Nếu các nhà kinh tế học toàn cầu lo lắng trước các số liệu vẽ nên tương lai ảm đạm đối với nền kinh tế Trung Quốc, hãy tưởng tượng Chủ tịch mới nhậm chức Tập Cận Bình cảm thấy như thế nào.
Mới chỉ chính thức nhậm chức được một tháng, ông Tập vẫn đang củng cố quyền lực của mình. Về các vấn đề trong nước, ông phải đối mặt với khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng và tình trạng ô nhiễm nặng nề trên diện rộng, chưa kể đến cúm gia cầm và những dòng sông nổi đầy xác lợn chết. Về đối ngoại, đồng minh Triều Tiên đang ngày càng khiến nước khác rối trí. Giờ đây, Trung Quốc còn phải đối mặt với áp lực buộc phải tái cơ cấu nền kinh tế nếu muốn tiếp tục duy trì những thành tựu đạt được trong suốt 30 năm qua.
Ông Tập nên được thông cảm. Trong suốt 1 thập kỷ được dẫn dắt bởi cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng hơn 10%, vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đồng thời vươn lên vị trí chủ chốt trên chính trường quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ nền kinh tế cũng như xã hội Trung Quốc xuất hiện nhiều bất ổn. Nền kinh tế vẫn dựa quá nhiều vào xuất khẩu và đầu tư. Chênh lệch giàu nghèo gia tăng, các chính trị gia bỗng chốc trở thành triệu phú. Các chính quyền địa phương ngập trong nợ nần với những dự án vô bổ.
Ngược lại, ông Tập luôn nhấn mạnh nền kinh tế cần lấy nhu cầu nội địa (chứ không phải lao động giá rẻ) làm động lực tăng trưởng. Ông cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo vệ môi trường và đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Đô thị hóa cũng là mối quan tâm lớn của vị tân chủ tịch nước.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất hiện nay là liệu ông Tập Cận Bình có đủ động lực để thực hiện tham vọng thay đổi mô hình kinh tế Trung Quốc hay không. So với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, có vẻ như nhiệm vụ của ông Tập khó khăn hơn rất nhiều.
Cùng với Thủ tướng Lý Khắc Cường, ông Tập phải cải cách nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh tăng trưởng suy giảm rõ rệt. Trung Quốc hiện đang ở trong thời kỳ có tốc độ tăng trưởng dưới 8% dài nhất ít nhất là trong 20 năm nay. Theo dự báo của World Bank, đến cuối thập kỷ này, tốc độ tăng trưởng có thể giảm xuống mức 6%.
Quá trình cải cách cũng sẽ vấp phải nhiều phản đối từ các chính trị gia, doanh nhân và một số nhóm lợi ích đang được hưởng lợi từ mô hình tăng trưởng cũ. Ở Trung Quốc, cải cách kinh tế thường khó có thể xảy ra nếu không đi kèm với biến đổi về chính trị và thái độ cởi mở. Trên hết, chính phủ cần phải giảm bớt vai trò trong các ngành tài chính, ngân hàng và công nghiệp. Đây vốn là những yếu tố tạo cơ hội cho tham nhũng và bong bóng tài sản phát triển.
Giống như những người tiền nhiệm là các cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, rõ ràng là ông Tập cũng hiểu được cần phải loại bỏ tận gốc tham nhũng. Và, điều này chỉ có thể được thực hiện bởi những lãnh đạo cao cấp chứ không phải bộ phận nào khác. Trang web của Bloomberg đã bị khóa ở Trung Quốc chỉ bởi đăng tải bài viết tiết lộ giá trị tài sản của gia đình cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Các quan chức của đảng Cộng sản Trung Quốc luôn tự tin vào con đường mà Trung Quốc đang theo đuổi cũng như vào hệ thống lãnh đạo. Tuy nhiên, chính thực tại đang khiến cho nền kinh tế mất cân bằng. Nếu như ông Tập Cận Bình không thay đổi, "giấc mơ Trung Hoa" của ông sẽ chỉ là ảo tưởng.
(Theo Trí Thức Trẻ)