Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc tập trung chống lạm phát

Năm 2011, tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc có xu hướng tăng nhanh. mức lạm phát cao đe dọa sự ổn định xã hội. Trung Quốc đẩy mạnh đối phó lạm phát bằng những giải pháp truyền thống, tương ứng các nguyên nhân gây ra lạm phát.

Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, trong 30 năm qua, Trung Quốc ba lần đối diện sức ép lạm phát cao vào các năm 1985; 1988-1989 và 1992-1996. Trong đó, mức lạm phát (thể hiện qua chỉ số CPI) trung bình đạt tới 14,11% trong giai đoạn 1992-1996, thậm chí cuối năm 1994, tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc đã gần chạm đỉnh 30%. Từ năm 1994 đến năm 2010, tốc độ lạm phát trung bình mỗi năm là 4,3%. Năm 2011, lạm phát có xu hướng tăng nhanh: so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 1 và tháng 2 vừa qua tăng 4,9% (giá lương thực và thực phẩm tăng tới 10,3%, trong đó giá lương thực tăng 15,1%, còn giá rau quả tươi tăng gần 35%); CPI tháng 3 tăng 5,4% (trong đó giá lương thực tăng 11,7%) và tháng 4 là 5,3%. Tuy nhiên, đến tháng 5, CPI lại tăng lên mức 5,5% và trong tháng 6 là 6,1%. Ðây là mức tăng nhanh nhất trong vòng 35 tháng qua.

Lạm phát ở Trung Quốc là hệ quả tổng hòa của các nhân tố tiền tệ, chi phí đẩy, ngoại nhập, cầu kéo và thiên tai, cùng các nhân tố khác, như đầu cơ, tâm lý và những hạn chế trong cơ cấu kinh tế của bản thân mô thức phát triển của Trung Quốc... Trong đó, có mất cân đối cung-cầu và tăng giá lương thực, thực phẩm, nhất là nông sản gắn với thiên tai và hiện tượng đầu cơ trong lưu thông; do tăng lương và giá tài sản, nhất là bất động sản; nhưng chủ yếu là do chính sách tài chính-tiền tệ nới lỏng quá mức...

Từ năm 2000 trở lại đây, khoảng cách giữa lượng tiền phát hành và GDP ở Trung Quốc mỗi năm lại bị kéo rộng thêm. Trong hai năm qua, cung tiền của Trung Quốc đạt mức kỷ lục 17.500 tỷ NDT. Tăng trưởng cung tiền M2 trong tháng 2-2010 đạt 25,5% trong khi con số này của tháng 1-2010 là 26%. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng cung tiền M2 trong năm 2010 là 17%. Tính đến hết tháng 8-2010, quy mô M2 của Trung Quốc bằng 5,5 lần mức tương ứng của mười năm trước.

Lạm phát ở Trung Quốc còn bị ảnh hưởng trực tiếp từ mở rộng đầu tư công và tài trợ tín dụng rẻ cho thị trường bất động sản, cũng như các hoạt động đầu tư của Chính phủ vào việc phát triển các dự án hạ tầng cơ sở trị giá hàng tỷ USD khác. Ðể tránh tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và ngăn chặn suy giảm kinh tế, Trung Quốc đã thực hiện gói kích thích kinh tế 4.000 tỷ NDT vào cuối năm 2008. Từ tháng 11-2008 đến tháng 12-2010, tín dụng ngân hàng của Trung Quốc đạt 18.750 tỷ NDT. Trong khi đó, GDP của Trung Quốc thời gian này chỉ đạt khoảng 76.000 tỷ NDT. Như vậy, trong khi tăng trưởng kinh tế thực tế chỉ là 152%, thì mức tăng phát hành đã đạt mức 358%. Dùng nhiều tiền hơn để mua ít hàng hóa hơn khiến vật giá ở Trung Quốc leo thang.

Hoạt động cho vay của các công ty tài chính, vốn chịu quy chế giám sát lỏng lẻo bên ngoài hệ thống ngân hàng của Trung Quốc, đã tăng mạnh trong năm 2010, làm gia tăng khó khăn đối với những nỗ lực nhằm kiểm soát tăng trưởng và lạm phát. Tờ Wall Street Journal cho biết, kiểm soát tín dụng ở Trung Quốc đã trở thành một công việc khó khăn hơn, khi hệ thống tài chính phát triển hơn. Gần đây, một số tổ chức cho vay, gồm các quỹ ủy thác, công ty cho thuê và bảo lãnh tài chính... đã nổi lên để đáp ứng nhu cầu vay vốn ngoài ngân hàng. Do phải chịu các quy định về giới hạn cho vay, các ngân hàng ở Trung Quốc đã tìm đến các công ty ủy thác để giảm quy mô của bảng cân đối kế toán. Hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings ước tính, các ngân hàng của Trung Quốc đã cho vay quá mức giới hạn 7,5 nghìn tỷ NDT, tương đương 1.126 tỷ USD, mà Chính phủ nước này đặt ra cho vốn tín dụng nội tệ cấp mới năm nay. Báo cáo của Fitch Ratings cho rằng, một lượng vốn vay hơn ba nghìn tỷ NDT từ các ngân hàng Trung Quốc đã không được kê khai trên bảng cân đối kế toán của họ.

