![]()
Nông dân thu hoạch chè trong một trang trại trồng chè ở tỉnh An Huy, Trung Quốc |
Các quốc gia châu Á đang hạ dần các rào cản thương mại thế giới để giữ cho nền kinh tế ổn định.
Khủng hoảng kinh tế dĩ nhiên có tác động tiêu cực tới tự do thương mại. Khi số lao động thất nghiệp tăng cao trên khắp thế giới, các chính phủ đã tập trung nhiều vào việc bảo vệ các nền công nghiệp nội địa hơn là thúc đẩy thương mại quốc tế. Nước Mỹ, căn bản là một nước ủng hộ nhiệt tình cho thị trường mở, cũng đã đưa điều khoản “Mua hàng Mỹ” vào gói kích cầu và trợ giúp cho nền công nghiệp xe hơi đang bầm dập bằng tài trợ của chính phủ. Mới đây nhất, Mỹ đã không ngần ngại áp thuế “trừng phạt” cao chót vót lên các mặt hàng ống thép và vỏ xe hơi nhập khẩu từ Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của “chủ nợ” lớn nhất của Mỹ, chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu của giới công đoàn. Mặc dù Hội nghị bộ trưởng thương mại ở New Delhi (Ấn Độ) hồi đầu tháng Chín hứa hẹn sẽ khởi động lại các cuộc thảo luận bị đình trệ đã lâu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm đạt tới một sự đồng thuận toàn cầu về tự do thương mại, nhưng những sự khác biệt lớn tồn tại giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển tiếp tục gây khó khăn cho việc tiến tới một hiệp định chung.
Trong quá khứ, châu Á sản xuất cho Mỹ và châu Âu. Bây giờ thì châu Á sản xuất cho người châu Á |
Trong bối cảnh u ám này, châu Á - phần thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự sụp đổ của thương mại toàn cầu - đã tích cực mở rộng thị trường khu vực. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), số hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết giữa các quốc gia châu Á đã tăng từ 3 hiệp định năm 2000 lên 56 hiệp định vào cuối tháng 8 vừa qua. Mười chín trong tổng số 56 hiệp định thương mại tự do đó được ký giữa 16 nền kinh tế châu Á, một xu hướng có thể giúp cho khu vực này trở thành khối mậu dịch hùng mạnh.“Sự hội nhập của châu Á giống như một giấc mơ, nhưng giờ đây nó đã trở nên hiện thực hơn trước. Đang có một chuyển động về phía trước nhằm tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn ở châu Á. Động lực này đang rất mạnh mẽ” - ông Ganeshan Wignaraja, một nhà kinh tế của ADB, nhận xét.
Điều đó thể hiện rõ qua làn sóng các hiệp định thương mại nối kết các cường quốc khu vực. Tháng 8 vừa qua, chỉ trong một tuần, Ấn Độ đã ký 2 hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc và với 10 nước Đông Nam Á (ASEAN). ASEAN và Trung Quốc đã có kế hoạch thực hiện giảm thuế nhập khẩu vào năm 2010, theo một hiệp định thương mại tự do ký kết năm 2004. Nhiều hiệp định khác cũng như vậy. Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) đặt ưu tiên trong chính sách của mình là đạt được một khung hợp tác kinh tế toàn diện với Trung Quốc đại lục nhằm làm cho hàng hóa Đài Loan nhập vào thị trường Trung Quốc được hưởng mức thuế thấp. Ông Yukio Hatoyama, tân Thủ tướng Nhật Bản, còn đề nghị tạo ra một đồng tiền chung của châu Á.
Những chính sách làm giảm thiểu các rào cản thương mại càng trở nên cấp bách hơn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Nỗi lo sợ người tiêu dùng Mỹ sẽ tiếp tục thắt lưng buộc bụng trong một thời gian dài nữa đã buộc các nhà hoạch định chính sách châu Á phải nhìn sang Trung Quốc, Ấn Độ và các nước láng giềng khác như là khách hàng cho hàng xuất khẩu của mình. Khi mạng lưới sản xuất châu Á đan quyện vào nhau, và khi các khách hàng châu Á trở nên giàu có hơn, thương mại khu vực trở nên hết sức cần thiết cho sự phát triển kinh tế trong tương lai. Buôn bán nội vùng giữa các nước trong khu vực năm ngoái đã chiếm tỷ lệ 57% trong tổng khối lượng thương mại của châu Á, tăng từ mức 37% năm 1980. Tổng thống Philippines, bà Gloria Macapagal Arroyo nói cách đây ít hôm rằng,“trong quá khứ, châu Á sản xuất cho Mỹ và châu Âu. Bây giờ thì châu Á sản xuất cho người châu Á”.
Tất nhiên, châu Á sẽ vẫn còn phụ thuộc vào việc bán hàng sang phương Tây. Nhưng các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp châu Á giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ bằng cách cho các công ty châu Á được hưởng ưu đãi khi bán hàng cho các công ty và các khách hàng châu Á khác.
56 hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia châu Á đang tồn tại tính đến tháng 8 năm nay |
Tuy nhiên, việc làm này cũng có thể mang lại những bất lợi. Các công ty bị gạt ra ngoài các hiệp định thương mại tự do khu vực - chẳng hạn như các công ty Mỹ - có thể gặp bất lợi khi cố thâm nhập vào các thị trường châu Á phát triển nhanh. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực cân bằng khoản thâm hụt khổng lồ của Mỹ với khoản tiền dành dụm khổng lồ của châu Á. Giáo sư Eswar Prasad, khoa Chính sách thương mại của Đại học Cornell, Mỹ, nguyên trưởng bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, nhận định, hiệp định thương mại tự do“tạo ra một sân chơi không bình đẳng với các ưu thế thuộc về các nước châu Á. Nếu như bộ phận phát triển năng động nhất của kinh tế toàn cầu hạn chế sự tiếp cận của Mỹ, điều đó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình tái cân bằng kinh tế thế giới.”
Nhưng không phải ai cũng lo lắng. Giáo sư Richard Baldwin thuộc khoa Kinh tế thế giới tại trường Cao học Geneva, Thụy Sĩ, nói rằng, thuế nhập khẩu ở châu Á đã giảm xuống rất nhiều nên các lợi ích mà hiệp định thương mại tự do mang lại sẽ không đủ để tạo thêm lợi thế cho các công ty châu Á so với các đối thủ cạnh tranh bên ngoài các hiệp định này. Một số nhà phân tích cũng tin rằng, cuộc cạnh tranh về chính trị và kinh tế giữa các nước sẽ dựng lên những rào cản khác, ngăn cản khu vực này hình thành một khối thương mại châu Á thực sự. “Ý tưởng sẽ có một pháo đài châu Á là không đúng”, Vinod Aggarwal, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu APEC của trường Đại học Berkeley, California, nhận xét.
Mặc dù vậy, lợi thế từ sự hội nhập khu vực sâu rộng hơn có thể tỏ ra đủ mạnh để vượt qua các rào cản. Ông Wignanaja của Ngân hàng Phát triển châu Á tiên đoán rằng, châu Á sẽ trở thành khu vực thương mại tự do giống như Khu vực Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trong vòng 10 năm tới.“Ở châu Á, điều duy nhất mà mọi người đồng ý là kinh doanh. Cuối cùng thì chủ nghĩa thực dụng sẽ thắng” - ông nói. Nếu như vậy thì nền kinh tế thế giới sẽ không bao giờ giống như xưa nữa.
(Theo Phương Huỳnh // Diễn đàn doanh nghiệp // Time)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com