Người Trung Quốc sống ở châu Phi có văn hóa kinh doanh kiểu "bừa bãi", không quan tâm đến các luật lệ và quy định dù nhỏ nhất. Họ bỏ qua sự nhạy cảm của người địa phương. Zhu Liangxiu, một thợ làm giày đến từ thành phố Phật Sơn (Foshan), gần Hong Kong (Trung Quốc), uống một ngụm rượu Kenya trong một quán bar ở Nairobi và nói một câu châm ngôn của người Trung Quốc: "Một người không thể hai lần lội xuống cùng một dòng sông". Đây là lần thứ hai ông đến châu Phi. Dù ông nói đã bắt đầu yêu mến nơi này, nhưng bạn vẫn có thể thấy sự thất vọng trong giọng nói của ông. Trong chuyến đi đầu tiên cách đây ba năm, ông Zhu đã ghi đầy cuốn sổ tay gồm các đơn đặt hàng, và đã ngạc nhiên khi người châu Phi không chỉ muốn giao thương với ông mà còn thích thú với công ty của ông. "Tôi đã đến nhiều châu lục và không ở đâu cảm thấy được đón tiếp nồng hậu như ở đây". Những người lạ chúc mừng ông vì thỏa thuận đầy hứa hẹn mà nước ông đem đến cho các quốc gia đang phát triển. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất châu Phi và mua hơn 1/3 lượng dầu mỏ của châu lục này. Họ đã bỏ tiền ra xây dựng vô số trường học và bệnh viện mới. Người dân địa phương tự hào nói với ông Zhu rằng Trung Quốc đã làm rất nhiều để chấm dứt cái nghèo ở châu Phi, nhiều hơn bất cứ nước nào khác. Lần này đến châu Phi, ông thấy việc kinh doanh vẫn tốt đẹp, có thể còn tốt hơn lần trước. Nhưng thái độ của người châu Phi đã thay đổi. Các đối tác nói ông đang bóc lột họ. Các chính khách bắt đầu chạy đua với con bài chống Trung Quốc. Hàng hóa Trung Quốc bị đưa ra làm ví dụ điển hình cho thấy những sản phẩm kém chất lượng. Người ta bắt đầu bàn tán về "thực dân" thế giới. Trẻ em cười nhạo còn người lớn xì xào về việc những con chó trên đường biến mất trong những nồi nấu ăn. Vốn được ca tụng là vị cứu tinh của nhiều nước châu Phi, Trung Quốc giờ đã bắt đầu bị nhìn nhận với con mắt khác - đặc biệt ở những nước nhỏ hơn, nơi sức nặng của Trung Quốc được cảm thấy rõ nét. Nguyên nhân có rất nhiều: nào là những thói quen xấu trong kinh doanh được thâm nhập vào các nước châu Phi cùng với hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ Trung Quốc; những công trình xây dựng cẩu thả do Trung Quốc làm chủ thầu. Một bệnh viện ở Luanda, thủ đô của Angola, đã "trống rong cờ mở" khi khai trương, nhưng chỉ vài tháng sau đã xuất hiện những vết nứt trên tường khiến nó phải sớm đóng cửa. Một đường quốc lộ do Trung Quốc xây dài 130 km từ Lusaka, thủ đô của Zambia, tới thành phố Chirundu (Đông Nam) đã nhanh chóng bị sạt lở vì mưa. Kinh doanh kiểu Trung Quốc Người Trung Quốc sống ở châu Phi có văn hóa kinh doanh kiểu "bừa bãi", không quan tâm đến các luật lệ và quy định dù nhỏ nhất. Họ bỏ qua sự nhạy cảm của người địa phương. Tập đoàn Dầu lửa Trung Quốc (Sinopec) đã khai thác ở một công viên quốc gia của Gabon. Một công ty dầu lửa quốc gia khác của Trung Quốc đã tạo ra những hồ tràn nguyên liệu ở Sudan. Bộ trưởng Môi trường Zimbabwe nói các công ty đa quốc gia của Trung