Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ấn Độ: ngành dịch vụ hỗ trợ tìm động lực mới

Các trung tâm dịch vụ khách hàng qua điện thoại (call centers) mang lại doanh thu và công việc làm cho các công ty IT Ấn Độ trong nhiều năm qua. - tinkinhte.com
Các trung tâm dịch vụ khách hàng qua điện thoại (call centers) mang lại doanh thu và công việc làm cho các công ty IT Ấn Độ trong nhiều năm qua.

Các công ty Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ (outsourcing) hy vọng chiến lược đa dạng hóa thị trường về địa lý sẽ giúp họ lấy lại động lực tăng trưởng sau một năm ảm đạm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đồng thời trở thành những đối thủ cạnh tranh nặng ký của các đại gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Điểm đến mới: các thị trường mới nổi

Chỉ cần nhìn vào lịch công tác của Chandrasekaran đã có thể cảm nhận được sự thay đổi của nền kinh tế Ấn Độ thời hậu khủng hoảng.

Từ tháng 10 năm ngoái, khi trở thành tổng giám đốc điều hành (CEO) của Công ty tư vấn Tata (TCS) - một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) Ấn Độ, Chandrasekaran đã nối lại nhiều chuyến công tác đến New York và London - “ngôi nhà” của các ngân hàng và các công ty hàng đầu thế giới thường chuyển giao các công việc liên quan đến IT cho các công ty ở Ấn Độ.

Thế nhưng những chuyến đi đến các nước phát triển vẫn chưa đủ để đưa TCS tăng trưởng và Chandrasekaran phải khai phá những thị trường mới mà trước đây được xem là không hiệu quả về chi phí đầu tư. Hiện nay, Chandrasekaran đã đến Bắc Kinh, Singapore và dự kiến sẽ sang Montevideo, São Paulo, Mexico City và Trung Đông trong đầu năm 2010.

Trường hợp của TCS phản ảnh một xu hướng mới trong ngành dịch vụ hỗ trợ của Ấn Độ vốn được hình thành và phát triển từ những lực lượng của quá trình toàn cầu hóa. Để tìm động lực tăng trưởng mới, các công ty này đang mở rộng hoạt động ra khỏi những thị trường truyền thống là các nước đã phát triển. Họ chuyển dần sang các nước đang triển, các thị trường mới nổi, thành lập các trung tâm lập trình, tìm kiếm khách hàng mới và tuyển dụng nhân tài địa phương ở nhiều thành phố trên thế giới, từ Santiago ở Chile cho đến Thành Đô, một thành phố ở miền Tây Trung Quốc.

Với chiến lược đa dạng hóa thị trường về địa lý, các công ty Ấn Độ hy vọng sẽ lấy lại động lực tăng trưởng sau một năm ảm đạm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đồng thời trở thành những đối thủ cạnh tranh nặng ký của các đại gia trong lĩnh vực IT như IBD, Accenture.

“Các công ty Ấn Độ nhận thức rõ rằng, muốn trở thành doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế thì phải mở rộng hoạt động sang các thị trường mới nổi”, Sangeeta Gupta, Phó chủ tịch Hiệp hội quốc gia Các công ty dịch vụ và phần mềm Ấn Độ (NASSCOM), có trụ sở ở New Delhi, giải thích.

Những động lực cho sự thay đổi

Xu hướng trên được thúc đẩy bởi hiện trạng của nền kinh tế toàn cầu khi Mỹ không còn là động lực tăng trưởng chủ yếu nữa. Những công ty hàng đầu trong lĩnh vực IT của Ấn Độ như TCS, Infosys Technologies và Wipro có được vị thế ngày hôm nay phần lớn là nhờ các công ty Mỹ đã quyết định chuyển giao cho họ thực hiện những hoạt động “không cốt lõi” như lập trình các hệ thống phần mềm, các trung tâm dịch vụ khách hàng qua điện thoại (call centers).

Việc tập trung vào khách hàng Mỹ đã từng đem lại cho các công ty IT Ấn Độ nhiều quả ngọt: doanh thu từ lĩnh vực này đã tăng từ 4 tỉ đô la Mỹ vào năm 1998 lên 59 tỉ đô la Mỹ vào năm tài chính kết thúc ngày 31-3-2009. Nhưng khủng hoảng đã làm hoạt động của các công ty này xuống dốc nghiêm trọng do các công ty ở Mỹ và châu Âu cắt giảm đầu tư công nghệ. Theo dự báo của NASSCOM, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực xuất khẩu IT và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác của Ấn Độ sẽ giảm xuống còn 7% trong năm nay so với 29% của năm tài chính 2007-2008.

