Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gian nan con đường hòa giải, hòa hợp dân tộc ở Philippines

Sau hơn một năm trì hoãn, Chính phủ Philippines và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Mô-rô (MILF, nhóm ly khai Hồi giáo lớn nhất Philippines) đã nhất trí nối lại đàm phán hòa bình trong tháng 9 này, với sự trung gian hòa giải quốc tế, nhằm chấm dứt 40 năm nội chiến tốn nhiều  tiền của và xương máu. Ðồng thời, Chính phủ cũng nỗ lực nhằm xóa sổ nhóm Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf ở miền nam nước này vào cuối năm nay.

Thông tin Chính phủ Philippines và MILF nối lại hòa đàm sau gần một năm tiến trình này bị "đóng băng" được đại diện của cả hai bên xác nhận sau cuộc thương lượng đêm 15-9 ở Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Hai bên nhất trí thành lập Nhóm Liên lạc quốc tế (ICG) tham gia các cuộc đàm phán. Chính phủ Philippines cho biết,  ICG sẽ bao gồm các nhà trung gian hòa giải quốc tế thuộc Liên hiệp châu Âu (EU), Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) và các tổ chức phi chính phủ (NGOs). Chính phủ Philippines cho rằng việc thành lập ICG là "bước đột phá" cho tiến trình thương lượng về một nền hòa bình bền vững tại Min-đa-nao, miền nam nước này. Theo thỏa thuận khung, ICG sẽ tham dự và quan sát các cuộc thương lượng giữa Chính phủ Philippines và MILF theo lời mời của các bên; trao đổi quan điểm với các bên; tìm kiếm sự trợ giúp, tổ chức các cuộc gặp theo yêu cầu của bất kỳ bên nào ở các cấp khác nhau nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại trên cơ sở chương trình nghị sự đã thông qua.

 Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Philippines và MILF bị đổ vỡ hồi tháng 8 năm ngoái sau khi MILF tiến công các tỉnh và thị trấn của người Cơ đốc giáo trên đảo Min-đa-nao vì Tòa án Tối cao bác bỏ thỏa thuận về mở rộng khu vực tự trị của người Hồi giáo. Từ đó đến nay xảy ra một số cuộc đụng độ giữa các bên làm tiến trình đàm phán bị hoãn lại, thậm chí có lúc gây nguy cơ đổ vỡ tiến trình hòa bình. Ðầu tháng 9 vừa qua, cảnh sát Philippines bắt X. Ba-xi-lan, một trong hai thủ lĩnh hàng đầu của MILF và là kẻ đã được cảnh sát treo giải thưởng 12.000 USD ở thị trấn Mít-xay-áp. Tên này bị nghi đứng sau các vụ tiến công đẫm máu tại một số khu vực có đông người Cơ đốc giáo sinh sống ở miền nam Philippines hồi tháng 8 năm ngoái, làm hơn 300 người chết và hơn 750 nghìn người phải lánh nạn. Cuộc chiến đòi ly khai đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, làm hàng trăm nghìn người phải lánh nạn, gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng và kinh tế cho cả hai phía.

 Thực hiện chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc song cũng kiên quyết loại trừ chủ nghĩa khủng bố và ly khai, Chính phủ Philippines đặt mục tiêu triệt phá tận gốc nhóm Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf sau nhiều năm "vừa chiến, vừa hòa" với nhóm này. Gần đây, chính  quyền Ma-ni-la chuyển sang thực hiện chiến lược mới, theo đó phối hợp hành động quân sự với giải quyết nạn đói nghèo ở miền nam để loại trừ nhóm Abu Sayyaf. Ra đời những năm 90 của thế kỷ trước, Abu Sayyaf có nghĩa Người mang gươm, đặt trụ sở ở Ba-xi-lan và đảo Giô-lô, miền nam Philippines, với mục tiêu thành lập quốc gia Hồi giáo độc lập tại đây. Lúc đầu Abu Sayyaf tiến hành các vụ tiến công nhỏ lẻ, nhằm vào các nhà thờ Thiên chúa giáo, về sau chúng mở rộng hoạt động, tiến công và bắt cóc người nước ngoài đòi tiền chuộc. Hiện nhóm này chỉ còn gần 400 tay súng, bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ khủng bố và bắt cóc tại Philippines, trong đó đã chặt đầu nhiều con tin, gồm một người Mỹ năm 2001 và bảy người Philippines năm 2007, thực hiện vụ đánh bom một chuyến phà gần vịnh Ma-ni-la năm 2004 làm hơn 100 người chết. Tháng 1 năm nay, chúng bắt cóc ba nhân viên Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đang thanh tra một nhà tù ở đảo Giô-lô và đòi hàng triệu USD tiền chuộc. Ðây được coi là vụ bắt cóc tống tiền nghiêm trọng nhất tại Philippines trong những năm gần đây. Mỹ liệt Abu Sayyaf, tổ chức ly khai nhỏ nhất nhưng nguy hiểm nhất trên thế giới, có liên hệ với tổ chức khủng bố An Kê-đa và Giê-ma-a I-xla-mi-a (JI), vào danh sách các tổ chức khủng bố.

