Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc gặp rắc rối

Các doanh nghiệp sở hữu nhà nước của Trung Quốc đang ngày càng gặp vấn đề, cả ở trong và ngoài nước.

 

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định không cho một công ty tư nhân Trung Quốc mưa cánh đồng phong năng gần một căn cứ quân sự Mỹ ở Oregon. Chưa bàn đến việc quyết định của tổng thống là đúng hay sai, thì việc này đã là một tiền lệ sẽ khiến các doanh nhân và giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại.

Ở phương Tây, nhiều công ty tốt nhất của Trung Quốc đang bị đối xử một cách đầy nghi ngại: Huawei, gã khồng lồ viễn thông, đã bị chặn trên một số thị trường ở Mỹ, và vụ Công ty dầu khí hải ngoại quốc gia Trung Quốc (CNOOC) muốn mua lại hãng Nexen của Canada đã làm bùng phát một trận bão. Mà không chỉ phương Tây, giới lãnh đạo Myanmar cũng đã quay lưng lại với các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Đằng sau sự nghi ngại là một nhận thức - được củng cố bởi sự tái nổi lên của các doanh nghiệp nhà nước (SOEs) của Trung Quốc - rằng công việc kinh doanh của Trung Quốc quá gắn với Đảng Cộng sản. Nhiều nước tin rằng chính tăng trưởng của SOEs đang giúp Trung Quốc vươn lên. Điều ngược lại mới đúng: SOEs đã kiếm chác nhiều từ sự tiến bộ của Trung Quốc. Và quan trọng hơn, các SOEs chắc chắn sẽ gây trở ngại trong tương lai.

Nhà nước phải rút lui

Trong những năm 1990, có một logic đằng sau sự thúc đẩy SOEs. Chứng kiến các tài sản nhà nước thời hậu Xô viết rơi vào tay các nhà tài phiệt, Trung Quốc đã xây dựng một nhóm chọn lọc gồm các SOEs được hưởng các khoản vay giá rẻ, đất đai và năng lượng, để sự giàu có vẫn thuộc về Đảng. Các công ty tốt nhất trong số này mang tầm cỡ thế giới.

Tổng lợi nhuận của Sinopec và China Mobile vào năm 2009 còn lớn hơn lợi nhuận của 500 công ty tư nhân lớn nhất Trung Quốc cộng lại. Các SOEs đóng góp rất nhiều vào việc vung tiền đầu tư - điều đã cứu nền kinh tế Trung Quốc khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và góp phần thực hiện lời kêu gọi "công trước, tư sau". Đảng đã khuyến khích việc củng cố các SOEs trong các ngành công nghiệp quan trọng, và bảo vệ họ khỏi sự cạnh tranh của bên ngoài.

Và nhà nước phải chịu hậu quả. Một nghiên cứu độc lập của Trung Quốc cho thấy nếu tất cả các trợ cấp của chính phủ và các khoản trợ cấp trá hình biến mất, SOEs sẽ mất tiền. Họ khó mà trả được lợi tức cho chính phủ. Đa số tài sản rốt cuộc làm giàu cho các lãnh đạo SOEs và giới chức chính trị, thường là con cháu các lãnh đạo. Tiền có thể đầu tư hiệu quả hơn nhiều nhưng lại được tái đầu tư vào SOEs, củng cố sức mạnh của chúng, và tăng tài sản của các ông chủ của chúng.

Sức mạnh của các SOEs đang làm hại các công ty nước ngoài ở Trung Quốc, vốn đang ngày càng bị đẩy ra ngoài rìa bởi các hàng rào quy định luật lệ. Ở nước ngoài, các SOEs cũng gây ra không ít vấn đề, không chỉ ở Mỹ. Giới lãnh đạo Myanmar đã quá chán cảnh vô số các SOEs Trung Quốc hoành hành trong nước mình - một lý do dẫn tới quyết định của họ gần đây là mở cửa với phương Tây. Quan trọng hơn cả, SOEs đang hủy hoại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc, vốn đang khát tiền đầu tư.

Con đường Trung Quốc đi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung đã chứng tỏ họ rất can đảm : cuối những năm 1990, cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ đã tấn công mạnh vào các SOEs yếu kém nhất. Nhưng hơn một thập kỷ sau đó, đáng lo ngại khi thấy các doanh nghiệp này đã trở lại thắt chặt gọng kim của mình.

Đảng cần bắt đầu tư nhân hóa SOEs, mở các lĩnh vực của mình cho cạnh tranh, và cho phép khối tư nhân một lần nữa giúp Trung Quốc tiến lên phía trước. Một số nhà cải cách ở Trung Quốc biết rằng điều này phải diễn ra. Tháng Tư, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã có một bài phát biểu tấn công sức mạnh độc quyền của các ngân hàng nhà nước lớn. Nhưng ông sắp ra đi, và chưa rõ ai sẽ lên nắm quyền trong thế hệ lãnh đạo mới từ tháng 11 tới. Những người cứng rắn lo ngại rằng sự sống còn của Đảng Cộng sản đang bị đe dọa. Nhưng còn một điều đáng lo ngại nữa, đó là sự kỳ diệu của nền kinh tế trong 30 năm qua./

 

Tác giả: Châu Giang theo economist
Theo Tuần Việt Nam

  • Hàn Quốc hưởng lợi từ căng thẳng Nhật - Trung?
  • Bài học chống tham nhũng từ Indonesia
  • Nhật Bản: 'Trốn' khủng hoảng bằng nợ nần ngất ngưởng
  • Nhật Bản có thể lại thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ
  • Năm 2017, Trung Quốc chỉ thua Mỹ về độ giàu
  • Báo Thái Lan nêu lý do nên đầu tư vào Việt Nam
  • Trung Quốc đối mặt nguy cơ thất nghiệp tăng cao
  • Hàn Quốc: Đánh bại cheabol ?