Công nhân vui mừng khi được tăng lương. Ảnh: TL |
Chi phí lao động ngày càng tăng khiến nhà sản xuất Trung Quốc đối mặt với thách thức chưa từng thấy, hoặc phải di chuyển vào sâu trong nội địa - những nơi ít đắt đỏ hơn - hoặc phải chuyển sản xuất sang các nước Đông Nam Á, và thậm chí có nguy cơ sụp đổ.
Các nhà sản xuất có lẽ đã lo lắng bởi báo cáo phát hành đầu tháng 5-2011 của tập đoàn tư vấn Boston (Mỹ) dự đoán khoảng cách tiền lương sẽ ngày càng thu hẹp giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm năm tới. Sự thay đổi này sẽ gia tăng số lượng sản phẩm “Made in USA” trên các kệ hàng ở Mỹ thay vì sản phẩm “Made in China”.
Những thách thức liên quan đến lao động tại Trung Quốc cũng có thể đe dọa đến vị trí “công xưởng thế giới” của nước này. Ngày càng nhiều nhà máy phải chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ, Việt Nam, Myanmar và Campuchia, những nước đang nỗ lực từng bước để thu hút thương mại và đầu tư.
Một giám đốc điều hành tại thành phố Jiaxing (tỉnh Chiết Giang) cho biết khoảng 90% trong số hơn 500 doanh nghiệp có mức lương cao nhất ở địa phương đã phải cố gắng xoay sở để tồn tại từ khi tiền lương bắt đầu leo thang năm ngoái và khoảng 10% phải ngừng kinh doanh.
Công ty sản xuất đồ chơi Lovely Creation của Đài Loan có hai nhà máy tại thành phố Ninh Ba (Chiết Giang) cho biết chi phí tiền lương và nguyên vật liệu đã tăng hơn 30% kể từ năm 2010. Các doanh nghiệp dệt may cũng phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Từ sau vụ đình công của công nhân nhà máy Foxconn hồi giữa năm 2010, lương tối thiểu đã tăng lên đáng kể và công nhân tiếp tục đòi tăng lương để bù đắp chi phí sinh hoạt tăng cao. Hầu hết chính quyền địa phương đã tăng lương tối thiểu cho công chức lên bình quân 20,6% trong quí 1.
Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham) trong báo cáo thường niên chỉ ra những thách thức về thiếu hụt nguồn lao động và chi phí tiền lương đang gia tăng. Những vấn đề này trở thành mối ưu tiên hàng đầu của các công ty hoạt động tại Trung Quốc. Khoảng 71% các nhà điều hành được AmCham phỏng vấn cho rằng lương tăng gây ra tác động tiêu cực hoặc dẫn đến thua lỗ cho công ty.
Một số doanh nghiệp hoạt động tại phía đông Trung Quốc đã phải tăng hơn 50% lương cho công nhân. Việc này cũng sẽ làm suy yếu khả năng tăng trưởng nhanh của Trung Quốc cũng như tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp Đài Loan và Hồng Kông, chiếm tỷ lệ tương đối cao trong số các nhà sản xuất tại Trung Quốc, đang gia tăng xu hướng hướng về Đông Nam Á.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính các ông chủ ở Trung Quốc sẽ phải trả thêm 1.500 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2011-2015 cho tiền lương. Tăng lương sẽ tăng tỷ trọng chi phí lao động trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 30% trong năm 2015. Báo.cáo của AmCham cũng cho biết thiếu hụt lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ trầm trọng hơn các nước còn lại của châu Á, khiến Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư mới.
Kết quả điều tra dân số mới nhất ở Trung Quốc công bố ngày 28- 4 do Cục thống kê quốc gia thực hiện dự báo tỷ lệ tăng dân số quốc gia giảm và tuổi thọ trung bình tăng lên. Những yếu tố nhân khẩu học này có thể sẽ tạo ra sự thay đổi cho các nhà sản xuất từng dựa vào lao động chi phí thấp của Trung Quốc trong quá khứ."Tăng lương không phải là sự thay đổi ngắn hạn mà trong thời gian dài" - Chủ tịch AmCham Christian Murck nói. "Nguyên nhân gốc rễ là do sự thay đổi trong cơ cấu dân số." Giai đoạn 2000-2010, tỷ lệ tăng dân số trung bình 0,57%/năm, giảm 0,5% so thời kỳ 1990-2000. Chi chi phí lao động ròng của Trung Quốc dự đoán tăng thêm 15% mỗi năm và sẽ ngang bằng với Mỹ vào năm 2015.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại Trung Quốc dù gặp nhiều khó khăn nhưng không phải không giải quyết được vấn đề. Do cơ sở hạ tầng còn yếu kém và quy mô thị trường nhỏ hơn, một số nước Đông Nam Á chưa thể có được chuỗi công nghiệp ổn định và bền vững như Trung Quốc. Nếu các nhà sản xuất di chuyển đến đây thì sẽ gặp những điều bất tiện và khó khăn đáng kể. Hơn nữa, năng suất lao động tại một số nước Đông Nam Á không thực sự cao, do vậy các nhà máy không thể đáp ứng yêu cầu vận chuyển nhanh với chất lượng cao nên khó cạnh tranh với Trung Quốc trong thời điểm hiện tại. Việc chuyển các nhà máy vào sâu trong nội đại cũng không hoàn toàn khả thi. Vì thế, các nhà sản xuất Trung Quốc đang thích ứng với sự thiếu hụt lao động và tiết kiệm chi phí cho quỹ lương bằng cách chuyển hướng sang công nghệ tự động để tăng năng suất lao động.
Đường lối phát triển kinh tế cho 5 năm tới được vạch ra trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc đề xuất tăng trưởng đồng bộ hóa kinh tế và thu nhập, kêu gọi đồng bộ giữa tỷ lệ tăng trưởng chi phí và năng suất lao động. Nhập khẩu máy móc và thiết bị tiết kiệm lao động bắt đầu tăng đáng kể từ nửa cuối năm 2010 và Trung Quốc hiện là khách hàng số một về thiết bị máy móc của các nhà xuất khẩu Nhật Bản. Đầu tư vào tài sản cố định trong phân xưởng tăng 35% từ mức 30% và năng suất lao động trong lĩnh vực sản xuất cũng tăng 10% trong thập kỷ qua.
Trong bối cảnh hiện nay, tăng năng suất lao động trở thành mục tiêu chính của các nhà sản xuất vì nếu năng suất không được cải thiện và tiếp tục nâng cao, doanh nghiệp Trung Quốc chỉ còn con đường rời khỏi cuộc đua khốc liệt trên thị trường toàn cầu.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // MarketWatch)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com