Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình

 Cái bẫy thu nhập trung bình mà các quốc gia Nam Phi và Nam Á đối mặt đang trở thành mối lo với Trung Quốc khi GDP bình quân đầu người của nước này chạm mức 4.000 USD sau hàng thập kỷ tăng trưởng nóng.

Các chuyên gia cho rằng nước này sẽ vấp phải bẫy thu nhập trung bình trên nếu chính phủ chỉ đạo chuyển hướng nền kinh tế sang phát triển bền vững.

Lịch sử đã cho thấy rất nhiều quốc gia có thể chuyển từ mức thu nhập thấp lên thu nhập trung bình, tuy nhiên chỉ rất ít nước có thể tiến đến mức thu nhập cao. Nhiều nước - bao gồm cả Argentina, Philippines và Malaysia - đều bị mắc kẹt trong tình trạng đó khi cố gắng hướng đến mức thu nhập cao. Đây chính là tình thế mà World Bank gọi là “cái bẫy thu nhập trung bình”.

Trung Quốc đã duy trì được đà phát triển mạnh mẽ kể từ khi nước này thi hành các chính sách mở cửa và cải tổ năm 1978. Các dữ liệu cho thấy GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng từ 155 USD vào năm 1978 đến hơn 4.000 USD năm 2010.

Tuy nhiên, phát triển nhanh luôn đi kèm với những hệ quả như chênh lệch thu nhập ngày càng gia tăng, nhu cầu nội địa yếu và chi phí môi trường cao.

Ông Wang Jun - một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc (nơi cố vấn các chính sách kinh tế cho chính phủ) - nói rằng chìa khóa để tránh được “cái bẫy thu nhập trung bình” là đẩy nhanh quá trình chuyển dịch của nền kinh tế Trung Quốc theo mô hình bền vững hơn.

Sự phát triển của kinh tế Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu và đầu tư, đặc biệt là đầu tư công. Trong khi đó, nhu cầu nội địa lại rất yếu. Ông Wang nói: “Vì sự chênh lệch trong tiêu dùng nội địa, nên khu vực dịch vụ của chúng tôi yếu hơn rất nhiều so với các nước phát triển”. Ông gợi ý để chống lại cái bẫy này, chính phủ nên nâng cao thu nhập cho người dân và cải thiện an ninh xã hội để thúc đẩy nhu cầu nội địa, trong khi vẫn phải đảm bảo phát triển kinh tế nhanh theo hướng bền vững.

Ông Zhou Tianyong, một giáo sư tại Trường Đảng của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc - cũng đồng tình với quan điểm của ông Wang và cho biết thêm rằng chính phủ đã nhận ra những vấn đề của nền kinh tế và đang áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết.

Trong kế hoạch Phát triển Kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 12 (2011-2015), Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hằng năm là 7% và tăng thu nhập đầu người hằng năm là hơn 7%. Ông Zhou nói: “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đặt mục tiêu giữ cho tăng trưởng thu nhập hàng năm theo kịp với tăng trưởng GDP để tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ phát triển kinh tế”.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các biện pháp cứng rắn mà chính phủ đang thực hiện ở tất cả các cấp để cải tổ hệ thống phân phối thu nhập trong nước vẫn còn là một chặng đường rất dài. Ông Wang Jun đã nói với tờ Xinhua rằng chính phủ nên thiết lập các cơ chế có liên quan nhiều hơn để tăng phần trăm thu nhập của người dân trong GDP.

Ông Wang nói: “Nếu người dân cảm thấy tự tin trong chi tiêu, họ sẽ sẵn sàng chi nhiều hơn nữa. Trung Quốc cần đẩy mạnh tiêu dùng nội địa để đảm bảo phát triển trong tương lai”. Ông tin rằng Trung Quốc có khả năng đạt được phát triển nhanh nếu nước này thúc đẩy được tiêu dùng nội địa. Ông nhận định: “Quá trình đô thị hóa của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục trong ít nhất là 20 hoặc 30 năm nữa. Vì vậy, tiềm năng phát triển mạnh hơn nữa đi kèm với sự tăng tiêu dùng sẽ là rất lớn”. Ông cũng nhấn mạnh Trung Quốc nên khuyến khích các ý tưởng đột phá và để việc này dẫn dắt nền kinh tế thay vì chỉ làm công xưởng và thị trường của thế giới.

Điều này cũng hoàn toàn trùng với quan điểm của ông Martin Wolf - phó tổng biên tập và cũng là nhà bình luận kinh tế trưởng của tờ Financial Times. Trong hội thảo thường niên của Trung tâm chính sách kinh tế và toàn cầu hóa được tổ chức tại Ningbo, Triết Giang, Trung Quốc, ông nói: “Khả năng Trung Quốc rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình là rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu có thể tránh được, thì mục tiêu cho quốc gia này trong vòng hai hoặc ba thập kỷ tới phải là tăng cường sản xuất nền tảng và có nhiều đột phá”.

Chính phủ Trung Quốc cũng khẳng định rõ ràng trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 rằng cải tiến và đột phá về công nghệ sẽ là trụ cột quan trọng trong việc đẩy nhanh sự chuyển dịch của mô hình phát triển kinh tế nước này.

(VnExpress)