Mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất đối với sự thống lĩnh thị trường của các nhà sản xuất máy bay phương Tây cuối cùng đã “lộ diện” tại Triển lãm hàng không Singapore.
Mẫu máy bay trên được thiết kế và lắp ráp hoàn toàn tại Trung Quốc, sẽ trực tiếp cạnh tranh với những mẫu máy bay “đình đám” của Airbus và Boeing như A320 hay Boeing737. Theo dự kiến, Comac C919 sẽ được “chào hàng” vào năm 2016.
Trả lời BBC, một quan chức từ Tập đoàn hàng không thương mại Trung Quốc (Comac) khẳng định “Đó là kế hoạch của chúng tôi. Sẽ rất khó khăn để triển khai kế hoạch này. Hiện nay, thời hạn giao hàng thường bị trì hoãn lại.”
C919 là một phần trong mục tiêu đã được Trung Quốc công bố nhằm phát triển ngành công nghiệp hàng không trong nước, và một ngày không xa mẫu máy bay này sẽ trở thành “thách thức lớn” đối với Airbus và Boeing trên thị trường máy bay thương mại toàn cầu.
Comac có kế hoạch sản xuất khoảng 2.000 chiếc C919 trong hai thập kỷ tới, với mục tiêu chiếm lĩnh khoảng 10% thị phần máy bay loại nhỏ. Comac có trụ sở chính tại Thượng Hải và nhận được sự giúp đỡ hoàn toàn từ chính phủ Trung Quốc. Không những thế, Comac cũng nhận được sự trợ giúp của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước khác như Chinalco và Baosteel.
Comac đã bán được hơn 240 chiếc máy bay ARJ-21 được lắp ráp động cơ đôi cho các hãng hàng không Trung Quốc, một hãng vận chuyển của Lào cũng như cho một đơn vị thuộc tập đoàn General Electric.
Các chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ sớm thiết lập được vị thế vững mạnh trong lĩnh vực sản xuất máy bay thương mại trong vòng 10 hoặc 20 năm nữa. Triển vọng đó đã thu hút sự chú ý của nhiều hãng cung cấp linh kiện máy bay phương Tây như Rockwell Collins, General Electric và Honeywell.
Honeywell hiện đang rất nỗ lực để đạt được thỏa thuận bán hệ thống điện và điều hành máy móc sử dụng để lắp ráp C919. Trước đây, chính hãng này đã nhận được hợp đồng bán hệ thống di chuyển quán tính và kiểm soát bay sử dụng trong ARJ-21.
Cũng như nhiều hãng sản xuất Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, Honeywell đang “bám sát” mọi tin tức liên quan tới tranh cãi giữa Bắc Kinh và Washington, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới thương vụ bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan.
Điều này xuất phát từ lời đe dọa trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan mới được Bắc Kinh đưa ra.
Boeing là một trong số các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với lệnh trừng phạt vì hãng này là nhà sản xuất tên lửa Harpoon, một trong những vũ khí sẽ được Đài Loan mua theo thỏa thuận với Mỹ.
Boeing và nhiều hãng sản xuất phương Tây đã thu được nhiều “món hời” trong công việc kinh doan tại Trung Quốc. Mới đây một lãnh đạo của Boeing, ông Randy Tinseth đã bày tỏ “Trung Quốc là một thị trường kỳ diệu trong năm qua.”
(Trang tin VN&QT)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com