Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hưng Yên: Giải pháp nào để phát triển thị trường bán lẻ?

Trong nền kinh tế hội nhập hiện nay hoạt động bán lẻ ngày càng có vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo đảm lưu thông hàng hóa ổn định, lành mạnh. Xây dựng và phát triển thị trường bán lẻ đã và đang trở thành một dạng thức kinh doanh mang tính cạnh  tranh cao.

Theo báo cáo của Cục thống kê tỉnh, đến hết tháng 11. 2008, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ước đạt  trên 5.810 tỷ đồng, tăng 25,08% so với cùng kỳ năm trước và đạt 96,84% kế hoạch năm. Một số nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn và mức tăng cao so với cùng kỳ như: nhóm hàng lương thực, thực phẩm; nhóm hàng may mặc, xăng dầu, gỗ và vật liệu xây dựng. Nhìn chung, trong năm qua, hệ thống bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã phát triển trên cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Mạng lưới bán lẻ đã được mở rộng và tăng cường ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và thị tứ; nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn ra đời, hệ thống các cửa hàng bán lẻ và hệ thống chợ được đầu tư xây dựng quy mô, hiện đại... Với trên 90 chợ truyền thống, hàng trăm đại lý và tổng đại lý, hàng chục siêu thị, trung tâm thương mại và hàng vạn hộ kinh doanh cá thể tham gia bán buôn, bán lẻ hàng hóa. Riêng hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị chiếm trên 60% thị phần bán ra, cửa hàng bán lẻ chiếm khoảng 30%, phần còn lại do các doanh nghiệp sản xuất tự phân phối bảo đảm tiêu thụ hầu hết hàng hóa sản xuất trong tỉnh, góp phần kích cầu cũng như phục vụ đời sống của nhân dân trong tỉnh, điển hình như: Siêu thị Phương Hải, Siêu thị Minh Phương (Yên Mỹ), Siêu thị Hapro Hưng Yên, Trung tâm thương mại Lợi Mận, Trung tâm thương mại Hào Huệ (thị xã Hưng Yên)...

Tuy đã có sự phát triển đa dạng nhưng nhìn chung hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh, phát triển chưa bền vững, quy mô và hạ tầng phân phối chưa bảo đảm, phương thức bán lẻ lạc hậu (90% bán lẻ theo phương thức truyền thống), hệ thống thông tin thị trường chưa phát triển, quan hệ giữa nhà bán lẻ và người tiêu dùng còn lỏng lẻo, vì vậy nguồn hàng cho thị trường bán lẻ không ổn định, dễ bị tác động của giá cả thị trường và những đột biến về quan hệ cung – cầu trong nước. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên còn yếu về nội lực, nguồn nhân lực bán lẻ đều chưa qua đào tạo vì vậy thiếu tính chuyên nghiệp trong quản lý và kinh doanh. Trật tự thị trường và các hình thức văn minh thương mại còn hạn chế, kỷ cương pháp luật trong kinh doanh chưa nghiêm.  Trong hệ thống phân phối còn nhiều cấp trung gian, nhiều đầu mối bán buôn, bán lẻ nên hàng hóa đến các cửa hàng bán lẻ với giá cao mà người tiêu dùng phải gánh chịu sự tăng trưởng của thị trường bán lẻ chủ yếu phát triển ở thị xã, thị trấn, thị tứ, trong khi thị trường nông thôn chiếm gần 80% số dân lại chậm được đầu tư.

Theo cam kết khi gia nhập WTO, từ ngày 1.1.2009, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài vào khai thác và hoạt động. Điều này sẽ tạo sức ép cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Với vị trí địa lý cận kề thủ đô Hà Nội, thị trường bán lẻ của tỉnh ít nhiều bị ảnh hưởng, đặc biệt là ở các địa bàn như Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào... Thiết nghĩ, để đẩy mạnh phát triển thị trường bán lẻ trong tỉnh, giải pháp hàng đầu là tổ chức và tăng cường quản lý nhà nước đối với hệ thống bán lẻ, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn. Bên cạnh đó cần nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển thị trường nội địa, tiến tới xây dựng những doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ có mạng lưới rộng, phát triển nhanh, đổi mới và hoàn thiện phương thức kinh doanh theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh. Trong xu thế hiện nay, phương thức bán lẻ truyền thống có thể bị thu hẹp nhưng chợ vẫn là kênh mua sắm chủ yếu của người dân do đó cần tập trung phát triển hình thức bán lẻ truyền thống trên cơ sở củng cố, đổi mới, nâng cấp phát triển mạng lưới chợ, đồng thời quy hoạch đất xây dựng chợ, trung tâm điều phối bán lẻ. Đặc biệt, muốn tăng nội lực, các doanh nghiệp bán lẻ cần hợp tác liên kết, từng bước xóa bỏ cung cách kinh doanh nhỏ, có bước đi thích hợp tạo điều kiện sáp nhập doanh nghiệp bán lẻ nhỏ với doanh nghiệp bán lẻ lớn, cùng phát triển. Các doanh nghiệp bán lẻ trong tỉnh cũng cần phải có ý thức xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ bán hàng, phương thức kinh doanh tiên tiến, phong cách bán hàng văn minh. Đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu, phối hợp với các nhà sản xuất cung ứng hàng hóa ổn định, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất phát triển.

(Theo Báo Hưng Yên)

  • Sớm có các tiêu chí cấp phép cụ thể
  • Vẫn có những “rào cản” cho doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài
  • Mở cửa thị trường bán lẻ : NTD hưởng lợi !
  • Liệu có quá bi đát khi mở cửa thị trường bán lẻ?
  • Tính đến ngày 25/12, chưa có thêm doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam
  • Thị trường bán lẻ, giờ G và giải pháp
  • Thị trường bán lẻ: Lo nhà đầu tư nước ngoài lách luật
  • Thị trường bán lẻ Việt Nam: "Giờ G" sắp điểm!
  • Hệ thống phân phối bán lẻ Ngành giấy: Cạnh tranh kém, mất thị phần
  • Chưa mở cửa bán lẻ một số mặt hàng
  • Doanh nghiệp bán lẻ chủ động trên "sân nhà"
  • Hưng Yên: Giải pháp nào để phát triển thị trường bán lẻ?
  • Thị trường bán lẻ trước giờ G, Bài 1: Sẵn sàng “đối đầu”
  • Thị trường bán lẻ còn nhiều thách thức
  • Mở cửa thị trường bán lẻ: Chạy đua... hơi chậm