Quốc "đang hoạt động như những người khai mỏmakorokoza" - cụm từ chỉ sự khinh bỉ khi nói về những người đào vàng trái phép. Trong khi đó, nhân công không được quan tâm đúng mức. Tại các mỏ đồng do Trung Quốc khai thác ở Zambia, người ta phải làm việc 2 năm mới được nhận mũ sắt bảo vệ. Dưới lòng đất rất thiếu gió và tai nạn chết người xảy ra gần như hàng ngày. Để tránh bị trừng phạt, các chủ doanh nghiệp Trung Quốc đút lót các chủ nghiệp đoàn, bố trí cho họ đi "các tua nghiên cứu" ở các phòng xoa bóp bấm huyệt ở Trung Quốc. Những đại diện công nhân gây khó dễ thì bị sa thải và các công nhân tụ tập thành nhóm bị giản tán một cách bạo lực. Khi mọi việc được đưa ra tại tòa, đến lượt các nhân chứng bị đe dọa. Căng thẳng leo thang đến đỉnh điểm khi các thợ mỏ ở Sinazongwe, một thị trấn miền Nam Zambia, biểu tình phản đối điều kiện làm việc thiếu thốn. Hai chủ doanh nghiệp Trung Quốc đã bắn vào đám đông, làm ít nhất 10 người bị thương. Patson Mangunje, một thành viên hội đồng địa phương, cho biết: "Người dân đã nổi giận như những con chó dại". Phía Trung Quốc cũng tỏ ra giận dữ và bất bình. Tại thị trấn Newcastle của Nam Phi, các xưởng dệt may của Trung Quốc trả lương công nhân khoảng 200 USD/tháng , nhiều hơn ở Trung Quốc, nhưng ít hơn mức lương tối thiểu ở địa phương. Các nghiệp đoàn đã cố đóng cửa các xưởng may này. Các chủ sở hữu người Trung Quốc vẫn bỏ ngoài tai hoặc giả vờ không biết nói tiếng Anh. Họ giải thích rằng nhiều công ty Nam Phi cũng đang phải cắt giảm lương tối thiểu, vốn đang ở mức rất cao. Nếu không có các công ty Trung Quốc, tình trạng thất nghiệp ở Newcastle có thể còn vượt qua mức 60% hiện nay. Công nhân thì nói rằng có một công việc với mức lương thấp còn hơn không. Một vài người trong số họ mới đây đã ngăn cản cảnh sát đóng cửa xưởng may này sau khi một nghiệp đoàn có lệnh cấm của tòa án. Wang Jinfu, một chủ doanh nghiệp trẻ tuổi người Trung Quốc bày tỏ: "Hãy nhìn chúng tôi xem. Chúng tôi đâu phải là những người chủ ác nghiệt". Anh Wang và vợ từ tỉnh Phúc Kiến (miền Nam Trung Quốc) đã đến đây 4 năm qua với 3.000 USD. Họ đã phải ngủ trên một tấm đệm bẩn thỉu ngay trên sàn nhà máy. Trong khi 160 công nhân của họ làm việc 40h/tuần, đôi vợ chồng chủ này phải giám sát và điều hành nhà xưởng từ sáng sớm đến tối mịt, và ngày nào cũng vậy trong suốt cả năm. Wang tự hỏi: "Sao mọi người lại ghét chúng tôi vì điều đó?" Trên thực tế, Trung Quốc đã giúp giảm thất nghiệp ở châu Phi và tạo ra những hàng hóa cơ bản như giày dép và đài phát thanh. Thương mại vượt mức 120 tỷ USD hồi năm 2010. Trong 2 năm qua, Trung Quốc đã cho các nước nghèo vay, chủ yếu ở châu Phi, nhiều hơn con số Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay. Quỹ Heritage của Mỹ ước tính trong những năm 2005-2010, khoảng 14% vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc được đổ vào khu vực châu Phi hạ Sahara. Một câu trả lời cho câu hỏi của ông Wang là cuộc cạnh tranh, nhất là với người nước ngoài, hiếm khi được ủng