Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Con đường tơ lụa mới” ở Nghĩa Ô

Mối quan hệ “thu nhỏ” giữa Trung Quốc và thế giới Arập có thể được nhìn thấy ở Nghĩa Ô, nơi đang trở thành một trung tâm thương mại lớn với vô số mặt hàng Trung Quốc được bày bán cho giới doanh nhân Arập.

Ngày càng có nhiều cô gái Trung Quốc cải đạo sang Hồi giáo ở Nghĩa Ô. Ảnh: TL

Khói từ các ống tẩu và mùi thơm của thịt cừu nướng hoà lẫn vào nhau trong không khí mùa đông giá lạnh, trong khi những người đàn ông đang trò chuyện rôm rả bằng tiếng Arập trong tiếng nhạc du dương ngay dưới ánh đèn rực rỡ của các nhà hàng. Quang cảnh này thường được nhìn thấy tại bất cứ thành phố nào ở Trung Đông, nhưng hiện nay nó đang hiện diện ngay ở Nghĩa Ô, miền Đông Trung Quốc.

Đôi bên cùng có lợi

Là một thành phố có 2 triệu dân cách Thượng Hải 300km về phía nam, Nghĩa Ô hiện là một nút giao thông quan trọng của “con đường tơ lụa mới” giữa Trung Quốc và Trung Đông. Hàng năm, thành phố này thu hút trên 200.000 doanh nhân Arập.

Ashraf Shahabi, 29 tuổi, chủ nhân nhà hàng Al-Arabi, một trong hàng chục tụ điểm ăn uống dọc theo đường Exotic của Nghĩa Ô, nhận xét: “Trung Quốc đang trở nên dễ làm ăn hơn – những người không biết nói tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh vẫn có thể đến đây”.

Ben Simpfendorfer, kinh tế gia trưởng phụ trách thị trường Trung Quốc của ngân hàng Hoàng gia Scotland, cho biết: “Trong khi Mỹ và châu Âu siết chặt các quy định nhập cảnh sau các cuộc tấn công khủng bố 11.9, Trung Quốc vẫn cấp thị thực nhập cảnh dễ dàng hơn cho người Arập”.

Không chỉ thế, để thúc đẩy thị trường bán sỉ khổng lồ của thành phố, các quan chức Nghĩa Ô còn tạo thêm thuận lợi cho người Arập. Họ đã giúp xây dựng một thánh đường Hồi giáo, hỗ trợ các trường dạy tiếng Arập, và cho phép khoảng 3.000 người Arập thường trú tại thành phố.

Shahabi là một trong những người đã chứng kiến sự chuyển mình của Nghĩa Ô. Năm 2002, ông rời Jordan đến Nghĩa Ô để làm việc cho nhà hàng của người cậu ở đây, lúc bấy giờ là một trong số rất ít các cơ sở làm ăn của người Arập tại thành phố. Ông đã học tiếng phổ thông Trung Quốc, mở một công ty thương mại, và cưới vợ người Trung Quốc. Vợ ông đã cải đạo sang đạo Hồi.

Những thay đổi sau biến cố 11.9 đã tạo nên một làn sóng di chuyển của các doanh nhân. Người Afghanistan là những người đầu tiên đến Nghĩa Ô để tránh nguy cơ khủng bố, kế đó là những người Iraq muốn thoát khỏi tình trạng bạo lực của các cuộc nổi dậy và sự chiếm đóng của Mỹ.

Hàng gì cũng có

Theo ông Shahabi, con số doanh nhân từ các nước Arập đến Nghĩa Ô đã tăng lên cùng với sự gia tăng giá dầu và sức mua của người tiêu dùng ở Trung Đông.

Ông nói: “Tất cả là nhờ Futian” – tên gọi theo tiếng địa phương của thị trường bán sỉ hàng hoá đang phát triển mạnh ở Nghĩa Ô.

