![]() |
Công nghiệp sản xuất ô tô là một thế mạnh của nền kinh tế Nhật Bản |
- Ngày 27-10, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Hi-rô-hi-xa Phu-di tuyên bố, Chính phủ mới của Thủ tướng I-ô-ki-u Ha-tô-i-a-ma cam kết sẽ cắt giảm chi tiêu hoang phí, giảm thuế và kích thích tiêu thụ nội địa. Đây được xem là chìa khóa để phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tiến những bước chậm rãi để trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh.
Ông Phu-di khẳng định, để kích hoạt kế hoạch "chấn hưng" nền kinh tế, Chính phủ vừa ra mắt của Nhật Bản đã nêu khoản ngân sách 98 tỷ USD được cho là hoang phí cần phải được cắt bớt. Bên cạnh đó, Tô-ki-ô cũng sẽ "giã từ" khái nhiệm cổ điển về tăng trưởng, dựa vào các khoản đầu tư rất lớn cho các dự án công cộng và "trông đợi" vào người đóng thuế. Ông cho rằng, thật sai lầm khi tiếp tục theo đuổi một quan điểm "cũ kỹ", đó là cứ người nào làm ra tiền là sẽ phải kiếm nhiều tiền hơn nữa để đóng góp vào nền kinh tế, mà ngược lại Nhật Bản cần thực hiện chính sách giảm bớt "gánh nặng" cho những người đã trích một phần không nhỏ thu nhập của mình để đóng thuế cho Chính phủ.
Thực hiện lời hứa của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) khi tranh cử, Chính phủ của ông Ha-tô-i-a-ma có kế hoạch chuyển khoảng 32 tỷ USD từ ngân sách phụ trội của năm nay sang những chương trình giúp cải thiện đời sống của người dân, trong đó giảm bớt phí giáo dục, miễn học phí cấp trung học, cắt giảm thuế xăng dầu, hỗ trợ cho nông dân, bãi bỏ phí đường bộ...
Với chủ trương vực dậy nền kinh tế bằng kích thích tiêu dùng, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiến hành chương trình cải cách xã hội sâu rộng, đặc biệt là nâng mức lương tối thiểu của người làm công lên khoảng 10 USD/giờ, tăng phụ cấp gia đình, trợ cấp hưu bổng khoảng 675 USD/tháng cũng như tăng tiền trợ cấp cho người già. Các biện pháp này được cho là sẽ khuyến khích người dân chi nhiều tiền hơn thay vì thắt lưng buộc bụng như hiện nay. Theo ước tính của DPJ, chương trình phục hưng kinh tế và cải cách xã hội sẽ khiến ngân sách mỗi năm "tốn kém" khoảng 160 tỷ USD kể từ năm 2012. Do đó, việc tài trợ cho kế hoạch đầy tham vọng này sẽ nhờ vào chính sách tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thu của Nhà nước.
Sự thay đổi cơ bản nhất trong đường lối kinh tế của Chính phủ mới Nhật Bản thể hiện rõ qua chính sách đặt tiêu thụ nội địa lên trên xuất khẩu, trái ngược hoàn toàn với chính sách của Chính phủ cũ do đảng Dân chủ Tự do (LPD) dựa hẳn vào xuất khẩu để thúc đẩy nền kinh tế. Bộ trưởng Phu-di cho rằng: "một nền kinh tế muốn xuất gì thì xuất" là nguyên nhân gây nên tình trạng mất cân bằng hiện tại của xã hội Nhật Bản. Cũng chính sự phụ thuộc vào các thị trường bên ngoài đã khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới điêu đứng trong cuộc suy thoái toàn cầu thời gian qua. Trên thực tế, cho dù vị trí này chưa bị quốc gia nào "soán ngôi", song kinh tế Nhật Bản đã trải qua 15 năm "uể oải", kể từ khi bong bóng cổ phiếu và địa ốc tại Nhật Bản "vỡ tung" vào đầu những năm 1990 khiến hệ thống tài chính của nước này chao đảo.
Những thông tin mang tính hoạch định về chính sách trên được Bộ trưởng Tài chính đưa ra vào thời điểm Nhật Bảnđang phải "chật vật" để trả bớt khối nợ tăng cao, lên con số kỷ lục chiếm 170% tổng sản phẩm quốc nội. Ông Phu-di cũng không ngần ngại thừa nhận, Nhật Bản đang ở trong tình trạng tài chính tệ hại nhất trong số những quốc gia công nghệ tiên tiến do nợ nần. Song ông cũng cho rằng, mặc dù trước mắt phải ổn định bằng được thị trường tài chính, nhưng Chính phủ mới vẫn chưa tính đến khả năng chấm dứt các chương trình kích thích kinh tế do nền kinh tế Nhật Bản vẫn chưa đủ mạnh để có thể trụ vững mà không cần sự hỗ trợ.
(Theo Vân Khanh // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com