Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhật chọn cân bằng tăng trưởng với việc làm

Những “cô gái thang máy” – hiện thân của vấn đề năng suất lao động thấp trong lĩnh vực dịch vụ ở Nhật Bản

 

Những “cô gái thang máy” – hiện thân của vấn đề năng suất lao động thấp trong lĩnh vực dịch vụ ở Nhật Bản

Những luật lệ và quy tắc cũ kỹ, một cơ chế xơ cứng, bảo hộ sản xuất trong nước quá đà, tinh thần doanh nghiệp bị kìm hãm bằng những hàng rào thủ tục cồng kềnh, rắc rối sẽ làm kinh tế Nhật khó có thể phục hồi nhanh chóng.

Siêu thị Odakyu ở Tokyo hàng ngày đều có các cô gái ăn mặc không chê vào đâu được đứng đón khách hàng, chỉ dẫn họ đi tới thang máy, hộ tống họ ra vào xe hơi. Trong giờ nghỉ các cô tập chào hỏi và cẩn thận trang điểm lại gương mặt. Người ta gọi đây là các “cô gái thang máy”.

Những người phê phán coi các cô này là hiện thân của vấn đề năng suất lao động ở đất nước này: phung phí một trong những nguồn lực lao động được đào tạo tốt nhất thế giới vào những công việc tầm thường và vô bổ, chẳng đóng góp gì cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng một số người khác, kể cả những người thuộc đảng Dân chủ Nhật Bản DPJ - đảng vừa lên cầm quyền ở Nhật - lại coi các cô như là những người được hưởng lợi của một thứ chủ nghĩa tư bản nhân văn hơn, một thứ chủ nghĩa tư bản đề cao công ăn việc làm và sự ổn định hơn là tốc độ tăng trưởng.

Điều cần thiết cho một sự hồi phục thật sự lại là những cuộc cải cách nền kinh tế

Công ty Odakyu không coi các “cô gái thang máy” của mình là một chuyện hoang phí, họ nói rằng 14 nhân viên làm việc toàn thời gian mà họ thuê để vận hành các thang máy hoàn toàn tự động kia đem lại một lợi ích. Tatsuo Iwasaki, Giám đốc bộ phận phục vụ khách hàng của công ty nói rằng:“Những cô gái này là những nhân viên đầu tiên mà khách hàng gặp. Chúng tôi huấn luyện họ rất nghiêm chỉnh”.

Các nhà công nghiệp Nhật Bản đã dạy cho thế giới phải biết cạnh tranh - họ đã định hình lại toàn cảnh các ngành công nghiệp như xe hơi và điện tử, đã đưa ra những khái niệm về chất lượng và tính hiệu quả mà ngày nay đã trở thành “cẩm nang” ở các trường dạy kinh doanh và các cửa hàng, cửa hiệu trên khắp thế giới. Nhưng sự tăng trưởng về năng suất lao động trong lĩnh vực dịch vụ của Nhật trong những năm gần đây đã bị chậm lại, kéo năng suất lao động của toàn nền kinh tế xuống thấp. Nhật Bản hiện xếp thứ 18 trong 30 nước công nghiệp thuộc Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) về năng suất lao động; và năng suất lao động của Nhật chỉ bằng 70% của Mỹ. Khu vực dịch vụ chiếm tới 70% nền kinh tế Nhật Bản và trong lúc các nhà sản xuất công nghiệp lao đao vì cuộc suy thoái toàn cầu thì các nhà kinh tế học cho rằng, khả năng của Nhật Bản đứng dậy từ cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất từ sau Thế chiến thứ Hai phụ thuộc một phần vào khả năng làm cho khu vực dịch vụ của nước này đạt năng suất lao động cao hơn.

Yorio Ota - nhà phân tích chiến lược của Công ty tài chính Mitsubishi UFJ and Banking Corporation nhận xét:“Trong bầu không khí hiện thời, những cuộc cải cách cơ cấu tất nhiên sẽ không được ủng hộ. Nhưng điều cần thiết cho một sự hồi phục thật sự lại là những cuộc cải cách nền kinh tế Nhật Bản”.

Tân Thủ tướng Nhật, ông Yukio Hatoyama, lãnh đạo đảng Dân chủ Nhật Bản DPJ, đã xây dựng triết lý chính trị của mình trên cái mà ông gọi là “tình huynh đệ”, nghĩa là sự đồng cảm với công nhân, hơn là mối quan tâm tới lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ông Hirohisa Fujii - tân Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, cũng đã đôi lần phê phán những sự thay đổi, dù khá ôn hòa, của đảng Dân chủ Tự do vừa mất quyền cai trị. Trong một bài báo xuất bản năm ngoái, ông Fujii - một chính trị gia lão thành, cựu Bộ trưởng Tài chính Nhật, viết rằng:“Kinh tế học thị trường được cho là sẽ làm cho rất nhiều người hạnh phúc bằng cách để cho những người có khả năng được phát huy đầy đủ năng lực của mình”.Nhưng những sự thay đổi theo hướng thị trường gần đây ở Nhật Bản“đã không làm cho mọi người hạnh phúc. Điều đó phải được sửa chữa, và chúng ta phải xây dựng một nền chính trị do nhân dân dẫn dắt” -ông viết.

