Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đồng tiền chung ASEAN: Điều không tưởng?

ASEAN đã luôn đi theo một đường lối khác với châu Âu. Nhưng kinh nghiệm của khu vực đồng tiền chung euro là điều mà Bộ trưởng Thương mại Indonesia gọi là một "bài học" cho toàn thế giới và các chính phủ Đông Nam Á không nên lao vào lặp lại.

Tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU vào cuối tuần, diễn ra trước các hội nghị chính, sự sung sướng trên nỗi khổ của người khác nhất thời đã vượt qua lòng hiếu khách khi các bài phát biểu diễn ra.

Đáp lại bài phát biểu của Uỷ viên thương mại châu Âu, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói, "Năm 1997, EU nói với chúng tôi rằng 'đưa ngôi nhà của mình vào trật tự'".

"Lần này, "chúng tôi kêu gọi châu Âu đưa ngôi nhà của mình vào trật tự", ông tiếp tục trong tiếng vỗ tay to.

Bài học từ Eurozone

ASEAN đã quan sát sâu sát những công việc khó khăn của khu vực đồng tiền chung euro.

ASEAN đã luôn đi theo một đường lối khác với châu Âu. Nhưng kinh nghiệm của khu vực đồng tiền chung euro là điều mà Bộ trưởng Thương Mại Indonesia - Gita Wirjawan gọi là "một bài học" cho mọi người trên toàn thế giới và không phải là điều mà các chính phủ Đông Nam Á lao vào lặp lại.

"Đó là một tình huống mà chúng tôi hy vọng không phải đối phó với nó. Chúng tôi đã phần nào thận trọng và sự thận trọng này không tự nhiên mà có, nó xuất phát từ một kinh nghiệm cực kỳ khó khăn và gian khổ vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Chúng tôi đã quyết định tự mình khắc phục và chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục cẩn thận hơn."

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị ASEAN lần thứ 20 tổ chức tại Campuchia (Ảnh: VGP)
Mặc dù lịch sử khối kéo dài từ cuối những năm 1960 nhưng hiến chương chính thức của khối mới chỉ được thông qua 4 năm trước, muộn màng trong việc đem lại cho khối một khuôn khổ pháp lý. Nhưng khu vực cũng như cá nhân các nước trong Asean đang thay đổi nhanh chóng.

Các quốc gia Đông Nam Á tự hào về một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Nền dân chủ sôi nổi bắt nguồn tại hai quốc gia thành viên lớn nhất là Indonesia và Philippines. Và Myanma là nước cuối cùng thực hiện các biện pháp hướng tới cải cách.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN tái khẳng định cam kết đạt được sự hội nhập kinh tế đến năm 2015 nhưng ý tưởng về một đồng tiền chung trong khu vực vẫn còn xa vời trong suy nghĩ của những quốc gia chủ chốt.

Đồng tiền chung không phải mục tiêu chính

Nói về việc cho ra đời đồng tiền chung của khối ASEAN , ông Wirjawan nhận định, "Chúng tôi không nói đó là ý tưởng tồi nhưng đó chưa bao giờ thực sự là một chủ đề với chúng tôi."

Ở một mức độ nào đó, rất nhiều quốc gia Đông Nam Á đã có một đồng tiền chung: Đồng đô la Mỹ.

Đồng bạc xanh là hình thức thanh toán được sử dụng rộng rãi nhất tại Campuchia - nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh và được chấp nhận rộng rãi tại các quốc gia khác.

Nhưng ôngWirjawan cho rằng đô la hoá chính thức không phải là vấn đề bàn đến. "Mọi người quen với đồng đô la Mỹ không có nghĩa là đó là định hướng mà ASEAN sẽ thực hiện."

10 quốc gia ASEAN  tái khẳng định cam kết hướng tới một thị trường chung vào năm 2015

Cũng có những trở ngại đáng kể trong việc phát triển một đồng tiền chung cho ASEAN. Như cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung euro đã cho thấy, các vấn đề trong một nền kinh tế ốm yếu có thể nhanh chóng tạo ra rắc rối cho những nền kinh tế mạnh hơn.

Nhưng khoảng cách giữa Hy Lạp và Đức còn hẹp hơn nhiều so với vực thẳm kinh tế hiện đang ngăn cách Campuchia - một trong những quốc gia kém phát triển nhất thế giới và Singapore - một trong những nước giàu nhất.

Vì vậy thay vì hướng tới một đồng tiền chung, ASEAN trước tiên phải tập trung vào mục tiêu hội nhập kinh tế năm 2015. Thậm chí đó cũng là một mục tiêu đầy tham vọng.

Arjun Goswani, Giám đốc hợp tác khu vực bộ phận Đông Nam Á của Ngân hàng phát triển châu Á nói,"Một đồng tiền chung không phải là mục tiêu chính."

Nền tảng cho một ASEAN mạnh hơn

"ASEAN đi con đường của riêng mình để hướng tới hợp tác khu vực - con đường đó không phải là bản sao của châu Âu", ông nói thêm.

"Cần phải đặt tất cả những khối kết nối các cá nhân và thể chế ở vị trí đầu tiên để xây dựng một thị trường chung, ví dụ như xây dựng sự hợp tác về hải quan. Đây là những mục tiêu quan trọng hơn nhiều."

Ông Goswani tin rằng các khoảng cách giữa các quốc gia ASEAN sẽ giảm tự nhiên theo thời gian khi tốc độ tăng trưởng của các quốc gia kém phát triển nhất nhanh hơn, cho phép họ theo kịp với các đối tác giàu có hơn.

Nhưng trước tiên, họ cần phải lựa ra những nền tảng cơ bản cho phép họ giới thiệu ASEAN như một khối thống nhất về hậu cần, phát triển đô thị và thuận lợi thương mại.

"Nền tảng của ASEAN càng mạnh thì quá trình hợp tác tổng thể của Asean càng mạnh và các nước ASEAN càng có nhiều lợi thế hơn so với các nền kinh tế lớn khác trong châu Á."

Một lần nữa, ngay tại hội nghị thượng đỉnh, 10 nước cùng nhấn mạnh cam kết của họ với mục tiêu năm 2015 hướng tới một thị trường chung ASEAN. Điều đó có nghĩa sẽ có rất nhiều thay đổi nhanh chóng, nhưng tương lai về một đồng tiền chung vẫn là điều không tưởng.
------------------------------------
Tác giả: Tuyến Nguyễn (Theo BBC) // Nguồn: VEF

  • Bùng nổ casino ở Campuchia
  • Bong bóng kinh tế Trung Quốc sẽ vỡ như tại Nhật Bản?
  • Kỷ nguyên mới cho kinh tế Myanmar?
  • Trung Quốc: Những lợi ích cốt lõi đang bị thách thức
  • Trung - Ấn làm chao đảo thị trường hàng hóa thế giới
  • Sự chuyển đổi đầy rủi ro ở Trung Quốc
  • Mỹ trở lại châu Á, đặt ra thách thức với ASEAN
  • Mặt tối của trung tâm tài chính Hồng Kông