Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ còn tiếp tục kéo dài nhiều năm, do hai nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về các quyền lợi thương mại.
Cơ quan Giải quyết tranh chấp (DSB) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã nhất trí thành lập một nhóm các chuyên gia để tiến hành điều tra một loạt vụ tranh chấp gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trong cuộc họp của DSB tại Geneva (Thuỵ sĩ), Trung Quốc khẳng định việc công nhận quyền hợp pháp của các nước thành viên WTO trong việc áp dụng các biện pháp điều chỉnh thương mại, song những quyền như vậy phải được thực hiện phù hợp với các quy định của WTO và không được có bất kỳ sự lợi dụng nào.
Trong khi đó, Mỹ cho rằng các biện pháp chống phá giá được áp dụng là cần thiết, để đối ứng lại biện pháp trợ giá thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc và nước này đã vi phạm quy định của WTO.
Chính Trung Quốc cũng đã phản đối lại yêu cầu của Mỹ thành lập một nhóm khác để điều tra các biểu thuế hạn chế của Trung Quốc áp dụng đối với mặt hàng ôtô xuất khẩu của Mỹ.
Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ còn tiếp tục kéo dài nhiều năm, do hai nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về các quyền lợi thương mại. Hiện Mỹ đang theo đuổi 10 vụ kiện Trung Quốc tại WTO, thể hiện phần nào nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm làm giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ, một trong những “giải pháp cứu nguy” trong các cuộc vận động tranh cử của ông.
Báo chí hai nước đều đưa tin đậm vụ kiện mới nhất xảy ra vào ngày 17.9 khi Trung Quốc đệ đơn kiện Mỹ về các biện pháp chống phá giá thiết bị nhà bếp, giấy. “Ăn miếng trả miếng”, Mỹ cũng trình đơn kiện Trung Quốc bảo hộ không công bằng các phụ tùng ôtô xuất khẩu.
Trung Quốc cho biết việc áp dụng các loại thuế chống phá giá của Mỹ đã làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, gây thiệt hại khoảng 7,2 tỉ USD. Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay, các biện pháp chống phá giá của Mỹ tập trung vào 24 chủng loại bao gồm giấy, thép, lốp xe, nam châm, hóa chất, thiết bị nhà bếp, gỗ ốp sàn...
Đáp lại, Mỹ cáo buộc Trung Quốc cung cấp ít nhất 1 tỉ USD bất hợp pháp cho các hãng sản xuất ôtô trong nước và các nhà xuất khẩu phụ tùng ôtô trong giai đoạn 2009-2011 để đánh bại các nhà sản xuất xe hơi Mỹ ngay tại “sân nhà”. Chương trình này đã giúp Trung Quốc tăng sản lượng xe hơi và phụ tùng xe hơi xuất khẩu từ 7,4 tỉ USD/năm lên tới 69,1 tỉ USD/năm trong một thập kỷ qua, tính đến năm 2011.
Theo Lao Động