của anh và yêu cầu công việc. Cụ thể là các báo cáo của Scott thường được tổ chức rất kém và không đưa ra được kết luận rõ ràng. Một nhà môi giới đã từng than phiền: "Khi đọc báo cáo của anh, tôi không hiểu được mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu. Thậm chí, tôi cũng không biết liệu có phải là anh đang viết về vấn đề này không?".


Công việc của nhà quản lý là xác định những thiếu sót về hiệu suất làm việc tương tự như ví dụ trên và hợp tác với nhân viên để loại bỏ thiếu sót đó.


Dĩ nhiên con người không phải là chiếc đồng hồ để bạn có thể hẹn giờ rồi để nó tự hoạt động. Thay vào đó, bạn cần quan sát chất lượng hiệu suất làm việc và đưa ra phản hồi về những gì đang diễn tiến hiệu quả và không hiệu quả. Điều này đặc biệt quan trọng trong một môi trường làm việc luôn thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Nếu một nhân viên đi chệch hướng, bạn phải phát hiện trước khi nhân viên đó đi quá xa mục tiêu để có những hành động điều chỉnh hoặc thay đổi kịp thời. Chương này sẽ hướng dẫn bạn cách làm việc với nhân viên để kiểm tra hiệu suất làm việc và nhận biết những thiếu sót khi vấn đề vẫn còn chưa trầm trọng, đồng thời tìm căn nguyên của nó.


Nguồn: Kỹ năng thương lượng  - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

  • Kỹ năng thương lượng (1): Lời giới thiệu
  • Kỹ năng thương lượng (2): Tạo động lực làm việc
  • Kỹ năng thương lượng (3): Mục tiêu
  • Kỹ năng thương lượng (4): Phần thưởng
  • Kỹ năng thương lượng (5): Mục tiêu và hoạt động
  • Kỹ năng thương lượng (6): Để việc thúc đẩy động lực làm việc trở nên hiệu quả
  • Kỹ năng thương lượng (7): Các đặc điểm của mục tiêu hiệu quả
  • Kỹ năng thương lượng (8): Vượt qua nỗi sợ hãi
  • Kỹ năng thương lượng (9): Ba sai lầm cần tránh
  • Kỹ năng thương lượng (10): Trao quyền chứ không quản lý vi mô
  • Kỹ năng thương lượng (11): Chuyển mục tiêu thành văn bản
  • Kỹ năng thương lượng (12): Kiểm tra hiệu suất làm việc
  • Kỹ năng thương lượng (13): Quan sát và thu thập dữ liệu
  • Kỹ năng thương lượng (14): Chuyển từ quan sát sang thảo luận
  • Kỹ năng thương lượng (15): Biết lắng nghe