Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

APEC sẽ tiếp tục kích thích kinh tế

21 nước thành viên APEC đóng góp 54% tổng sản lượng toàn cầu và 44% thương mại thế giới. Ảnh internet

Các nhà lãnh đạo Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sẽ duy trì các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ cho tới khi bảo đảm sự phục hồi “bền vững” từ cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay.

Hội nghị thượng đỉnh 21 quốc gia thành viên APEC sẽ diễn ra tại Singapore trong các ngày 14-15 tháng này, nhưng bản dự thảo tuyên bố chung của hội nghị đã xác định như vậy, theo nguồn tin của hãng thông tấn Pháp AFP.

Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết sẽ tham dự hội nghị cùng với lãnh đạo các nền kinh tế lớn hai bên bờ Thái Bình Dương như Mỹ, Nhật, Trung Quốc…  

“Chúng tôi sẽ duy trì các chính sách kích thích kinh tế cho đến khi bảo đảm được một sự phục hồi bền vững”, bản dự thảo tuyên bố chung cho biết và nhấn mạnh rằng, “đà phục hồi kinh tế vẫn chưa có cơ sở vững vàng”.  

Từ khi nổ ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia đã đưa ra các gói kích thích kinh tế lớn. Chính phủ của Tổng thống Barack Obama – được biết sẽ tham dự hội nghị - hồi tháng 2-2009 đã ban hành gói kích cầu 787 tỉ đô la Mỹ và bơm hàng ngàn tỉ đô la khác vào hệ thống tài chính; kết quả, theo các nhà quan sát, đã tạo ra hoặc cứu được hơn 1 triệu công việc làm.

Tại châu Á, quy mô các biện pháp kích cầu đã vượt qua 1 ngàn tỉ đô la Mỹ, dẫn đầu bởi gói kích cầu của Trung Quốc trị giá 4.000 tỉ nhân dân tệ (587 tỉ đô la Mỹ). Theo giới phân tích, chính biện pháp kích thích mạnh mẽ này đã giúp các nền kinh tế châu Á chống đỡ với khủng hoảng tốt hơn Mỹ và châu Âu.

Giờ đây khi cuộc khủng hoảng có vẻ như đã chấm dứt, đã có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải “rút lại” các biện pháp kích thích đã ban hành để tránh tình trạng bong bóng tài sản. Tuy vậy, theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long – chủ trì hội nghị APEC lần này – tiến trình rút lại các gói kích cầu để nhường đường cho sự tăng trưởng do khối doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt cần phải được xem xét và thực hiện một cách cẩn thận.  

“Chính xác khi nào thì rút lại các biện pháp này… làm thế nào cân bằng rủi ro giữa việc rút lại quá sớm các biện pháp kích cầu và việc duy trì chúng quá lâu… đó là những vấn đề cần phải được thảo luận kỹ giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước thành viên APEC”, ông Lý nói.  

Ngoài lĩnh vực kinh tế, hội nghị thượng đỉnh APEC cũng sẽ thảo luận những vấn đề toàn cầu khác như môi trường và biến đổi khí hậu, tự do thương mại v.v... 

(Theo Thái Bình // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Philippines: Bão và hạ tầng
  • Hàn Quốc: Bất ổn về thặng dự thương mại được xoa dịu
  • Ngân hàng Trung Quốc và “cuộc chiến âm thầm” với tiền nóng
  • Hạn hán nghiêm trọng lan rộng khắp Trung Quốc
  • Thái Lan muốn trao quyền tự trị cho ba tỉnh miền nam
  • Kế hoạch mới để hạ nhiệt cuộc chiến ở Afghanistan
  • Khủng hoảng, cơ hội cho kinh tế Trung Quốc
  • Tổng thống Nga, Mỹ cảnh báo không còn nhiều thời gian cho I-ran