Thị trường này có phạm vi 4 triệu mét vuông và đang được mở rộng. Các quan chức Nghĩa Ô khoe rằng du khách phải mất đến một năm mới có thể đi thăm hết tất cả 62.000 sạp bán hàng ở đây, ngay cả khi chỉ dừng chân ở mỗi sạp ba phút.

Ông Shahabi nói: “Đây là thị trường lớn nhất trên thế giới. Chất lượng thì không cao lắm nhưng giá cả thì rất hấp dẫn.”

Trên một bích hoạ chào đón du khách đến Futian, người ta dễ nhận thấy hình ảnh những người đàn ông râu quai nón giắt thanh đại đao nơi thắt lưng bán các tấm da thú cho người Trung Quốc để đổi lấy những tấm lụa thêu. Tuy nhiên, ở đây có đủ mọi loại hàng hoá hiện đại để du khách tha hồ lựa chọn.

Ở Futian có hơn 1,7 triệu sản phẩm “made in China” được bày bán, từ đàn guitar Hawaii đến balô, lông mi giả đến máy nghe nhạc iPod giả, chảo rán không dính đến máy tính xách tay, và từ giày đế cao su dành cho phụ nữ đến các công cụ chạy bằng điện.

Bashar Wehebe, 28 tuổi, một thương gia người Lebanon, trong khi chờ xem mẫu mặt hàng muỗng đã nhận xét rằng không khí mua bán tại Futian giống như một siêu thị. Ông nói: “Nơi đây thực sự là một xứ sở của thương mại”.

Đây là lần thứ ba Wehebe mua hàng tại đây, và số lượng hàng ông mua cứ tăng dần sau từng chuyến. Lần này, ông dự định mua khoảng 500 món hàng chứa đầy ba container để mang về nước bán.

Nói chung, các doanh nhân nhờ các hướng dẫn viên và thông dịch viên – trong đó có nhiều người biết nói tiếng Arập – giúp họ tìm nguồn hàng và giao dịch với người bán.

Theo một khảo sát về lao động do một tờ báo thực hiện trong tháng 11.2008, hơn 60% doanh nghiệp ở Nghĩa Ô thuê nhân viên kinh doanh biết tiếng Arập.

Ma Chunzhen, lãnh tụ Hồi giáo do Bắc Kinh bổ nhiệm tại thánh đường ở Nghĩa Ô, nói: “Nhiều trường học ở Nghĩa Ô đang mở các lớp dạy tiếng Arập”.

Thánh đường này được xây dựng trên nền của một xí nghiệp mà chính quyền địa phương cấp cho cộng đồng Hồi giáo năm 2004, và sau đó một số người Trung Quốc theo đạo Hồi đã chi tiền để nâng cấp

Ông Chunzhen nói: “Lúc ban đầu, thánh đường chỉ có 100 người đến để cầu nguyện vào thứ sáu hàng tuần, rồi con số này tăng lên 1.000 và nay đã là 6.000. Quả là một sự tăng trưởng quá nhanh”.

Trong tác phẩm Con đường tơ lụa mới, ông Simpfendorfer đã phân tích mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và các nước Arập. Ông nói: “Ở Nghĩa Ô, người ta thấy rõ một thực tế là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Đông phụ thuộc rất nhiều vào thành quả của các doanh nhân”.

Ông nhận xét: “Có một xu hướng cho rằng tất cả các quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Trung Đông đều có liên quan đến dầu mỏ…, nhưng ở Nghĩa Ô thì điều đó không đúng”.


(Theo Trúc Thịnh /AFP/sgtt)

  • CIA tăng mạnh số lượng tình báo tại Afghanistan
  • Cung cấp tiền rẻ và sẵn như cho - Giải pháp kích cầu của Nhật
  • Châu Á sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2010
  • Nhật Bản có hơn 40.000 người trên 100 tuổi
  • Nhật có thể cấm tuyển lao động thời vụ
  • Trung Quốc sẽ tiếp tục là mục tiêu của chủ nghĩa bảo hộ?
  • Hàn Quốc sắp có “chung cư nông trại”
  • Dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản tăng cao kỷ lục