Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung Quốc: Thâm hụt thương mại - kinh tế đang “co” lại quá nhanh?

Kinh tế Trung Quốc đang “co” lại quá nhanh?

Những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc dường như đang trở thành sự thật khi nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh luận về mức độ nghiêm trọng cũng như thời gian kéo dài của sự chậm lại này.

Hôm 9/3, Trung Quốc đã đưa ra báo cáo doanh số bán hàng ô tô trong tháng Hai với kết quả không mấy khả quan. Theo Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Trung Quốc, doanh số bán hàng của xe chở khách tăng chưa đến 3% so với năm trước đó.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này bắt nguồn từ việc giảm thuế cho những xe hơi nhỏ đã hết hạn vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng yếu của ngành này có thể vẫn sẽ tiếp tục.

Các nhà kinh tế của Barclays Capital cho rằng, với lãi suất cho vay tăng cao và khả năng tiếp cận tín dụng giảm, nhu cầu về xe hơi khắp châu Á đang ở mức thấp.

Các nhà kinh tế cho biết thêm, tăng trưởng về nhu cầu xe hơi yếu nhất tại Trung Quốc và Ấn Độ kể từ khi ngân hàng trung ương tại các nước này tăng lãi suất để chống lạm phát. Nếu giá dầu mỏ duy trì ở mức trên 100 USD/thùng thì sẽ làm cho tình hình thêm tồi tệ.

Doanh số bán ô tô của Trung Quốc được đưa ra vài ngày sau khi chính phủ Trung Quốc công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm là 7% trong 5 năm tới.

Đây vẫn là mức tăng trưởng mạnh mẽ, mặc dù vẫn ở mức thấp đáng kể so với tỷ lệ phần trăm lợi nhuận hai con số mà kinh tế Trung Quốc không ngừng gia tăng trong những năm qua.

Ông Art Steinmetz, giám đốc đầu tư tại OppenheimerFunds nói: “Trung Quốc không nằm ngoài chu kỳ kinh doanh. Song quỹ đạo tăng trưởng chậm lại không đồng nhất với việc nền kinh tế sẽ suy giảm.”

Tuy vậy, vẫn có lý do để lo ngại rằng, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ chậm lại nhanh hơn so với dự đoán.

Nhà sản xuất thiết bị cáp quang Finisar (FNSR), một trong những cổ phiếu nóng nhất trong năm nay một phần nhờ vào triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc cho biết trong báo cáo thu nhập của mình rằng, hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc nhìn chung đang suy giảm.

Nếu các nhà viễn thông và các hãng công nghệ cao của Trung Quốc bắt đầu kiềm chế chi tiêu thì đó không hẳn là tin tốt. Bởi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh sẽ có lợi cho sự phục hồi kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Trung Quốc đã chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Các hãng lớn của Mỹ đang đẩy mạnh kinh doanh tại nước này.

Vấn đề lớn nhất hiện nay của Trung Quốc là không thể kiểm soát được những rủi ro lạm phát. Có thể Trung Quốc sẽ phải thắt chặt tiền tệ hơn nữa để thu hẹp tăng trưởng.

“Thanh khoản dư thừa đang nuôi dưỡng các bong bóng tài sản, thương mại và dân cư tại các thành phố nhất định,” ông Andrew Milligan, nhà chiến lược tại Standard Life Investments in Edinburgh cho biết trong một báo cáo.

Ông lưu ý rằng, Trung Quốc đang có những hành động tích cực như tăng tỷ lệ dự trữ và tăng lãi suất ngân hàng trong những tháng gần đây, song có lẽ Trung Quốc mới chỉ bắt đầu thực hiện việc các biện pháp thắt chặt.

Mặc dù có nhiều lo ngại liên quan tới nguy cơ lạm phát, song Trung Quốc rõ ràng không nằm trên bờ vực suy thoái kinh tế năm 2008. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc thường có xu hướng tăng trưởng chậm trong kỳ nghỉ Tết Âm lịch.

Ông Ron Slaymaker, trưởng phòng quan hệ đầu tư tại Texas Instruments cho biết, nhu cầu tiêu dùng trong đầu tháng Hai tại Trung Quốc lắng xuống, tuy nhiên sau đó sẽ mạnh dần lên. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng, doanh số bán hàng tại châu Á nói chung, trong đó có Nhật Bản đã giảm xuống so với Mỹ và châu Âu.