hộ. Hàng trăm xưởng dệt may trên khắp Nigeria đã phá sản trong những năm gần đây vì không thể cạnh tranh với quần áo giá rẻ của Trung Quốc. Hàng nghìn việc làm đã mất. Vui buồn lẫn lộn Sự xuất hiện mới đây của các thương gia Trung Quốc trên các ngõ phố bụi bẩn của khu chợ Soweto ở Lusaka đã giúp giảm một nửa giá gà. Giá bông cải cũng giảm tới 65%. Điều này có lợi cho người tiêu dùng. Nhưng các thương gia bản địa mang những chiếc lồng đầy gia cầm của mình tới ủy ban cạnh tranh của địa phương than phiền: "Người Trung Quốc đã dám làm rối loạn thị trường của chúng ta", Justin Muchindu, một người bán hàng nói. Tại Dar es Salaam, trung tâm thương mại ở Tanzania, người Trung Quốc đã bị cấm bán hàng trong chợ. Chính phủ nước này hồi đầu năm 2011 cho biết người Trung Quốc được hoan nghênh như những nhà đầu tư, chứ không phải là những "người bán hàng hay người đánh giầy". Một câu trả lời khác, mà những người chỉ trích Trung Quốc đưa ra, là người Trung Quốc đã mang đến những thói quen xấu, cùng với thương mại, đầu tư, việc làm và kỹ năng. Nền kinh tế Trung Quốc bị đánh giá là tham nhũng, dù tính theo tiêu chuẩn của châu Phi. Các chủ doanh nghiệp Trung Quốc bị xếp gần đầu bảng trong bảng xếp hạng quốc tế về những người đút lót, hối lộ nhiều nhất. Khi các chủ doanh nghiệp này ra nước ngoài, họ đem theo tiền hối lộ và phá hoại cách quản lý tốt ở nước bản địa. WB đã cấm một số công ty Trung Quốc tham gia đấu giá bỏ thầu ở châu Phi. Những người ủng hộ Trung Quốc đáp lại rằng tác động có hại đến sự quản lý là rất hạn chế. Các lãnh đạo châu Phi thấy khó sử dụng quỹ phát triển. Tiền thường được đổ vào các tài khoản do bên thứ ba nắm giữ ở Bắc Kinh; sau đó một danh sách các dự án cơ sở hạ tầng được lập ra, các công ty Trung Quốc được giao những hợp đồng xây dựng và tiền được chuyển vào tài khoản của công ty này. Châu Phi có đường xá và cầu cảng, chứ không phải là tiền. Ít nhất là về lý thuyết. Một cách trả lời thứ ba là Trung Quốc bị cho là đang tích trữ các nguồn tài nguyên của châu Phi. Tuy nhiên, lợi ích của họ tại châu Phi không phải là hạn chế các nguồn tài nguyên. Thực tế là họ xây đường sắt và cầu ở xa các mỏ quặng và mỏ dầu. Trung Quốc không phải là một nhà tài trợ bình thường, nhưng cũng không phải là một kẻ thực dân chỉ quan tâm đến cướp đất. Những người chỉ trích nói rằng Trung Quốc đã giành quyền sở hữu tài nguyên thiên nhiên, dù các hợp đồng dịch vụ và các nhượng bộ khác vẫn đúng tiêu chuẩn. Trung Quốc cũng thường bị cáo buộc là đưa các tù nhân khổ sai sang châu Phi - người dân bản địa cho rằng các công nhân Trung Quốc có kỷ luật cao trong những bộ đồng phục lao động vất vả từ sáng tới tối hẳn là vì họ đang chịu án tù. Sự mập mờ trong quan hệ của Trung Quốc với châu Phi đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các chính trị gia. Các đảng phái đối lập, nhất là ở miền Nam châu Phi, thường tranh cử trên nền tảng chống Trung Quốc. Kể cả quốc gia như Rwanda cũng đã chua cay khi nói về "sự bóc lột" của Trung