Cảnh giành nhau mua muối hôm 17/3 - Ảnh: AP. |
Sáng sớm 23/3, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết, nồng độ phóng xạ vượt giới hạn cho phép đã được phát hiện trong sữa tươi chưa xử lý và 11 loại rau củ, trong đó có bông cải xanh và cải bắp tại các khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Trong đó, sữa bị nhiễm phóng xạ được phát hiện tại tỉnh Ibaraki, còn bông cải xanh được phát hiện ở Fukushima.
Hôm 21/3, Bộ Y tế Nhật Bản cũng công bố phát hiện thêm nhiều loại rau bị nhiễm xạ tại nhiều nơi ở nước này. Các cuộc kiểm tra cho thấy, nồng độ phóng xạ vượt quá quy định ở hạt cải dầu, rau cải cúc và rau chân vịt.
Nhật Bản đã ra lệnh dừng việc xuất sữa và hai loại rau từ 4 tỉnh bị ảnh hưởng nặng sau trận động đất, gồm Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Gunma, do lo ngại các sản phẩm này có thể nhiễm phóng xạ từ nhà máy Fukushima số 1.
Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra nhiễm xạ các nguồn nước trên toàn quốc trong hai ngày 20 và 21/3 cũng cho thấy nước lấy từ vòi ở các tỉnh thành là Saitama, Chiba, Tokio, Kanagawa, Niigata và Yamanashi đều bị nhiễm phóng xạ iodine (i-ốt).
Nguồn nước ở Tochigi và Gunma nhiễm cả phóng xạ iodine và cesium. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, mức độ nhiễm xạ và hóa chất này nằm ở mức độ cho phép theo tiêu chuẩn của Ủy ban An toàn Hạt nhân.
Hôm 21/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định việc phát hiện phóng xạ trong thực phẩm của Nhật Bản là nghiêm trọng hơn dự đoán. Tổ chức này đang nghiên cứu về ảnh hưởng của các sản phẩm nhiễm xạ đối với sức khỏe con người.
Trung Quốc, Hàn Quốc và Philippines thông báo sẽ siết chặt kiểm tra thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản. Trong khi, Pháp đã thúc giục Ủy ban châu Âu áp đặt việc "kiểm soát mang tính hệ thống" đối với việc nhập khẩu các sản phẩm tươi sống từ Nhật.
Tờ Le Point của Pháp hôm 21/3 cho hay, sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, Pháp đang giảm dần nhập khẩu sản phẩm tươi sống từ Nhật Bản và từ nay, những lô hàng từ nước này nhập vào Pháp sẽ bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
Cuối tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã khuyến cáo kiểm tra nồng độ phóng xạ trên các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Nhật Bản. EU yêu cầu các nước thành viên phải kiểm soát và thông báo kịp thời cho cơ quan hữu trách của EU.
Hôm 22/3, Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết đã phát hiện nồng độ phóng xạ cao trong nước biển, cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 khoảng 1.000 m về phía Nam.
Nồng độ chất phóng xạ iodine 131 cao gấp 126,7 lần và cesium 134 cao gấp 24,8 lần so với tiêu chuẩn Chính phủ Nhật đề ra. Nồng độ cesium 137 cũng cao hơn 16,5 lần trong khi coban 58 thì thấp hơn mức chuẩn.
Không có mây phóng xạ
Hôm 22/3, phát biểu trong cuộc báo tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), đại diện Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) khẳng định không hề có mây phóng xạ trong khí quyển Trái Đất sau khi xảy ra tai nạn hạt nhân tại Nhật Bản.
Cũng theo WMO, chỉ có mức phóng xạ cao hơn bình thường ở tầng không khí thấp so với mặt đất. "Tình huống này hoàn toàn khác so với vụ Chernobyl. Không hề có xạ khí trong khí quyển trái đất", chuyên gia WMO khẳng định.
WMO cũng cho biết thêm, sự phát tán phóng xạ được hạn chế tại tầng rất thấp của khí quyển. Theo đó, các đợt gió từ phía Bắc tiếp tục đẩy lượng phóng xạ bị phát tán ra ngoài đại dương. Tuy nhiên, tình hình thời tiết có thể biến đổi trong những ngày tới.
Hiện tại, chính phủ Nhật Bản cùng với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế đang tiến hành mọi biện pháp nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những tác động xấu tới môi trường từ vụ tai nạn hạt nhân ở nước này.
Thiệt hại 235 tỷ USD
Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản hôm 22/3, thông báo đã có hơn 9.000 người thiệt mạng và 13.500 người mất tích trong thảm họa động đất, sóng thần vừa diễn ra. Nhà chức trách dự báo số người chết có thể vượt quá con số 18.000.
Trong khi đó, một phát ngôn viên cảnh sát tỉnh Miyagi, nơi bị thảm họa tàn phá nặng nhất, ước tính số người chết riêng tại khu vực này đã vượt quá con số 15.000. Hiện mới chỉ có 9.080 thi thể được cảnh sát Nhật tìm thấy.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), trận động đất và sóng thần đổ bộ vào vùng đông bắc Nhật Bản hôm 11/3 có thể gây thiệt hại lên tới 235 tỷ USD. Nhật Bản sẽ dành 12 tỷ USD trong ngân sách tài khóa hiện nay và có thể một số tiền lớn hơn trong ngân sách tài khóa tới cho hoạt động tái thiết.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân Nhật Bản giảm và hoạt động chế tạo ở nước này bị ngưng trệ trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến thương mại với các nước lân cận.
Giá chíp nhớ mà các công ty Hàn Quốc nhập từ Nhật Bản đã tăng 20% do hoạt động sản xuất bị gián đoạn, trong khi các nhà xuất khẩu ôtô Thái Lan có thể thiếu phụ tùng do Nhật Bản sản xuất trong tháng tới.
Tình trạng này có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới, vì vùng Đông Bắc Nhật Bản, tâm chấn của trận động đất, là nơi tập trung các cảng, nhà máy sản xuất thép, nhà máy lọc dầu, nhà máy điện hạt nhân và các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và ôtô.
Trung Quốc: Lại giành trả muối
Ngay sau khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc bác bỏ tin đồn về "năng lực chống xạ" của muối iodine, và cho biết sẽ đánh mạnh vào hành vi tích trữ muối nâng giá trục lợi, cơn sốt muối iodine lắng xuống, làn sóng trả muối lại dấy lên.
Theo báo chí địa phương, ở nhiều thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh và Quảng Châu, xuất hiện tình trạng đua nhau trả muối, sau khi biết được thông tin ăn muối iodine không có tác dụng chống phóng xạ hạt nhân.
Tại Hàng Châu, nhiều người dân đã mất cả ngày 17/3 để chờ mua muối tại các siêu thị, thì giờ lại mất thêm nửa ngày để xếp hàng trả muối. Khi không trả được, nhiều người đã gọi điện tới cơ quan vật giá khiếu nại.
Cục Vật giá tỉnh Quảng Đông cho hay đã nhận được 400 khiếu nại liên quan tới việc trả muối không thành. Tuy nhiên, theo một luật sư, việc cửa hàng từ chối nhận lại muối đã bán là điều chấp nhận được.
Trong lúc này, mức tiêu thụ muối tại một số tỉnh thành, khu vực ở Trung Quốc vẫn cao hơn bình thường. Cơn sốt muối iodine đã đẩy giá mặt hàng này tăng vọt ở nhiều nơi.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com