Ông cho biết thêm, ngay cả khi tăng trưởng Trung Quốc chậm lại, việc kiềm chế áp lực giá cả vẫn là mối lo lớn hơn. Hậu quả là Trung Quốc sẽ phải bước vào trận chiến với lạm phát còn tồi tệ hơn so với việc tăng trưởng kinh tế hàng năm của nước này giảm từ 10% xuống còn 7%. 


--------------------------------

Trung Quốc công bố thâm hụt thương mại gây bất ngờ

Trung Quốc mới công bố mức thâm hụt thương mại 7,3 tỷ USD trong tháng 2/2011, mức thâm hụt lớn nhất của nước này trong 7 năm trở lại đây. Đây được xem là kết quả của kỳ nghỉ Tết âm lịch đã kéo xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy yếu. 

Lần thâm hụt này là thâm hụt thương mại lớn nhất của Trung Quốc kể từ tháng 3/2010. Tháng 3/2010, thâm hụt thương mại của Trung Quốc đạt 7,2 tỷ USD.

Hôm 9/3, cơ quan hải quan Trung Quốc cho biết, tháng 2/2011, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 2,4% so với năm trước đó, còn nhập khẩu tăng 19,4%.

Dự báo trung bình của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của hãng Reuters vào tuần trước lại chỉ ra rằng, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng 26,2%, còn nhập khẩu tăng 32,2% trong tháng 2/2011

“Cả nhập khẩu và xuất khẩu đều thấp hơn so với dự đoán và chỉ riêng các yếu tố mùa vụ không thể giải thích đầy đủ cho sự sụt giảm trong tháng này,” nhà kinh tế Xu Biao thuộc China Merchants Bank nhận định.

“Đây chắc chắn không phải là một dấu hiệu tốt. Độ lớn của nhập khẩu được dùng để đánh giá nhu cầu trong nước. Bởi vậy, nhập khẩu giảm đáng kể đã chứng tỏ sự sụt giảm nghiêm trọng trong hoạt động kinh tế trong nước,” ông nói.

Trước đây, Chính phủ Trung Quốc đã chỉ ra rằng, thặng dư thương mại được thu hẹp hơn sẽ chứng tỏ rằng Trung Quốc không phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và sự thay đổi đó được xem là một phần quan trọng để đưa nền kinh tế toàn cầu vào vị thế vững chắc hơn.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng cảnh báo không nên quá quan tâm tới số liệu thương mại trong một tháng, đặc biệt trong quý đầu tiên. Xuất khẩu của Trung Quốc thường suy giảm vào đầu năm khi các nhà máy của nước này đóng cửa hoặc hoạt động chỉ với nửa công suất trong các tuần của Tết Âm lịch.

Nếu ngoại trừ các biến động do kỳ nghỉ thường niên, mức thâm hụt 2 tháng đầu năm của Trung Quốc là khoảng 890 triệu USD, so với mức thặng dư khoảng 22 tỷ USD trong 2 tháng năm đầu năm 2010.

Tháng 1/2011, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 6,5 tỷ USD và trung bình 15 tỷ USD/tháng vào năm ngoái.

Trong tuần, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chen Deming cho hay, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu nhanh hơn xuất khẩu, Trung Quốc hy vọng sẽ thu hẹp thặng dư thương mại trong tháng thứ ba liên tiếp. Năm ngoái, thặng dư thương mại của Trung Quốc là 183 tỷ USD, giảm từ 196 tỷ USD trong năm 2009 và mức kỷ lục 295 tỷ USD trong năm 2008.
 

( Nguồn: vitinfo//CNN//BBC)

  • Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nước sản xuất hàng hóa nhiều nhất thế giới
  • Nhật Bản có thể tăng nhập khẩu ngũ cốc sau thiên tai
  • Tăng trưởng tín dụng tháng 2 của Trung Quốc thấp hơn dự báo
  • Trước cơn “bão gần”
  • Trung Quốc dẫn đầu thế giới về đầu tư xây dựng
  • Năm 2050, Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới?
  • 2006 - 2010: 5 năm 'thần kỳ' của Trung Quốc
  • Đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi có thể 50 tỷ $ trước năm 2015