Theo kế hoạch, hôm 19/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới thăm chính thức Myanmar. Tuy nhiên, hình ảnh ông Obama đã xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước này, từ trên những chiếc áo thun, cốc uống nước và thậm chí là trên những bức tường ở Yangon.
Hãng tin AFP cho biết, cơn sốt Obama đang "càn quét" khắp thành phố lớn nhất của Myanmar trước thềm chuyến thăm lịch sử của vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm tới quốc gia từng có thời gian dài bị cách biệt với thế giới này. Những người dân trên các con phố của Yangon đều bày tỏ sự hy vọng rằng chuyến thăm lịch sử của ông Obama sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình cải cách ở Myanmar.
"Tôi cho rằng, chuyến thăm của ông ấy sẽ giúp nhiều cho tiến trình hướng tới dân chủ của chúng tôi và cổ vũ cho Chính phủ Myanmar tiếp tục thực hiện cải cách", một người bán hàng 28 tuổi tên là Thant Zaw Oo nói với AFP. "Tôi muốn nói với Tổng thống Obama rằng, ông ấy hãy thúc đẩy Chính phủ Myanmar tiếp tục dũng cảm dân chủ hóa, hướng tới nhân quyền toàn diện, điều mà đất nước chúng tôi cần".
Những người bán hàng rong đang bán những lá cờ "sao và vạch" (quốc kỳ Mỹ), trong khi họa sĩ địa phương Arkar Kyaw bận rộn với việc vẽ những bức tranh graffiti lên những bức tường của thành phố hình ảnh nụ cười tươi tắn của ông Obama cùng dòng chữ "chào đón Obama". Đây là một điều khó hình dung cho tới tận gần đây ở quốc gia từng nằm dưới sự lãnh đạo của các vị tướng bị phương Tây hoài nghi.
Một trong những điểm nhấn trong chuyến thăm của ông Obama sẽ là bài phát biểu ở trường Đại học Yangon, một biểu tượng cho thời kỳ phong trào sinh viên nổi dậy đòi dân chủ ở Myanmar, bao gồm cả cuộc biểu tình rầm rộ năm 1988 và kết thúc dưới sự trấn áp đẫm máu của quân đội. Chính quyền quân sự khi đó đã đóng cửa nhiều trường lớp, chuyển các đại học ra khỏi các thành phố để làm suy yếu ảnh hưởng của sinh viên.
Chuyến thăm của ông Obama đang mang lại nhiều hy vọng về việc thúc đẩy nhanh quá trình hồi sinh của hệ thống giáo dục bậc cao ở Myanmar, vốn đã bị tụt hậu hàng thập niên dưới sự lãnh đạo của chính quyền quân sự. Giảng đường của trường Yangon, nơi ông Obama sẽ phát biểu, đã được trang hoàng lại, sau nhiều năm bị bỏ bê, tương tự như nhiều công trình kiến trúc khác ở thành phố này.
Kaung San, một sinh viên Myanmar, nói rằng anh hy vọng chuyến thăm của ông Obama sẽ giúp quốc gia này được chấp nhận và được cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn. "Sau chuyến thăm, nền kinh tế của chúng tôi sẽ được mở cửa hơn nữa. Và vì nước Mỹ ưu tiên các vấn đề nhân quyền, nên đất nước chúng tôi sẽ có những tiêu chuẩn tốt hơn về quyền và sự dân chủ sẽ được phát triển", Kaung San cho biết.
Hiện tại, cảnh sát vũ trang xuất hiện trên các con đường ở khắp Yangon, một sự hiện diện an ninh ít thấy kể từ thời chính quyền quân sự kết thúc tới nay. Tuy nhiên, điều này không cản trở việc đội quân quét dọn, làm vườn và họa sỹ đang làm tăng nhiệt trước chuyến thăm bằng cách làm đẹp thêm con đường dự kiến đoàn xe của Tổng thống Barack Obama sẽ diễu qua.
Những người công nhân cũng đang dọn dẹp xung quanh tòa nhà nghị viện ở Yangon, nơi Tổng thống Obama sẽ có cuộc hội kiến với người đồng cấp Myanmar Thein Sein, một cựu tướng lĩnh, người đã đi đầu cho hàng loạt cải cách chính trị quan trọng kể từ năm ngoái tới nay. Ông Obama cũng sẽ gặp thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi, người từng nhận giải Nobel Hòa bình, tại một biệt thự ven hồ, nơi bà bị giam lỏng nhiều năm trước đây.
Cho dù vẫn còn thách thức, song phương Tây đang bắt đầu tháo bỏ những biện pháp trừng phạt kinh tế với Myanmar, mở ra cánh cửa cho sự trở lại của các công ty nước ngoài như Coca-Cola hay Pepsi, điều mà nhiều người dân Myanmar mong đợi. "Tôi nghĩ chúng tôi có thể dùng hàng Mỹ nhiều hơn trước. Tôi thích quần Levis, tôi hy vọng các nhà hàng kiểu McDonalds sẽ sớm tới đây", Aung Thu Cho, một lái xe taxi tâm sự.
Trong một diễn biến gần nhất, hôm 17/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu kéo dài gần một thập kỷ qua đối với hàng hóa từ Myanmar. Đây là một quyết định quan trọng của Mỹ đối với Myanmar được đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm lịch sử tới quốc gia Đông Nam Á này của ông Obama.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ, nền kinh tế này sẽ "mở cửa" đối với hầu hết hàng hóa từ Myanmar, trừ đá quý. Động thái này là nhằm "ủng hộ và khuyến khích các nỗ lực cải cách của chính quyền Naypyidaw cũng như mở ra các cơ hội mới đối với giới doanh nghiệp của cả hai nước". Cũng theo thông cáo, chính quyền Myanmar và thủ lĩnh đối lập bà Aung San Suu Kyi đều ủng hộ quyết định trên của Washington.
Đây có thể coi là một bước đi quan trọng, giúp cho Myanmar "hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu". Năm 2002, năm cuối cùng trước khi Mỹ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu, Mỹ đã nhập 256,4 triệu USD hàng hóa gồm quần áo, cùng nhiều mặt hàng khác từ Myanmar. Sau đó, nhập khẩu đã giảm mạnh trong năm 2003 và gần như bằng không trong những năm tiếp sau đó.
(Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com