Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

"Vấn đề Biển Đông là bài học cho ASEAN"

ASEAN vẫn chưa chính thức tiếp cận với Trung Quốc để bàn về nội dung của COC. Vẫn còn nhiều công tác ngoại giao cần được tiến hành để đạt được một COC mang tính ràng buộc cho Biển Đông.

Giữa tháng 7, ASEAN triệu tập các hội nghị theo đúng lịch trình tại Phnom Penh - Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Lần đầu tiên trong 45 năm lịch sử tồn tại, ASEAN không thể đi đến thống nhất về ngay cả một thông cáo chung khi kết thúc AMM. Điều này báo hiệu những khó khăn cho khối đang cố gắng thành lập một cộng đồng an ninh, chứ chưa kể một cộng đồng kinh tế khu vực, vào năm 2015.

Hội nghị bế tắc trong các vấn đề Biển Đông, phản ánh sự chia rẽ sâu sắc giữa các thành viên ASEAN. Philippines yêu cầu đưa cuộc đối đầu gần đây với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough vào thông cáo chung, và nước chủ nhà ASEAN 2012 Capuchia quyết định không ra thông cáo chung thay vì cố gắng đưa vào vụ việc trên. Việt Nam cũng muốn thông cáo phải nêu rõ vấn đề "tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế" trên Biển Đông. Điều này tiếp tục không được Campuchia chấp nhận.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario phát biểu, bế tắc về thông cáo và Bộ quy tắc ứng xử là do "áp lực, sự hai lòng và đe dọa" từ phía Trung Quốc. Nhưng Campuchia khẳng định không hề chịu tác động bởi bất kỳ quốc gia nào và đã thực hiện "quan điểm phù hợp với nguyên tắc".

Campuchia lý giải rằng Philippines và Việt Nam đã cố biến tranh chấp với Trung Quốc thành một tranh chấp giữa Trung Quốc với cả khối ASEAN. Bất đồng lớn này có nguy cơ gây phức tạp thêm, nếu không nói là gây gián đoạn, các cuộc đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử (COC) cho các hoạt động trên Biển Đông.

Ảnh minh họa

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan gọi thất bại này là một "cái nấc". Nhưng người khác lại thấy đây giống như một sự co cứng hay thậm chí một sự đình trệ hơn. Sau một ngày suy nghĩ về các kết quả đạt được và bước đi tiếp theo, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa, người đã cố gắng đứng sau sân khấu để hòa giải những bất đồng, tuyên bố: "Tôi thậm chí còn quyết tâm thúc đẩy COC hơn".

Có người lại chỉ ra rằng ASEAN ít nhất đã thống nhất về các điểm chính trong COC và đã sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc. Các điểm đã được thống nhất hình thành một cơ chế giải quyết tranh chấp, mà trước hết sử dụng Hội đồng tối cao Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), trong đó có Trung Quốc tham gia, và chưa đi đến thống nhất về cơ chế giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật biển (1982). Thế nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì nói Trung Quốc chỉ đàm phán COC khi các điều kiện "chín muồi".

Hậu quả của thất bại cũng không mấy dễ chịu. Sau sự việc, mỗi bên lại tìm ra những lý giải khách nhau. Ông Surin nói, "việc không thể giải quyết vấn đề Biển Đông là một bài học cho ASEAN" và hiệp hội cần phải cho thấy thế giới thấy rằng mình có thể hoạt động hiệu quả hơn. Mặc dù Dương Khiết Trì phủ nhận gây áp lực lên quyết định của Campuchia, ông sau đó cũng công khai cảm ơn Thủ tướng Campuchia Hun Sen vì đã ủng hộ "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc.

Tranh chấp Biển Đông được cho là và lẽ ra phải là cơ hội cho Trung Quốc giải quyết các vấn đề một cách ngoại giao và xây dựng lòng tin với các nước láng giềng cũng như cơ hội cho ASEAN chứng tỏ năng lực phối hợp trong các vấn đề an ninh. Nhưng cả hai cơ hội đã bị bỏ lỡ, và hy vọng ổn định khu vực cũng vậy. Kết quả trên là dấu hiệu cho thấy con đường đi của ASEAN ở giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ gặp nhiều trắc trở.

