Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ấn Độ: đem việc làm về nông thôn

Lakshmi H.S., 19 tuổi, đang kiểm tra các bản ghi về y tế tại trung tâm outsource của Công ty Rural Shore ở làng Bagepalli, Ấn Độ.

Nông thôn Ấn Độ - nơi sinh sống của 70% khối dân số 1 tỉ người - không chỉ là thị trường tiêu thụ hàng hóa giá rẻ mà còn là nguồn cung cấp lao động có chất lượng. Một số doanh nghiệp Ấn Độ đã bắt đầu đưa việc làm về nông thôn để tận dụng lợi thế đó.

Dưới ánh đèn neon, hàng tá mái đầu cúi xuống bàn phím, tiếng đánh máy tí tách, các màn hình chớp sáng với các biểu mẫu bảo hiểm, biểu tính thời gian, các e-mail khách hàng… - những công việc từ các nơi xa xôi liên tục được gửi đến thị trấn Bagepalli, một khu vực hẻo lánh của Ấn Độ - để được xử lý với giá rẻ.

Cảnh tượng như vậy có ở nhiều thành phố Ấn Độ, đặc biệt là ở các tụ điểm công nghệ cao như Bangalore mà tên tuổi gắn liền với cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã làm thay đổi nền kinh tế Ấn Độ và đưa đất nước này sang thời kỳ kinh tế tăng trưởng hai con số.

Nhưng đây là thị trấn Bagepalli nằm trong vùng nông thôn của bang nông nghiệp Karnataka miền Tây Nam Ấn Độ, nơi mà các doanh nhân đang thử nghiệm đem những công việc làm “gia công” (outsource) tới các vùng xa xôi nằm ngoài sự phát triển kinh tế nhanh chóng của đất nước Ấn Độ.

Trong một tỉ người dân Ấn Độ chỉ có khoảng một triệu người làm việc trong các trung tâm outsource, các công ty kỹ thuật mới - chỉ như giọt nước trong thùng nước - nhưng lại tượng trưng cho sự bùng nổ kinh tế của nước này.

Nhưng 70% dân số sống ở nông thôn và Ấn Độ chưa bao bao giờ đạt đến cấp độ công nghiệp hóa có thể lôi kéo số nông dân đông đảo ra thành thị. Truyền thống ưa chuộng lối sống thanh đạm ở nơi thôn dã theo kiểu ngài Gandhi càng khiến cho người dân Ấn Độ không muốn xa rời làng quê, nơi tập tục và đẳng cấp vẫn còn rất mạnh.

Một số nhà kinh tế cho rằng, muốn trở thành một cường quốc kinh tế và cung cấp việc làm cho số lượng lớn dân cư nông thôn đang thất nghiệp, Ấn Độ cần phải đô thị hóa nhanh chóng. Nhưng những người sáng lập Công ty Rural Shores, công ty đã lập ra các văn phòng làm “gia công” (outsourcing office) ở các vùng nông thôn, thì nghĩ ngược lại. Họ cho rằng đúng ra phải mang công việc về quê, nơi có nguồn nhân lực.

Ông G. Srinivasan, Giám đốc Công ty Rural Shores, nói rằng: “Chúng tôi nghĩ, tại sao lại không mang những công việc này về quê. Có rất nhiều người tài giỏi ở quê và chúng ta có thể huấn luyện để họ làm các công việc này”.

Vùng nông thôn Ấn Độ từng được xem là gánh nặng của nền kinh tế, là thành trì của tình trạng chậm tiến, thể hiện qua những vụ tự tử thường xuyên của nông dân - những người vất vả kiếm sống trên các cánh đồng khô hạn hay ngập lụt phụ thuộc vào các đợt gió mùa.

Nhưng các công ty Ấn Độ và nước ngoài đã nhìn thấy ở nông thôn Ấn Độ một thị trường hấp dẫn đối với các hàng hóa phổ thông như điện thoại di động công nghệ thấp, vật dụng bếp núc và xe gắn máy rẻ tiền (xem bài Doanh nghiệp Ấn Độ hướng tới người nghèo, TBKTSG số 46-2009, ngày 5-11-2009).

Và giờ đây, một số doanh nghiệp bắt đầu tìm kiếm ở khu vực nông thôn một nguồn cung cấp nhân viên văn phòng nhiệt tình và năng động. Công ty Rural Shores đã tuyển khoảng 100 thanh niên, phần lớn đã học xong bậc phổ thông, một số có bằng cao đẳng và tất cả đều đến từ các làng quê gần thị trấn. Ở thời điểm này, công ty đã có 3 trung tâm outsource và họ đặt mục tiêu lập 500 trung tâm ở khắp Ấn Độ trong vòng năm năm tới.

Phần lớn nhân viên của trung tâm là người đầu tiên trong gia đình được làm công việc văn phòng. Họ nói tiếng Anh không trôi chảy lắm, nhưng có đủ kỹ năng ngôn ngữ để nhập dữ liệu vào văn bản, đọc các biểu mẫu hoặc viết các thư điện tử đơn giản.

