Tờ Thái Dương của Hồng Công ngày 17/6 nói rằng trong khi Mỹ từ chối không cho doanh nghiệp Trung Quốc "tiến quân" vào thị trường nước này, các doanh nghiệp Mỹ ra sức chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Điều đó cho thấy Mỹ đang thực hiện tiêu chuẩn kép đối với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Với tiêu chuẩn kép kiểu này, nếu không có đòn trả đũa đối ứng, kinh tế Trung Quốc sớm muộn cũng phải gánh chịu thiệt hại.
Ủy ban tình báo thượng viện Mỹ mới đây quyết định tiến hành điều tra hai hãng chế tạo thiết bị viễn thông của Trung Quốc là Huawei và Zte với lý do hai hãng này liên quan tới hoạt động gián điệp. Phía Mỹ yêu cầu hai hãng chế tạo này phải cung cấp tài liệu về sự qua lại với Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Iran để điều tra xem có phải họ đã cố tình cung cấp các sản phẩm chất lượng kém cho thị trường Mỹ, nhằm đe dọa an ninh viễn thông của Mỹ.
Cuộc điều tra bắt đầu từ tháng 11/2011 nhưng tới nay vẫn không tìm ra chứng cứ xác thực. Dẫu vậy, chính phủ Mỹ vẫn kiên trì cho rằng hai hãng chế tạo này đã tiến hành hoạt động gián điệp, cung cấp “công nghệ mang cạm bẫy” vào thị trường Mỹ, cố tình cài virút "backdoor" trong các thiết bị và phần mềm tạo ra nhằm thâm nhập hệ thống viễn thông của Mỹ để có thể phá hoại hệ thống viễn thông của Mỹ khi cần.
Tờ báo cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ ngăn cản các hãng chế tạo thiết bị viễn thông của Trung Quốc tiến quân vào thị trường nước này. Năm 2008, khi Huawei lên kế hoạch mua công ty viễn thông 3Com của Mỹ, Chính phủ Mỹ cho rằng phi vụ mua bán này có thể đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, nên đã phủ quyết kế hoạch. Với lý do tương tự, tháng 8/2010, tám Thượng nghị sĩ Mỹ đã viết thư gửi Tổng thống Barack Obama, yêu cầu tiến hành điều tra toàn diện đối với các thiết bị mà Huawei cung cấp cho Mỹ. Cũng trong năm 2010, kế hoạch mua 3Com và công ty chế tạo thiết bị mạng thuộc Motorola của Huawei một lần nữa lại bị Chính phủ Mỹ phủ quyết. Lý do vẫn không ngoài khả năng kế hoạch này sẽ đe dọa tới an ninh quốc gia của Mỹ.
Theo tờ báo, Huawei và Zte đều là các doanh nghiệp trưởng thành sau cải cách mở cửa, thực hiện chế độ doanh nghiệp hiện đại, thực lực đã vượt qua các doanh nghiệp viễn thông của Mỹ. Hiện nay, trong số 50 hãng cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu thế giới có 45 hãng sử dụng sản phẩm của Huawei và tới nay chưa xuất hiện bất cứ sự cố an toàn nào. Do đó, cáo buộc Huawei tiến hành hoạt động gián điệp là hoàn toàn vô căn cứ. Thực chất của việc ngăn cản các doanh nghiệp chế tạo thiết bị viễn thông Trung Quốc tiến quân vào thị trường Mỹ là nhằm tránh tạo ra mối đe dọa cho các doanh nghiệp của nước này.
Qua đó có thể thấy khi các doanh nghiệp Trung Quốc có năng lực cạnh tranh cao hơn các doanh nghiệp Mỹ muốn thâm nhập thị trường của nền kinh tế lớn nhất thế giới này, Mỹ sẽ tiến hành biện pháp bảo hộ thương mại. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp Mỹ muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc, Mỹ liền lấy lý do tự do thương mại, yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường. Trong vài năm qua, các “ông lớn” đa quốc gia đại diện cho các doanh nghiệp Trung Quốc đã nắm nhiều ngành nghề ở Trung Quốc, đặc biệt là ngành tài chính, đã bị Mỹ từng bước "xâm chiếm". Ngược lại, các doanh nghiệp Trung Quốc tới nay vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn nếu muốn vào thị trường Mỹ.
Lê Chân
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com