Quốc. Kể cả ở những nơi yên bình hơn như Namibia, thái độ chống đối cũng hừng hực. Công nhân tại những công trình xây dựng của Trung Quốc ở thủ đô Windhoek nói họ bị "đối xử không công bằng". Tại Zambia, lãnh đạo phe đối lập Michael Sata thì nổi tiếng với biệt danh là người hoài nghi Trung Quốc. Trung Quốc muốn gì? Dù sao phản ứng dữ dội trên cũng là bình thường. Hàng chục nghìn chủ doanh nghiệp từ một trong những nền kinh tế hiện đại thành công nhất đã phải rời khỏi châu Phi. Sanou Mbaye, một cựu quan chức cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Phi, cho biết người Trung Quốc đến châu Phi trong 10 năm qua nhiều hơn người châu Âu trong 400 năm qua. Ban đầu họ đến từ các công ty nhà nước, sau ngày càng có nhiều người đến theo diện cá nhân hoặc ở lại sau khi kết thúc một hợp đồng làm việc. Nhiều người mơ ước một cuộc sống mới. Các thợ mỏ và công nhân xây dựng thấy cơ hội kinh doanh ở châu Phi, và được tự do hơn (khi được làm chủ doanh nghiệp của mình và được nói những gì mình muốn, và... thoải mái gây ô nhiễm). Một cuộc thăm dò của Chính phủ Trung Quốc với 1.600 công ty cho thấy ngày càng nhiều người coi châu Phi là một cơ sở công nghiệp. Tỷ lệ công ty sản xuất chế biến trong tổng đầu tư của Trung Quốc (22%) đang gần đuổi kịp tỷ lệ công ty khai mỏ (29%). Điều này một phần là vì người châu Phi cũng muốn được như vậy. Một số nước đã coi đầu tư công nghiệp là một điều kiện tiên quyết cho các thỏa thuận liên quan đến tài nguyên. Tại Ethiopia, 2 trong số 3 công ty Trung Quốc là công ty chế biến. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn muốn làm nhiều hơn là khai thác nhiên liệu khi đầu tư ra nước ngoài. Họ hy vọng xây dựng những ngôi nhà chọc trời ở Tokyo, vận hành các ngân hàng ở London và làm phim ở Hollywood. Tại châu Phi, họ có thể nắm được mấu chốt vấn đề ở một khu vực mà cạnh tranh còn yếu. Châu lục này - sẽ sớm được nối với các cảng thương mại tự do của Trung Quốc - là một hòn đá tảng cho sự hiện diện thương mại trên toàn cầu. Để đạt mục đích này, chính phủ ở Bắc Kinh khuyến khích mọi dạng hoạt động ở châu Phi. Xây dựng là một ưu tiên, chiếm 3/4 đầu tư tư nhân của Trung Quốc tại châu lục này. Bộ Thương mại cho biết các công ty Trung Quốc đang ký các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá hơn 50 tỷ USD mỗi năm. Đầu tư của Trung Quốc vào nông nghiệp tại châu Phi đạt 5 tỷ USD. Rất nhiều người châu Phi cảm thấy lo lắng về những con số này. Có thể động lực lớn nhất của Trung Quốc là tài chính. Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc đã mua 20% cổ phần của Ngân hàng Standard, một nhà cho vay của Nam Phi và là ngân hàng lớn nhất châu Phi về tài sản, và hiện đang mở các tài khoản bằng đồng Nhân dân tệ cho các thương gia Trung Quốc ở nước ngoài. Các ngân hàng khác ở đại lục cũng đã mở văn phòng tại đây, và tung ra các khoản cho vay không phải ký quỹ dành cho các công ty Trung Quốc. Về lý thuyết, người châu Phi có thể vay với điều kiện tương tự, nhưng điều này