Chính sách tiền tệ nới lỏng và những khoản đầu tư lớn trong các dự án cấp địa phương đã giúp hồi phục tăng trưởng, nhưng cũng tạo áp lực (dù trễ) cho lạm phát. Trong khi đó, việc giá bất động sản tăng quá nhanh có nguy cơ dẫn tới vỡ bong bóng và những món nợ khổng lồ của các cấp chính quyền địa phương sớm muộn sẽ dẫn tới một làn sóng nợ khó đòi ở các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc. Áp lực giá cả tại Trung Quốc tăng cao bởi tín dụng tăng trưởng quá nóng trong năm ngoái. Giáo sư kinh tế Giang Uây-ing của Ðại học Tổng hợp Bắc Kinh nhận xét: 'Nguồn gốc của lạm phát là do chính sách kích cầu kinh tế của Chính phủ Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua. Ngăn chặn lạm phát không dễ dàng, có thể phải mất một thời gian dài'. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã bày tỏ quan ngại về các khoản nợ xấu ở Trung Quốc và cho rằng khoản nợ này lớn hơn mức mà các chính quyền địa phương nước này ước tính lúc đầu. Mới đây, Cơ quan Kiểm toán quốc gia Trung Quốc thông báo đã phát hiện khoản nợ của chính quyền các địa phương tính đến cuối năm 2010 đã lên tới 10.700 tỷ NDT (1.650 tỷ USD), tương đương 27% GDP của Trung Quốc, và cảnh báo rủi ro hoàn trả. Ðiều này cho thấy mức nợ công thật sự ở Trung Quốc cao hơn nhiều so với con số 17% GDP mà Bộ Tài chính Trung Quốc thừa nhận.

Cũng như các nước khác, Trung Quốc đối phó lạm phát bằng tất cả những giải pháp truyền thống, tương ứng với các nguyên nhân gây ra lạm phát, trong đó nổi bật là các nhóm giải pháp về tăng cường cân đối cung-cầu, ổn định giá lương thực, thực phẩm và nhất là thực hiện việc thắt chặt cung ứng tiền tệ, nâng lãi suất và tăng dự trữ bắt buộc.

Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Trung Quốc, ra thông báo cho biết, Chính phủ Trung Quốc sẽ áp dụng cách tiếp cận ổn định, thận trọng và linh hoạt đối với kinh tế trong năm 2011. Theo đó, về cơ bản sẽ giữ đồng NDT 'ổn định' ở mức độ cân bằng và chấp nhận được. Thông báo nhấn mạnh: 'Ưu tiên là xử lý thích đáng, tích cực các mối quan hệ giữa việc duy trì sự phát triển kinh tế tương đối nhanh và vững vàng với tái cấu trúc kinh tế, kiểm soát lạm phát tiềm năng. Tái cấu trúc kinh tế mang tính chiến lược sẽ được thúc đẩy và ổn định giá sẽ có một vị trí nổi bật hơn'. Hội nghị đặt ra sáu mục tiêu chiến lược cho kinh tế năm 2011, nhưng nhiệm vụ chủ chốt là đưa lạm phát vào vòng kiểm soát.

Ðể ngăn chặn lạm phát tăng vọt, Bắc Kinh đã tăng cường thắt chặt các hoạt động tín dụng, nhất là điều kiện các khoản cho vay, tăng lãi suất cho vay (không khuyến khích vay) và lãi suất các khoản tiền gửi ngân hàng (khuyến khích gửi tiền tiết kiệm), và nâng tỷ lệ dự trữ tiền mặt. Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBoC) nhiều lần điều chỉnh tăng lãi suất và nâng mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại nhằm hạn chế khối lượng tín dụng cho vay, qua đó, giảm khối lượng tiền tệ lưu thông. Từ tháng 10-2010 đến nay, PBoC đã năm lần nâng lãi suất cơ bản đồng NDT, tám lần nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Hiện nay, lãi suất cho vay và tiền gửi ở Trung Quốc đều tăng lên mức đỉnh điểm trong chín năm qua. Ngày 12-5 vừa qua, PBoC cũng buộc các ngân hàng lớn của Trung Quốc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5%, từ mức 20,5% lên 21%, kể từ ngày 18-5. Ðây là lần thứ năm trong năm 2011 và là lần thứ tám kể từ tháng 10-2010, PBoC ra lệnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Quyết định này của PBoC sẽ làm giảm hơn 370 tỷ NDT (khoảng 56,93 tỷ USD) lưu thông trong hệ thống ngân hàng.

Việc thực thi các chính sách thắt chặt tiền tệ khác ở Trung Quốc có thể sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm nay. Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát, cung tiền trở lại mức tiền khủng hoảng và giá thực phẩm bắt đầu hạ nhiệt, dường như nỗ lực 'hạ cánh mềm' của Chính phủ Trung Quốc đang thành công.

Mặt khác, Trung Quốc đang thực hiện chính sách giữ ổn định tỷ giá có điều chỉnh linh hoạt bước nhỏ. Trước sức ép của cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ, chỉ trích chính sách duy trì tỷ giá đồng NDT thấp, gây cạnh tranh không công bằng, Trung Quốc tuyên bố mở rộng tính linh hoạt trong biên độ tỷ giá, nhưng sẽ tiến hành dần dần, tùy thuộc năng lực hấp thụ của các doanh nghiệp, cũng như việc làm, vì mục tiêu duy trì sự ổn định của toàn xã hội.

Cuối tháng 4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ đạt 9,6% trong năm nay, tương tự dự báo đưa ra hồi tháng 10-2010. IMF nhận định, nếu không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực, mức lạm phát ở Trung Quốc có thể giảm xuống trong sáu tháng cuối năm nay. Theo IMF, kinh tế Trung Quốc vẫn dễ bị tổn thương nếu xảy ra những cú sốc mới và giá hàng hóa tăng trên toàn cầu. Do đó, việc thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng là cần thiết để đối phó khả năng lạm phát gia tăng và kéo dài.

(Nhân Dân)