Gupta của NASSCOM gọi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là một “bước ngoặt thay đổi” khiến các công ty Ấn Độ phải chuyển nhanh sang các thị trường có triển vọng tăng trưởng kinh tế cao hơn. K.R. Lakshminarayana, Giám đốc chiến lược của Wipro, cho biết do các nước phương Tây bị chìm trong suy thoái kinh tế, hai năm qua công ty của ông đã mở các trung tâm tác nghiệp mới ở Trung Quốc, Ai Cập và Philippines và đang mở rộng sang Brazil và Rumani.

Tuy vậy, khủng hoảng kinh tế không phải là động lực duy nhất thúc đẩy các công ty IT Ấn Độ tìm đến những thị trường mới. Các khách hàng đa quốc gia của các công ty Ấn Độ mở rộng hoạt động sang các nước đang phát triển nên họ cũng phải đi theo.

Mặt khác, các công ty Ấn Độ cũng tìm thấy khách hàng mới ở các thị trường mới nổi lên. Đó là những công ty lớn và các định chế tài chính đang muốn chuyên nghiệp hóa hoạt động của mình. Theo một nghiên cứu của NASSCOM và Công ty Tư vấn McKinsey, đến năm 2020, các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) sẽ tạo ra khoảng một phần tư doanh thu của ngành dịch vụ IT và hỗ trợ kinh doanh của thế giới.

Còn theo các số liệu của NASSCOM, doanh thu từ thị trường châu Á - Thái Bình Dương của ngành IT Ấn Độ đã tăng trưởng 42% mỗi năm trong giai đoạn 2004-2008 so với tốc độ tăng trưởng 29% từ thị trường Mỹ. Đó cũng là lý do khiến Infosys thay đổi mục tiêu về cơ cấu doanh thu trong tương lai, theo đó tỷ lệ doanh thu từ Mỹ sẽ giảm từ 65% xuống 40% trong khi tỷ lệ doanh thu từ Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Á sẽ tăng từ 12% lên 20%.

Không ít thách thức

Việc đưa hoạt động dịch vụ hỗ trợ sang các thị trường mới nổi không phải là điều dễ dàng. Nhu cầu đặc thù ở các thị trường này là một thách thức buộc các công ty Ấn Độ phải thay đổi cách kinh doanh. Mức lương của các lập trình viên có trình độ chuyên môn cao ở các nước mới nổi cũng khá thấp nên các công ty Ấn Độ không thể chỉ cạnh tranh dựa trên giá cả. Nhiều khách hàng ở các thị trường mới nổi lại đòi hỏi dịch vụ bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh. Để đáp ứng những nhu cầu này, các công ty Ấn Độ đang thành lập các trung tâm tác nghiệp ở nhiều nước trên thế giới và sử dụng lao động địa phương nhưng điều này đã dẫn đến những xung đột văn hóa nhất định.

Tuy nhiên, các rào cản nói trên đang dần được khắc phục. Từ khi mở những trung tâm tác nghiệp đầu tiên ở Trung Quốc và Uruguay vào năm 2002, doanh thu hàng năm của TCS từ Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương đã tăng từ 160 triệu đô la Mỹ lên 1,2 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 20% tổng doanh thu. “Các khoản đầu tư của chúng tôi ở các thị trường mới nổi đã đạt đến một quy mô đáng kể”, Chandrasekaran nói. TCS đang có kế hoạch tuyển dụng thêm khoảng 1.000 lao động ở Mỹ Latinh mỗi năm để bổ sung vào lực lượng 7.200 lao động hiện có ở thị trường này. Ở Trung Quốc, TCS cũng dự định sẽ tăng số nhân viên lên gấp năm lần, đạt con số 5.000 trong vòng năm năm tới.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // Time

  • Thái-lan tập trận "Hổ mang vàng 2010"
  • Trung Quốc-Venezuela hợp tác xây nhà máy lọc dầu
  • Trung Quốc có thể vượt Mỹ vào năm 2020
  • Những ngày đầu năm mới 2010: Thái Lan vực dậy nền kinh tế
  • Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ nhiều vàng nhất thế giới
  • Trung Quốc: Nước xuất khẩu lớn nhất thế giới
  • Nhật Bản sẽ bảo đảm vận tải hàng không bằng kênh ngoại giao
  • Hàn Quốc: Xây dựng thành phố mới Sejong