hiếm khi xảy ra. Chính phủ Trung Quốc - cơ quan kiểm soát các ngân hàng - cũng đã cảnh báo trước những chỉ trích như vậy. Một quan chức Trung Quốc thừa nhận hình ảnh của Trung Quốc ở châu Phi bị hoen ố không chỉ bởi các chủ doanh nghiệp "cao bồi". Nhiều chính sách của chính phủ cũng cần được cải thiện. Sự hoài nghi lớn nhất là kiểu chuyển tiền mà Trung Quốc dành cho các nước châu Phi. Hầu hết các khoản cho vay và thanh toán đều "bị ràng buộc" - ví dụ, người nhận phải tiêu tiền vào các công ty Trung Quốc. Nhưng các viện trợ có ràng buộc này lại dẫn tới những sản phẩm kém chất lượng. Do không có cạnh tranh, các công ty được lợi bỏ đi sau khi để lại những con đường xuống cấp và những bệnh viện giá cắt cổ. Tệ hơn, Chính phủ Trung Quốc không minh bạch trong vấn đề tài chính. Các con số viện trợ được coi là bí mật quốc gia. Ngân hàng Exim Bank và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, những nhà cho vay chính, không công bố số liệu nào về các khoản cho nước nghèo vay. Nói gì thì nói, người châu Phi không phải là hoàn toàn bất lực trong quan hệ kinh doanh với người Trung Quốc. Phải thừa nhận là có một số người không mạnh trong thương lượng: một ông chủ bình thường người Rwanda để cho các nhà đầu tư Trung Quốc tha hồ hoành hành. Nhưng các chính phủ châu Phi đã ký các thỏa thuận hợp lý với Trung Quốc; và một số nước như Angola thậm chí là những nhà đàm phán hách dịch. Tổng thống Angola đã công khai nói với đối tác Trung Quốc: "Các ngài không phải là bạn duy nhất của chúng tôi". Các nhà đầu tư người Brazil và Bồ Đào Nha có rất nhiều ở thủ đô Luanda của Angola, và người Angola thường lấy họ làm đối trọng với Trung Quốc. Angola từng cấm một công ty dầu mỏ nhà nước Trung Quốc sau khi không thống nhất được về một nhà máy lọc dầu. Công ty này đã phải quay lại một năm sau đó và đề xuất rất nhiều tiền. Tuy nhiên, còn một thực tế khác là bất kể các chính phủ châu Phi đã cố gắng thế nào, họ cũng không thể đối phó với những các doanh nghiệp mới mọc lên. Các quy định để bảo vệ nhân công và môi trường đều có, nhưng các thể chế quá yếu để cưỡng chế thi hành chúng. Các thanh tra lao động ở Lusaka chỉ có độc một chiếc xe hơi để làm nhiệm vụ và mới đây chiếc xe này đã bị hỏng. Trong khi đó, các kỹ sư Trung Quốc đã thành lập rất nhiều xưởng sản xuất tạp nham. Chính vì vậy, châu Phi muốn nắm lấy các cơ hội mới do Trung Quốc đem đến, nhưng vẫn lo lắng về những cạm bẫy mà nó tạo ra. Các nước phương Tây cũng sẽ muốn theo dõi tiến bộ của những đại gia Trung Quốc vượt Ấn Độ Dương: những người như Danny Lau, một thanh niên 31 tuổi đến từ Thượng Hải, người cách đây một năm theo nhóm bạn đến Zambia và ngày nay trở thành một thương gia buôn than đá và bất động sản thành đạt. Anh cho biết trong vài năm nữa, họ sẽ chuyển đến một châu lục giàu có hơn. Những gì họ học được ở Accra và Brazzaville sẽ cùng họ đến Vancouver và Zagreb. Châu Giang// Tuần Việt Nam// THEO THE ECONOMIST
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com