Tìm phi hành gia ở vùng hẻo lánh
Thông qua những chương trình cộng đồng, Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) đang hợp tác với trường học tại những vùng hẻo lánh, như làng Pannithittu, để giảng dạy cho học sinh về thám hiểm không gian. Cơ quan này cũng đang đào tạo hàng ngàn nhà khoa học trẻ và dự kiến sẽ mở trung tâm huấn luyện phi hành gia đầu tiên tại thành phố Bangalore vào năm 2012. Lakshmi Kannan, một học sinh 15 tuổi tại làng Pannithittu, cho báo The Washington Post (Mỹ) biết: “Em muốn theo học ngành khoa học không gian để có thể lên mặt trăng khi đất nước chọn phi hành gia cho sứ mệnh này”.
Hy vọng của Lakshmi là hiện thân cho những tham vọng không gian mới của Chính phủ Ấn Độ. Trong những năm qua, chương trình không gian của nước này tập trung vào những ứng dụng thực tế, như dùng vệ tinh để thu thập thông tin về thiên tai. Giờ đây, Ấn Độ đang chuyển hướng sang những mục tiêu tham vọng hơn, như thực hiện sứ mệnh đưa người lên không gian vào năm 2015. Ông G. Madhavan Nair, Chủ tịch ISRO, nhận định: “Đây là thời điểm đầy phấn khích của lịch sử ngành không gian Ấn Độ. Ngày càng có nhiều nhà khoa học trẻ gọi điện cho chúng tôi để tìm việc làm”.
Ông G. Madhavan Nair (trái), Chủ tịch ISRO,
tại một cuộc họp báo gần đây về chương trình không gian của Ấn Độ. Ảnh: AP
Trước đây, chương trình không gian của Ấn Độ từng bị chỉ trích là lãng phí tiền của. Giờ đây, nó trở thành một niềm tự hào của đất nước này. Vào năm ngoái, Ấn Độ đạt cột mốc mới sau khi phóng 10 vệ tinh lên không gian chỉ với một tên lửa đẩy duy nhất. Các quan chức nước này đang kỳ vọng họ sẽ đi đầu trong lĩnh vực phóng vệ tinh cho những nước khác. Họ thậm chí còn đề cập về một sứ mệnh lên sao Hỏa.
Thách thức Trung Quốc
Những tham vọng mới của chương trình không gian có thể giúp Ấn Độ tăng cường vị thế trên trường quốc tế và đưa nước này vào cuộc chạy đua không gian với Trung Quốc.So với Trung Quốc, chương trình không gian của Ấn Độ hiện vẫn còn nhỏ hơn về quy mô và chi phí. Chương trình này cũng được thiết kế phần lớn cho những mục đích dân sự. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến những ứng dụng quân sự. John M. Logsdon, giáo sư danh dự tại Viện Chính sách Không gian thuộc Đại học George Washington, nhận định: “Việc đưa người lên không gian hoặc một sứ mệnh thám hiểm mặt trăng của Ấn Độ sẽ là một thách thức đối với vị thế của Trung Quốc trong khu vực”.
Nỗ lực thúc đẩy chương trình không gian của Ấn Độ được hưởng lợi từ việc Chính phủ Mỹ đã dỡ bỏ hầu hết biện pháp trừng phạt Ấn Độ vốn được áp đặt sau khi nước này tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân vào năm 1998. Những biện pháp trừng phạt này ngăn Ấn Độ tiếp cận một số công nghệ nhất định nhằm hạn chế khả năng phóng rốc két hạt nhân. Tuy nhiên lệnh cấm vận đó cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công nghệ không gian của nước này. Bà Theresa Hitchens, một chuyên gia về không gian và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Giải giới của Liên Hiệp Quốc, lý giải: “Về mặt kỹ thuật thì tên lửa đẩy và tên lửa đạn đạo khá giống nhau”.
(Theo Phương Võ // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com