Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bài học từ cuộc "cách mạng xanh" ở Thái Lan

Trước áp lực của việc gia tăng dân số, Chính phủ Thái Lan phải tìm cách đáp ứng đủ lương thực cho người dân và giải pháp lựa chọn là thực hiện cuộc “cách mạng xanh”. Đây có thể xem là một trong những yếu tố giúp nông nghiệp nước này tạo bước đột phá, trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Phép màu của "cách mạng xanh"

Nông dân Thái Lan cấy lúa.

“Cách mạng xanh” thực chất là hình thức hiện đại hoá và phát triển ngành nông nghiệp bằng cách áp dụng khoa học công nghệ nhằm đạt tốc độ tăng trưởng cao. ở Thái Lan, sản lượng lương thực tăng đáng kể nhờ các yếu tố: diện tích canh tác tăng từ 3 triệu hécta (1979-1981) lên 4,9 triệu hécta năm 2002, tương đương 63%. Lượng phân bón tăng 89%, từ 18kg/ha lên 107kg/ha. Vấn đề cơ giới hoá nông nghiệp được chú trọng, cơ khí hoá được đẩy mạnh từ 1,1 máy kéo/1.000ha lên 13,9 máy/1.000ha. Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác như nông dân sử dụng các giống cây trồng biến đổi gien, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả.

Nhờ năng suất nông sản tăng cao, nhu cầu lương thực của người dân được đáp ứng, mức tiêu thụ thực phẩm theo đó tăng lên từ 2.260 kilocalo/ngày/người (1979-1981) lên 2.450 kilocalo (năm 2002).

Mục đích ban đầu của cuộc “cách mạng xanh” là đáp ứng nhu cầu lương thực cho người dân, nay đã có những kết quả ngoài mong đợi, đưa Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với 1/3 sản lượng thu được, khoảng 6,9 triệu tấn.

Ngoài ra, Thái Lan còn nổi tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu cao su và dứa đóng hộp.

Những thành tựu trên chính là kết quả của việc đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy ngành công nghệ hoá thực phẩm phát triển theo hệ thống khép kín từ sản xuất tới chế biến, xuất khẩu. Vùng chuyên canh xuất hiện ngày càng nhiều, có kho trữ hàng riêng; nhà máy sản xuất với dây chuyền hiện đại; nông dân trồng một loại nông sản, thu hoạch, chế biến, đóng gói và xuất khẩu.

Những mặt trái

Thành quả của cuộc “cách mạng xanh” ở Thái Lan là không thể phủ nhận nhưng nó cũng tồn tại một số hạn chế. Không phải tất cả các vùng đều được hưởng lợi như nhau; miền Trung và Nam Thái Lan được hưởng lợi nhiều nhất từ công cuộc hiện đại hoá nông nghiệp. Đây là hai vùng sản xuất lớn, miền Trung áp dụng thâm canh, miền Nam áp dụng nông nghiệp thương mại (toàn bộ diện tích được trồng một loại cây, trang bị hệ thống chế biến, đóng gói để xuất khẩu). Trái lại, nông dân phía Bắc không được hưởng lợi là bao bởi họ áp dụng hình thức quảng canh, nên sản lượng không cao, gần như chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong vùng.

Một hạn chế nữa là, cuộc “cách mạng xanh” không đến được với tất cả nông dân: nhà xuất khẩu lớn bao giờ cũng được hưởng lợi nhiều nhất. Và nó mới chỉ thúc đẩy sản xuất lúa gạo chứ chưa phải toàn bộ ngành nông nghiệp. Ngoài ra, do người dân tiêu thụ chủ yếu là lúa gạo, tuy rẻ nhưng lại thiếu nguồn protein động vật nên tình trạng suy dinh dưỡng ở Thái Lan khá phổ biến.

Hạn chế lớn nhất của cuộc cách mạng này chính là vấn đề môi trường. Chất lượng đất xuống cấp, cạn kiệt do khai thác quá mức cho phép, dẫn đến tình trạng bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp. Vi khuẩn có ích, các nguyên tố vi lượng trong đất giảm mạnh sau mỗi vụ thu hoạch. Các sản phẩm hoá học (phân bón, thuốc trừ sâu) gây ô nhiễm nguồn nước. Mực nước ngầm bị khai thác quá mức, khiến tình trạng nước biển xâm lấn, đất nhiễm mặn trở nên cằn cỗi, đa dạng sinh thái phần nào bị phá huỷ. Những hạn chế này đã khiến nhiều chuyên gia cảnh báo, Thái Lan cần tính tới chính sách nông nghiệp bền vững hơn là chú trọng tăng sản lượng.

(Theo Hải Giang // Kinhtenongthon // ThaiAgrinews)

  • Châu Á - thị trường hàng không lớn nhất thế giới
  • Dân Trung Quốc tấp nập đi chợ Tết
  • Trung Quốc tăng cường tiềm lực quốc phòng
  • Trung Quốc “đau đầu” với xe đạp điện
  • Chảo lửa Pakistan
  • Trung Đông - Cơ hội kinh doanh sản phẩm nhà vườn cây cảnh
  • Trung Quốc và những mối lợi từ tự do thương mại
  • ASEAN sẽ thành nguồn cung nông sản sạch lớn