Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Triển vọng hợp tác vùng Vịnh và các nước ASEAN

Lần đầu tiên Hội nghị cấp bộ trưởng giữa sáu nước thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm Bahrain, A-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Kuwait, Oman và Qatar với mười nước thành viên Hiệp hội các nước Ðông-Nam Á (ASEAN) được tổ chức ở Bahrain cuối tháng 6 vừa qua.

GCC đã đề nghị với ASEAN xây dựng quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thương mại, lương thực... Tuy nhiên, các nước GCC đặc biệt quan tâm thúc đẩy hợp tác trong vấn đề nông nghiệp, nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho các quốc gia vùng Vịnh trước nguy cơ sản xuất lương thực ở khu vực này ngày càng giảm mạnh. Trong bối  cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng và các sản phẩm ở châu Âu và Mỹ giảm mạnh, GCC và ASEAN đều trở thành những thị trường mới của nhau và có triển vọng thúc đẩy hợp tác thông qua các lĩnh vực thế mạnh của hai bên. Các quốc gia nằm ở "rốn dầu" thế giới này rất quan tâm các sản phẩm nông nghiệp của các nước ASEAN và mong muốn đẩy mạnh hợp tác về lương thực. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bahrain K.Ben An Kha-li-pha, quan hệ đối tác này "phù hợp lợi ích của cả hai bên".

 

Vùng đất Trung Ðông khô cằn vì thiếu nước. Lượng nước trung bình tại đây chỉ ở mức 1.200 m3/người/năm, trong khi ở những nơi khác trên thế giới là 7.000m3. Diện tích đất màu mỡ rất hạn chế, nên khả năng sản xuất nông nghiệp của các quốc gia vùng Vịnh không đủ đáp ứng nhu cầu lương thực của người dân, ước tính khoảng 39 triệu người vào năm 2010 và 58 triệu người vào năm 2030. Các quốc gia vùng Vịnh buộc phải nhập khẩu lương thực. Riêng A-rập Xê-út và UAE, 80% lượng lương thực tiêu thụ được nhập khẩu. Năm 2007, các nước thành viên GCC đã phải chi mười tỷ USD để mua lương thực. Nhu cầu gạo, lúa mì và các sản phẩm sữa ở Trung Ðông tăng, hiện nhập khẩu tới 60% để đáp ứng nhu cầu lên tới 1,5 triệu tấn mỗi năm, trong đó 90% là nhu cầu lương thực. A-rập Xê-út đã tìm nhiều cách để tự chủ về lương thực nhưng đã không thành công sau khi năm ngoái sản lượng lúa mì giảm 12,5% do thiếu nguồn nước, khiến nước này phải từ bỏ chương trình 30 năm tự trồng lúa mì, kế hoạch có thể giúp vương quốc này tự túc lương thực. A-rập Xê-út kêu gọi các công ty đầu tư các dự án nông nghiệp xuyên quốc gia. A-rập Xê-út cũng như các nước vùng Vịnh muốn đầu tư ở nước ngoài thông qua mô hình "đổi dầu lấy đất trồng trọt". Theo đó, các nước vùng Vịnh cung cấp vốn và các hợp đồng dầu mỏ, đổi lại công ty của họ được bảo đảm có đất trồng trọt và được phép mang sản phẩm về vùng Vịnh. Thực ra, công thức trao đổi này đã được Hàn Quốc và Trung Quốc áp dụng ở châu Phi và châu Á.

 

Trữ lượng dầu của GCC khoảng 474 tỷ thùng, chiếm 47% trữ lượng dầu thế giới. Sự phát triển năng động của các nước ASEAN với hơn nửa tỷ dân, chiếm 10% dân số thế giới, là thị trường lớn về dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu cho các nước vùng Vịnh. Trao đổi thương mại giữa GCC và ASEAN tăng 50% mỗi năm, đạt khoảng 100 tỷ USD/năm. Singapore và GCC đã ký Hiệp định tự do thương mại (FTA). Trong khi đàm phán thương mại giữa GCC và Liên hiệp châu Âu (EU) bế tắc, GCC và các nước thành viên ASEAN  đang nghiên cứu và nỗ lực chuẩn bị cho một hiệp định tự do thương mại giữa hai khối với hy vọng có thể đạt được vào tháng 9 tới. GCC và ASEAN đã đưa ra một tuyên bố tầm nhìn chung nhằm dọn đường cho các dự án hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, an ninh lương thực, năng lượng, vận tải, viễn thông, công nghiệp, nông nghiệp, môi trường... GCC quan tâm các lĩnh vực cung cấp lao động, du lịch, chữa bệnh của các nước ASEAN và tìm kiếm khả năng hợp tác một số nước  về nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực. Các nước ASEAN, nhất là Thái-lan quan tâm sản xuất năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt của các nước GCC và coi đây là thị trường mới cho xuất khẩu thực phẩm của họ. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Thái-lan Ka-xít Pi-rô-mi-a, hợp tác năng lượng giữa hai khối sẽ tập trung lĩnh vực công nghiệp hóa dầu và năng lượng thay thế. Ông cho rằng khả năng tài chính của các nước vùng Vịnh có thể đổ vào các nước như Thái-lan, Philippines, Indonesia để đầu tư trong việc biến các sản phẩm nông nghiệp thành năng lượng thay thế. Thái-lan, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, bảo đảm sẽ cung cấp nhu cầu gạo ở vùng Vịnh trong 10 năm tới. Mới đây, các nước vùng Vịnh bắt đầu quan tâm mô hình đầu tư mới là muốn hợp tác sản xuất lương thực tại Thái-lan thay vì nhập khẩu thực phẩm của nước này như trước đây. Bộ trưởng Ngoại giao Thái-lan cho biết, GCC có thể thuê đất ở Philippines trong 50 năm và Thái-lan đang cân nhắc khả năng như vậy. Ngân hàng Hồi giáo An Xa-lam có trụ sở ở Bahrain đã ký một hiệp định với Công ty lương thực và thực phẩm của Thái-lan Cha-rơn Poóc-phan đầu tư chung trong kinh doanh lương thực.

(Theo HỒNG CẦM // Báo Nhân dân điện tử)

  • Mumbai báo động nguy cơ bị tấn công khủng bố
  • Pakistan tin tưởng đạt được hòa bình với Ấn Độ
  • Thủ lĩnh thứ hai al-Qaeda kêu gọi người Pakistan tham gia thánh chiến
  • Ấn Độ sắp ‘trình làng’ tàu ngầm nguyên tử tự chế
  • Trung Quốc mua cổ phần lô dầu ngoài khơi Angola
  • Campuchia yêu cầu Thái Lan gỡ hình "sai lịch sử"
  • Mâu thuẫn trong dòng họ Nehru-Gandhi nổi tiếng nhất tại chính trường Ấn Độ
  • Trung Quốc ban hành quy định mới chống tham nhũng