Bằng chứng về năng suất lao động thấp hiển hiện ở khắp nơi: nhân viên văn phòng vẫn phải gò lưng trên những chồng hồ sơ bằng giấy; trên lối vào các dinh thự có hàng dài những nhân viên an ninh, nhân viên lễ tân đứng đón hay tiễn khách; các công ty bán lẻ ở Nhật sử dụng số nhân viên cho mỗi cửa hàng nhiều gấp đôi các đồng sự của họ ở các nước OECD khác…

Tân Thủ tướng Hatoyama đặc biệt phê phán những sự thay đổi mà cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi - một nhà lãnh đạo thân Mỹ, ủng hộ thị trường tự do - khởi xướng. Một trong những sự cải cách của ông Koizumi đã nhắm vào thị trường lao động trì trệ của Nhật, bãi bỏ một lệnh cấm sử dụng lao động hợp đồng tạm thời tại các nhà máy.

Ông Koizumi hy vọng biện pháp này sẽ làm gia tăng tính linh hoạt trong việc tuyển dụng và sử dụng nhân viên của các công ty Nhật - mà nhiều công ty khốn khổ vì phải nuôi dưỡng quá nhiều công nhân trọn đời hơn mức cần thiết, những người được bảo vệ bởi luật pháp và quy ước xã hội. Chính vì họ không có khả năng sa thải những công nhân dư thừa này ngay cả trong những lúc thua lỗ mà năng suất lao động ở những doanh nghiệp yếu kém trở nên rất thấp; thậm chí còn gây khó cho các công ty mới khởi nghiệp vì không thể tuyển dụng được những công nhân có kinh nghiệm. Nhưng những người phê phán đã lên án những sự thay đổi này, cho rằng chúng đã làm doãng rộng hố ngăn cách về thu nhập giữa những công nhân trọn đời với những đồng nghiệp “tạm tuyển” nghèo khó hơn. Con số những công nhân “tạm tuyển”, hưởng lương thấp hơn, ít phúc lợi hơn và công việc cũng kém ổn định hơn, đã tăng nhanh trong thập niên vừa qua, chiếm tới một phần ba lực lượng lao động 67 triệu người của Nhật Bản. Nỗi khốn khổ của các công nhân tạm tuyển bị sa thải hàng loạt do nhà máy đóng cửa vì khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây đã gây nên một sự phản đối dữ dội trong công chúng Nhật.

Giáo sư Steven K. Vogel - Khoa chính trị Đại học UC Berkeley, Mỹ nhận xét:“Mọi người bắt đầu nhìn thấy sự bất bình đẳng kinh tế ở mức độ cao. Chất lượng việc làm xuống thấp và con số công nhân tạm tuyển gia tăng. Họ gắn hiện tượng đó với những cuộc cải tổ của ông Koizumi. Từ quan điểm kinh tế, lập luận như vậy là sai. Nhưng đã có một sự thụt lùi lớn”.

Nền tảng kinh tế của Đảng Dân chủ tập trung vào cứu trợ người tiêu dùng, kể cả việc trợ cấp bằng tiền mặt cho các gia đình nuôi con nhỏ và giảm thuế xăng dầu. Các nhà kinh tế cho rằng, những chính sách ấy có thể kích thích chi tiêu của người tiêu dùng Nhật đang suy kiệt và giúp khuấy động một cuộc hồi phục kinh tế khiêm tốn. Nhưng khi đồng lương tiếp tục suy giảm, về lâu dài vẫn chưa rõ rằng người tiêu dùng có thể gia tăng chi tiêu được bao nhiêu. Theo các nhà kinh tế, để tạo ra một sự tăng trưởng bền vững, Nhật Bản cần thay đổi những luật lệ và quy tắc cũ, cải tổ một cơ chế xơ cứng trong đó chính phủ bảo hộ rất mạnh tay và đè nén tinh thần doanh nghiệp bằng những hàng rào thủ tục cồng kềnh, rắc rối.

Giáo sư David J. Brunner - một chuyên gia Nhật Bản học và là nhà nghiên cứu tại trường Kinh doanh Harvard nhận định:“Có nhiều yếu tố thuộc về cơ chế ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa năng suất lao động và phúc lợi xã hội. Các doanh nghiệp có nên sa thải những nhân viên bị dư thừa, để cho họ cảm thấy mình bị phản bội và không có giá trị gì, không có thu nhập hay không? Làm như vậy chắc chắn là không đóng góp gì vào sự tăng trưởng kinh tế hay phúc lợi xã hội nói chung”.

 

(Theo Thái Bình // Diễn đàn doanh nghiệp // New York Times)

  • Dự trữ ngoại tệ Trung Quốc tăng 14.000 lần trong 60 năm
  • Malaysia: Đề nghị bỏ hạn chế thuê LĐ nước ngoài
  • Giá dầu thô tăng nhẹ trên thị trường châu Á
  • Trung Quốc-Nga ký một loạt thỏa thuận thương mại
  • 1/6 dân số Hongkong đang trong diện “đói nghèo”
  • Hàn Quốc phục hồi nhanh nhất các nước phát triển
  • Nỗi niềm "nhà trẻ cơ quan" của các bà mẹ xứ Hàn
  • Nhiều bệnh viện Hàn Quốc "móc túi" bệnh nhân