Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới quyết tâm đưa ra một thoả ước ở Copenhagen (Đan Mạch) về cắt giảm khí thải và chống biến đổi khí hậu, thành phố Korba và bang Chhattisgarh ở miền trung Ấn Độ đang là trung tâm của sự giằng co giữa một bên là các ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế và một bên là các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
![]() |
Mỏ Gevra ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ là mỏ than đá lộ thiên lớn nhất châu Á. Ảnh: Reuters |
Ở Korba – thành phố mỏ lớn nhất Ấn Độ, phủ khắp trên cây cao và những mái nhà là bụi than mịn. Đó là khói bụi phun ra từ vô số mỏ than và các nhà máy điện trong khu vực. Ô nhiễm, nhưng thành phố này không còn lựa chọn nào khác vì than và điện sản xuất từ đây đang cung cấp năng lượng cho hàng trăm nhà máy ở khu vực công nghiệp phía tây Ấn Độ, và thắp sáng hàng triệu hộ gia đình.
Rẻ nhưng ô nhiễm
Trữ lượng than đá của Ấn Độ đang chiếm 10% trữ lượng than đá thế giới, đứng sau Mỹ, Nga và Trung Quốc. Nhưng các nguồn than trong nước hầu hết được huy động cho nhiệt điện nên nước này phải nhập khoảng 70 triệu tấn than chất lượng cao trong năm nay để phục vụ công nghiệp luyện thép.
Ấn Độ đã công bố kế hoạch tập trung phát triển năng lượng thay thế, nhưng các mỏ than đá của nước này về lâu về dài vẫn là nguồn cung năng lượng chính. Lý do là hơn một nửa trong 1,1 tỉ dân của Ấn Độ hiện chưa được dùng điện, và tình trạng đói nghèo ở nông thôn lại quá phổ biến nên phần lớn người dân không thể chi trả cho điện giá cao được sản xuất từ các nguồn năng lượng thay thế. Theo ông Sunita Narain, thành viên của hội đồng Biến đổi khí hậu của Thủ tướng Ấn Độ, than đá gần như là nguồn năng lượng duy nhất đáp ứng được yêu cầu sản xuất điện quy mô lớn và có giá rẻ phục vụ hàng trăm triệu người dân vốn vẫn đang có mức sống rất thấp.
Năm năm tới Ấn Độ sẽ tăng sản lượng điện thêm 78,7 gigawatts (tính đến cuối tháng 3.2012), hầu hết vẫn sẽ là nhiệt điện than đá, nguồn điện đang chiếm đến 60% tổng sản lượng điện toàn quốc. “Nhiệt điện than đá sẽ còn tồn tại ít nhất 20 – 25 năm nữa”, ông R.D Sonkar, kỹ sư trưởng của một nhà máy nhiệt điện ở Korba, cho biết.
Tăng trưởng và môi trường
Trong khi các công ước và nghị định quốc tế về chống biến đổi khí hậu đã bắt buộc các nước giàu phải thực hiện việc giảm thải khí nhà kính, Ấn Độ cũng như các nước đang phát triển khác chưa phải thực hiện việc này. Nhưng là nước xả khí thải nhà kính nhiều thứ tư trên thế giới, Ấn Độ vẫn đang đứng trước áp lực phải giảm thiểu ô nhiễm để đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Hôm 3.12, Chính phủ Ấn Độ đưa ra mục tiêu sẽ nỗ lực để đến năm 2020 chỉ số carbon intensity – số lượng carbon dioxide (CO2) thải ra tính trên mỗi đơn vị đầu ra kinh tế – sẽ giảm 20 – 25% so với mức năm 2005.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn đang cần không chỉ điện, mà các nguồn năng lượng và tài nguyên khác để phục vụ sản xuất vì sự mở rộng của tầng lớp trung lưu nước này khiến nhu cầu về nhà ở, xe hơi, tivi, và nhiều loại hàng hoá khác tăng cao. Các chuyên gia cho rằng chính những thành phố mỏ như Korba đang đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực xoá nghèo ở Ấn Độ.
Làm thế nào để các nước đang phát triển như Ấn Độ giảm bớt việc sử dụng năng lượng hoá thạch mà không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng? Đó là một trong những vấn đề chính mà các nhà lãnh đạo thế giới đang sôi nổi bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Copenhagen trong hai tuần.
Than sạch và công nghệ cao
Điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối (biomass) mới chỉ đóng góp 8,8% tổng sản lượng điện của Ấn Độ. Các kế hoạch tăng sản lượng điện mặt trời lên mức 20 gigawatts vào năm 2022 thì còn tuỳ thuộc vào các nguồn tài chính và công nghệ của thế giới. Và ngay cả khi thực hiện được các dự án năng lượng thay thế, than sẽ vẫn chiếm 55% nguồn cung điện vào năm 2030, theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ.
Năm ngoái Ấn Độ đã ban hành chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu, chỉ rõ những nguồn năng lượng thay thế như điện mặt trời và việc sử dụng hiệu quả năng lượng là các yếu tố chính giúp triển khai hiệu quả các nỗ lực phòng chống biến đổi khí hậu. Vế thứ hai của chính sách dường như là giải pháp tốt nhất để đảm bảo vừa tăng trưởng vừa giảm phát thải khí nhà kính.
“Có nhiều quan tâm về than sạch và các công nghệ cực kỳ then chốt để tăng hiệu quả sử dụng, nhưng than vẫn là vấn đề then chốt”, ông Sunita Narain cho biết.
Còn theo ông Nitin Desai, một trong những người xây dựng chính sách khí hậu của Ấn Độ, cho biết: “Ấn Độ tập trung vào việc phối hợp nâng cao chất lượng than đá, tăng hiệu quả sử dụng than đá, cùng với việc sử dụng khí đốt, điện mặt trời và điện gió. Anh không thể ngay lập tức mà nói là tôi sẽ không sử dụng than – anh phải xem xét sự cân bằng của an ninh năng lượng”.
(Theo Hùng Khương // SGTT Online // Reuters)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com