Nhờ tiền thuê địa điểm và lương nhân viên thấp hơn các trung tâm tương tự ở các thành phố, Công ty Rural Shores cho rằng họ có thể thực hiện công việc giống như nhiều công ty gia công khác với chi phí chỉ bằng một nửa. Ông Srinivasan nói rằng, một nhân viên ở thành phố Bangalore có kỹ năng tương tự với các nhân viên ở đây sẽ yêu cầu tiền lương khoảng 7.000 rupi một tháng (bằng 150 đô la Mỹ), nhưng ở các thị trấn nhỏ và làng quê thì tiền lương tháng khoảng 60 đô la Mỹ đã được coi là hậu hĩ.

Ở thị trấn Bagepalli này, văn phòng của Rural Shores hoạt động rộn ràng hai ca mỗi ngày. Một nhóm nhân viên chuyên trả lời e-mail khách hàng của một công ty thẻ của Ấn Độ; một nhóm khác xử lý các yêu cầu cho một công ty bảo hiểm. Trong một phòng khác, các nhân viên lưu lại dữ liệu từ các biểu thời gian của các tài xế xe tải ở Mỹ. Họ ghi lại các đêm nghỉ của tài xế tại Texas, giao hàng ở Kansas City và hỏng hóc ở Salt Lake City, tất cả các dữ liệu này được nhân viên giải mã và đưa vào cơ sở dữ liệu.

R. Saicharan, 24 tuổi, sinh viên mới tốt nghiệp ngành kinh doanh, vừa gõ phím, vừa giải thích: “Mỗi sáng chúng tôi lại tải về hình ảnh scan của các biểu thời gian này, và đến bảy giờ tối, chúng tôi phải nhập xong dữ liệu của khoảng 13.000 biểu như thế”. Những biểu thời gian này là của các tài xế Mỹ, và Công ty Rural Shores được thuê làm nhà thầu phụ cho một công ty gia công còn lớn hơn nữa ở Bangalore, đảm trách việc nhập dữ liệu. Trong việc giải mã chữ viết nguệch ngoạc trên bản ảnh quét của các biểu thời gian, hai mươi nhân viên trong nhóm của Saicharan đua nhau kiếm thêm tiền thưởng dành cho người đánh máy nhanh nhất.

Người thắng cuộc mới nhất là S. Karthik, một thanh niên 20 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học đã từng sống ở Bangalore nhưng cảm thấy cuộc sống thành phố quá chật vật và đắt đỏ. “Ở đây tôi có thể sống cùng với gia đình”, Karthik nói. Cũng giống như nhiều nhân viên ở đây, Karthik đang học thêm bậc cao đẳng theo phương thức học tập trực tuyến. Hầu hết bạn bè của cậu hoặc là chuyển đến thành phố Bangalore hoặc bị thất nghiệp. “Trước đây, không có việc làm cho người trẻ ở Bagepalli”, cậu nói.

Phần lớn nhân viên của Rural Shores là con cái của nông dân và thường là thế hệ đầu tiên học hết trung học. Đối với nhiều người, làm việc ở một trung tâm outsource là một cơ hội khó có thể thể tưởng tượng được. K. Aruna, 19 tuổi, sống với bà mẹ góa bụa và em gái trong một ngôi nhà hai phòng trên con đường lầy lội ở một ngôi làng nhỏ ngoại ô Bagepalli. Trước khi Aruna có việc làm ở trung tâm Rural Shores, gia đình cô sống dựa vào hai mẫu ruộng và hai con bò. Có khi họ không kiếm nổi 20 đô la mỗi tháng cho ba miệng ăn. Họ hiếm khi có tiền mua rau quả để bổ sung cho bữa ăn nghèo nàn gồm đậu lăn và bánh mì.

Giờ đây với công việc mới, Aruna có thể kiếm hơn 70 đô la Mỹ mỗi tháng. Gia đình cô đã mua được một cái tủ, chiếc váy mới và vài món trang sức. Khi cô về nhà với thẻ nhân viên đeo trên cổ, cả làng cô trố mắt nhìn. “Tôi là người duy nhất trong làng này làm công việc văn phòng. Tôi chưa bao giờ nghĩ chuyện này có thể xảy ra”, cô Aruna nói và chỉ vào đôi khuyên tai hình giọt nước mà cô vừa mới mua.

(Theo Phương Huỳnh // Thời báo kinh tế Sài Gòn // New York Times)

  • Singapore thoát khỏi suy thoái
  • Trung Quốc có nguy cơ thiếu năng lượng
  • Trung Quốc được lợi lớn từ vòng đàm phán Doha
  • 70% rác thải điện tử toàn cầu được chuyển đến Trung Quốc
  • Nhật Bản lại tung thêm gói kích cầu mới
  • Trung Quốc sẽ xóa bỏ các ngành công nghiệp lạc hậu
  • Trung Quốc sẽ trở thành Dubai thứ hai?
  • Sản lượng công nghiệp của Ấn Độ tăng liên tiếp