Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lạm phát tại Trung Quốc tăng vọt

Tỷ phú Soros cho rằng, đồng nội tệ của Trung Quốc yếu đã đẩy lạm phát tăng mạnh.

Cơ quan Thống kê Trung Quốc sáng 15/4 cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 3 đã leo thang với tốc độ mạnh nhất kể từ năm 2008. Đồng thời, GDP quý 1 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng tăng trưởng đột biến, vượt xa dự báo của các chuyên gia phân tích.

Cụ thể, theo cơ quan trên, GDP quý 1 của Trung Quốc tăng trưởng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo 9,4% của giới phân tích, nhưng thấp hơn mức 9,8% trong quý cuối cùng của năm 2010. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng vọt 5,4%, cao hơn nhiều so với mức 4,9% trong tháng 2.

Như vậy, con số chính thức khá khớp với mức lạm phát rò rỉ trên kênh truyền hình Phoenix của Hồng Kông tiết lộ hôm qua. Theo Phoenix, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 3 có khả năng tăng tới 5,3 - 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức 4,9% trong tháng 2 vừa qua.

Hồi tháng 1, Phoenix từng dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho biết lạm phát giá tiêu dùng tháng 12 còn 4,6% và GDP cả năm đạt 10,3%. Số liệu này hoàn toàn khớp với công bố chính thức sau đó 1 ngày.

Việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh, trong khi chỉ số lạm phát tăng vọt đã làm dấy lên những lo ngại rằng nước này sẽ thắt chặt hơn chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Ông Yao Wei, chuyên gia kinh tế thuộc Societe Generale SA cho biết, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ vẫn mạnh mẽ và lạm phát vẫn là nguy cơ hàng đầu đe dọa kinh tế nước này.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời tỷ phú Mỹ George Soros cho rằng, quyết định giữ đồng nội tệ ở mức thấp của Chính phủ Trung Quốc đã dẫn tới lạm phát leo thang và giá cả tăng cao.

Phát biểu hôm 10/4 tại Bretton Woods, New Hampshire, ông Soros cho hay, trong khi việc thực hiện chính sách đã giúp Trung Quốc thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bỏ lỡ cơ hội cho phép đồng NDT tăng giá nhằm kiểm soát lạm phát.

Ông cho rằng, việc cho phép đồng tăng giá là cách thuận lợi để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, các nhà chức trách nước này đã bỏ lỡ cơ hội đó. Hiện Trung Quốc đang phải chịu mức lạm phát ngoài tầm kiểm soát, gây ra nguy cơ lạm phát giá cả.

Theo Bloomberg, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ tăng 4,6% so với USD trong vòng 2 năm qua, mức tăng ít nhất trong số 10 loại tiền tệ châu Á, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã hồi phục và dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm nợ Fitch Ratings mới đây đã hạ triển vọng trái phiếu đồng nội tệ của Trung Quốc từ ổn định xuống mức tiêu cực, do lo ngại doanh số bán bất động sản nhà ở sẽ có thể giảm khoảng 30%.

Cũng sáng nay, Cơ quan Thống kê Trung Quốc công bố, chỉ số giá sản xuất tháng 3 tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 7,2% trong tháng 2. Sản lượng công nghiệp quý 1 tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2010. Doanh số bán lẻ tháng 3 và đầu tư tài sản cố định trong quý 1 cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, lần lượt là 17,4% và 25%.
 

 

(Theo Vneconomy)