- Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Nhật Bản đã tuyên bố ngừng sứ mệnh tiếp nhiên liệu cho các tàu chiến của liên quân Mỹ và đồng minh ở Ấn Độ Dương, khi thời hạn kết thúc vào tháng 1-2010.
Quyết định trên được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản A-ki-hi-xa Na-ga-si-ma đưa ra trong cuộc họp báo ở Oa-sinh-tơn (Mỹ) ngày 14-10 vừa qua, ngay sau cuộc gặp với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, Tướng Giêm Giôn và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mai-cơn Mu-len. Đây là lần đầu tiên quyết định này được Nhật Bản thông báo chính thức cho Chính phủ Mỹ.
![]() | |
Tàu tiếp tế Tô-ki-oa thuộc lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật (phải) đang tiếp nhiên liệu cho một tàu khu trục của Pa-ki-xtan trên Ấn Độ Dương. Ảnh: Reuters |
Quyết định ngừng sứ mệnh quan trọng, Nhật Bản từng tiến hành từ năm 2001 đến nay để ủng hộ chiến dịch chống khủng bố của liên quân do Mỹ cầm đầu ở Áp-ga-ni-xtan - đã được dự báo từ nhiều tháng trước. Ngay từ tháng 11-2007, nó đã bị tạm ngừng một thời gian và chỉ được nối lại sau khi Quốc hội Nhật Bản thông qua một đạo luật mới về sứ mệnh này vào tháng 1-2008. Trong những tuần qua, nhiều bộ trưởng Nhật Bản cũng đã nói về việc nước này sẽ chấm dứt việc tiếp nhiên liệu và nhu yếu phẩm ở Ấn Độ Dương khi sứ mệnh này hết hạn. Đây là cam kết mà Thủ tướng Y-u-ki-ô Ha-tô-y-a-ma từng đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua. Đặc biệt ngay sau khi nhậm chức cách đây chưa đầy một tháng, Thủ tướng Ha-tô-y-a-ma đã tuyên bố để ngỏ về khả năng "xử lý" mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ theo hướng bình đẳng hơn, trong đó có vấn đề chấm dứt hay tiếp tục sứ mệnh quan trọng này.
Có thể nói, quyết định ngừng sứ mệnh trên của Nhật Bản là bước đi khó tránh khỏi. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi Chính phủ của Thủ tướng Ha-tô-y-a-ma rất khó yêu cầu Quốc hội Nhật Bản gia hạn sứ mệnh này khi liên minh cầm quyền giữa ba đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), Dân chủ Xã hội (SDP) và Nhân dân mới (PNP) không tìm được tiếng nói chung. Trong khi SDP đòi rút ngay binh sĩ Nhật Bản về nước, DPJ lại cân nhắc khả năng tăng viện trợ nhân đạo và giúp tái thiết Áp-ga-ni-xtan. DPJ cho rằng, việc ngừng hỗ trợ vật chất, tài chính đối với các hoạt động chống khủng bố do Mỹ đứng đầu ở Áp-ga-ni-xtan có thể là bước thụt lùi đối với hoạt động hợp tác quốc tế của Nhật Bản. Nếu DPJ không thực thi những nhượng bộ liên quan đến chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia có thể ảnh hưởng đến sự đoàn kết của liên minh ba đảng. Và đây sẽ là thách thức lớn đến sự tồn tại của Chính phủ liên hiệp do DPJ đứng đầu. Vì thế, quyết định trên là bước đi "cực chẳng đã" của nội các Nhật Bản trong bối cảnh hiện nay.
Quyết định của Nhật Bản ngay lập tức đã gây ra phản ứng khác nhau trong dư luận. Một số ý kiến bày tỏ lo ngại quyết định này sẽ ảnh hưởng tới quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết dự kiến có chuyến thăm Nhật Bản vào tuần tới. Mục đích chuyến thăm này là nhằm hối thúc Nhật Bản thực thi hiệp ước song phương về bố trí lại căn cứ Phư-tên-ma của lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ trên đảo Ô-ki-na-oa của Nhật Bản. Đặc biệt là chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 11 tới. Đây được xem là cơ hội để khẳng định lại cam kết mạnh mẽ đối với liên minh Mỹ - Nhật cũng như các thỏa thuận đạt được giữa hai Chính phủ. Trong đó, sứ mệnh gây nhiều tranh cãi này chắc chắn sẽ nằm trong chương trình nghị sự và là một trong những vấn đề quan tâm chung hàng đầu của hai bên trong cuộc gặp này.
Cho dù các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã đáp lại trong tuyên bố đầu tiên ngày 14-10 rằng "trên nguyên tắc Mỹ coi quyết định ngừng tiếp nhiên liệu ở Ấn Độ Dương là vấn đề của Nhật Bản" song có luồng dư luận cho đây là "bước lùi" trong quan hệ Nhật - Mỹ hiện nay. Giới phân tích từ Tô-ki-ô cho rằng, mặc dù chính quyền mới của Thủ tướng Ha-tô-y-a-ma đang hướng tới những bước đi "bình đẳng" hơn với Mỹ, song chắc chắn rằng quan hệ hợp tác giữa Tô-ki-ô và Oa-sinh-tơn, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng, vẫn tiếp tục được thúc đẩy trong tương lai.
(Theo Đình Hiệp // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com