 Áp dụng chiến thuật mới, quân Chính phủ tập trung truy kích cánh quân của các thủ lĩnh còn lại của Abu Sayyaf lẩn trốn trên đảo Giô-lô, cách Thủ đô Ma-ni-la khoảng 950 km về phía nam và triển khai quân tới đảo kề cận Ba-xi-lan và tỉnh Ta-uy Ta-uy nhằm siết chặt vòng vây đối với Abu Sayyaf. Từ tháng 3 đến nay, khi tổ chức này đe dọa chặt đầu ba nhân viên Hội Chữ thập đỏ bị nhóm này bắt làm con tin, tỉnh Xu-lu ở miền nam Philippines tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp trên toàn tỉnh để hỗ trợ chiến dịch của quân đội xóa sổ Abu Sayyaf. Các vụ tiến công mới đây tiêu diệt hàng chục tay súng Abu Sayyaf, trong đó có một số thủ lĩnh nguy hiểm. Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, Tổng thống Philippines Glo-ri-a A-rô-giô đã nhận được sự ủng hộ của người đồng cấp B. Obama tiếp tục tăng cường hợp tác hòa bình và an ninh, nhất là viện trợ phát triển của Mỹ tại khu vực xung đột ở miền nam Philippines. Sau thảm họa khủng bố tại Mỹ ngày 11-9-2001, Oa-sinh-tơn đã hỗ trợ Ma-ni-la thực hiện các dự án giáo dục, viễn thông và tạo việc làm cho cộng đồng Hồi giáo khu vực bất ổn miền nam Philippines. Kể từ năm 2003, Mỹ điều động một quân số binh sĩ luân phiên có mặt tại miền nam Philippines và hiện triển khai khoảng 600 binh sĩ tại đây giúp nước này chống lực lượng nổi dậy.

 Dù gặt hái nhiều thành công nhất định, nhưng cuộc chiến chống khủng bố, ly khai ở miền nam Philippines gặp nhiều khó khăn. Theo cơ quan tình báo Philippines, Abu Sayyaf liên tục thay chỉ huy để điều hành hoạt động nên dù đã tiêu diệt được một số thủ lĩnh của nhóm này nhưng chúng vẫn hoạt động. Tháng 12-1998, Chính phủ Philippines tiêu diệt thủ lĩnh tối cao và là người sáng lập của lực lượng này là A.Gian-gia-la-ni. Chỉ sáu tháng sau, em trai A.Gian-gia-la-ni là Kh.Gian-gia-la-ni lên thay anh trai chỉ huy Abu Sayyaf. Tên này và một số chỉ huy khác của Abu Sayyaf đã bị tiêu diệt vào cuối năm 2006 trong chiến dịch "Tối hậu thư Ô-plan" được Mỹ hậu thuẫn kéo dài một tháng. Hiện Y.I-ga-xan, một giáo sĩ  Hồi giáo được huấn luyện ở nước ngoài, được cho là đã thay các thủ lĩnh nói trên của Abu Sayyaf. Có nguồn tin nói rằng tổ chức này có "hội đồng" điều hành chín thành viên, do vậy không dễ dàng để cùng lúc chặt được hết các "chân rết" điều hành của chúng.

 Thay đổi chiến thuật và sách lược nhằm chấm dứt nội chiến, hòa giải dân tộc đã và đang được Chính phủ do Tổng thống G.A-rô-giô tiến hành. Những nỗ lực đó đã thu được những kết quả nhất định, được người dân Philippines ủng hộ. Tuy nhiên, con đường đi tới hòa giải, hòa hợp dân tộc, đưa  tiến trình này vào quỹ đạo ổn định, bền vững và lâu dài còn nhiều gian nan, nhất là khi những điều kiện, yêu cầu của các nhóm ly khai đối với phía Chính phủ và ngược lại chưa được các bên hoàn toàn chấp nhận.

(Theo HỒNG HẠNH // Báo Nhân dân điện tử)

  • Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên tăng cường quan hệ
  • Quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên có lợi cho hòa bình
  • Philippines: Vừa hết bão đã khốn khổ với lũ
  • Nhật Bản sắp chấm dứt sứ mệnh tại Afghanistan
  • Triều Tiên phóng 5 tên lửa tầm ngắn
  • Thái Lan: “Áo đỏ” biểu tình đòi khôi phục Hiến pháp
  • Nông nghiệp Philippin thiệt hại khoảng 7.6 tỷ Peso sau hai trận bão lớn
  • Ấn độ lai tạo thành công giống lúa mới đặc biệt