Thực vậy, con voi trong phòng họp chính là cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ. Giờ đây, không còn ai nghi ngờ về thực tế hai nước đang tham gia vào một cuộc đấu tranh giành "trái tim và khối óc" của Đông Nam Á. Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc lại không xung đột tại ARF như e ngại - ít nhất về phương diện công khai. Thay vào đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại cuộc họp đã nhấn mạnh hợp tác Trung Quốc - Mỹ trong "mọi vấn đề từ cứu trợ thiên tai cho tới việc bảo vệ loài hổ".

Nhưng sau cuộc họp, tờ Tân hòa xã của Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ "can thiệp" vào tranh chấp Biển Đông. Sự thật là chỉ vừa mới trước hội nghị, Mỹ đã tuyên bố quan điểm của mình đối với các vấn đề này và tích cực khuyến khích ASEAN đối đầu với Trung Quốc. Trước sự thất vọng của Trung Quốc, chính phủ Mỹ còn tăng cường các hoạt động hậu trường, thúc giục các quốc gia khu vực trong vấn đề này và cố gắng gây ảnh hưởng đến nội dung của COC.

Bất chấp những trở ngại và nghị kỵ gia tăng, ASEAN rất có thể sẽ vẫn "lê bước" hướng tới hội nghị cấp cao tháng 11 với một số cách thức làm việc hiện nay. Nhưng sẽ rủi ro hơn nếu không làm như vậy bởi nó ảnh hưởng tới trong vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và sự đoàn kết cần có trong các vấn đề an ninh cũng như tới tín nhiệm và sức mạnh chính trị của khối.

Nhưng có lẽ ASEAN cũng nên xem xét lại phương pháp ra quyết sách bằng đồng thuận, trong đó cá nhân mỗi bên có thể phủ quyết một đề xuất. Nó cũng cần phải xem xét lại thẩm quyền được trao cho nước giữ vai trò chủ tịch ASEAN. Có lẽ quan trọng hơn là, ASEAN và các thành viên phải thận trọng để không mắc kẹt giữa hai cường quốc.

Tiến sĩ Marty vừa bắt đầu đi khắp ASEAN để cố gắng cứu vãn một thông cáo chung và COC.

Vài ngày sau những phiên đàm phán liên tục, các bộ trưởng ngoại giao công bố nguyên tắc sáu điểm về Biển Đông. Tuyên bố tái khẳng định cam kết của khối đối với việc triển khai Tuyên bố về ứng xử Biển Đông DOC năm 2002, đối với phương hướng triển khai và nhấn mạnh nỗ lực đạt được một COC sớm.

Tuyên bố nhấn mạnh cam kết kiềm chế và không sử dụng vũ lực cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật quốc tế và Luật Biển LHQ. Tuyên bố cũng nói, các cuộc đàm phán về tranh chấp cần phù hợp với TAC và hiến chương ASEAN.

Nói cách khác, vẫn chưa có điểm gì mới trong tuyên bố này. Và ASEAN thậm chí còn chưa chính thức tiếp cận với Trung Quốc để bàn về nội dung của COC. Vẫn còn nhiều công tác ngoại giao cần được tiến hành để đạt được một COC mang tính ràng buộc cho Biển Đông.
---------------------
Tác giả: Đình Ngân theo The Straits Times // Nguồn: Tuần Việt Nam

  • Nhận dạng một Trung Quốc mâu thuẫn
  • Khủng hoảng: Đổ xô đến Trung Đông tìm cơ may
  • Đổi thay ở đô thị “ma” nổi tiếng Trung Quốc
  • Hai định chế tài chính hàng đầu đồng loạt tiến vào Myanmar
  • Đổi thay ở Triều Tiên nhìn từ việc “ông Kim Jong Un lấy vợ”
  • Singapore xây địa đạo chứa cáp điện
  • Nhật lo ngại giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc
  • Vụ lừa đảo ngân hàng lớn nhất lịch sử Iran: Bốn người lãnh án tử hình